COVID-19 tới 6h sáng 23/1: Thêm 5.600 ca tử vong/ngày; Mỹ có thể đã qua đỉnh Omicron

Trong 24 giờ qua, thế giới có thêm trên 2,4 triệu ca nhiễm mới và 5.508 ca tử vong, đưa tổng ca bệnh vượt 349 triệu và trên 5,56 triệu ca tử vong. Nước Mỹ có thể đã vượt qua đỉnh điểm của làn sóng Omicron.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Moradabad, Ấn Độ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 23/1 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 349.256.392 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.608.841 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 2.412.899 và 5.608 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 277.883.874 người, 65.763.575 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 96.092 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Pháp dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 389.320 ca; Ấn Độ đứng thứ hai với 308.269 ca; tiếp theo là Mỹ (265.847 ca). Mỹ đứng đầu về số ca tử vong mới, với 749 người chết trong ngày; tiếp theo là Nga (681 ca) và Ấn Độ (511 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 71.682.090 người, trong đó có 888.531 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 39.212.000 ca nhiễm, bao gồm 489.422 ca tử vong. Nước này đang trở thành một điểm nóng lây nhiễm do biến thể Omicron sau một thời gian dài lắng dịu khi vượt qua làn sóng chết chóc đầu năm 2021. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 23.757.741 ca bệnh và 622.647 ca tử vong.   

Châu Âu là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 112,7 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Á với 94,25 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 83,9 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là trên 45,28 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 10,7 triệu ca và châu Đại Dương trên 2,3 triệu ca nhiễm.

Chú thích ảnh
rẻ em chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Hartford, bang Connecticut, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Mỹ: Làn sóng Omicron có thể đã tới đỉnh

Theo trang NBC News, số ca nhiễm ở Mỹ cuối cùng đang trên đà giảm xuống sau gần hai tháng tăng vọt do biến thể Omicron. Diễn biến này được các chuyên gia y tế nhận định nước Mỹ có thể đang trên sườn dốc đi xuống của làn sóng Omicron.

Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cho biết tại một cuộc họp ngắn của Nhà Trắng hôm 21/1: “Trên toàn quốc, số ca bệnh đang giảm xuống, mà tôi coi là một xu hướng lạc quan. Nhưng những con số giảm không có nghĩa là người Mỹ đã ra khỏi  nguy hiểm, bởi khi các ca bệnh giảm xuống, một số lượng lớn người vẫn sẽ bị nhiễm bệnh. Nhiều người vẫn nhiễm bệnh trên sườn dốc đi xuống".

Tiến sĩ Jonathan Li, một bác sĩ bệnh truyền nhiễm tại Brigham và Bệnh viện Phụ nữ ở Boston nói: “Một dấu hiệu tuyệt vời cho thấy sườn dốc đang đi xuống nhưng tỷ lệ ca nhiễm vẫn rất cao".

Chú thích ảnh
Một địa điểm xét nghiệm COVID-19 ở Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tới ngày 21/1, số ca mắc trung bình trong bảy ngày ở Mỹ là 743.913 ca, giảm 7% so với tuần trước, theo dữ liệu của NBC News. Tuy nhiên, số người chết tăng nhẹ, từ mức trung bình 1.979 người vào ngày 14/1 lên 2.131 người vào 21/1. Theo Katriona Shea, giáo sư sinh học tại Đại học Bang Pennsylvania và là thành viên của nhóm điều phối Trung tâm mô hình hóa kịch bản COVID-19, các ca nhiễm và nhập viện dự kiến ​​sẽ đạt đến đỉnh điểm trước cuối tháng 1 ở hầu hết các tiểu bang.

Cuba: Tiêm vaccine cho toàn bộ trẻ em trên 2 tuổi 

Ngày 21/1, Bộ Ngoại giao Cuba cho biết tất cả trẻ em trên 2 tuổi ở đảo quốc vùng Caribe này đều đã được tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19, đồng thời đánh giá chiến dịch tiêm chủng quốc gia đã đạt được “kết quả xuất sắc”.

Theo số liệu từ Bộ Y tế Cuba, 87,5% dân số nước này đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng ngừa COVID-19 với 3 loại vaccine nội địa là Abdala, Soberana 02 và Soberana Plus, trong khi khoảng 4,5 triệu người trên tổng số 11,3 triệu dân nước này đã tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa virus SARS-CoV-2. Trẻ em Cuba đã trở lại trường học từ tháng 11/2021 sau một thời gian tạm thời học trực tuyến do đại dịch COVID-19. 

Chú thích ảnh
iêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em tại Havana, Cuba. Ảnh: AFP/TTXVN

Với gần 93% dân số, bao gồm cả trẻ em từ 2 tuổi trở lên, đã được bảo vệ với ít nhất 1 mũi vaccine, Cuba đang vượt hầu hết các quốc gia lớn và giàu có nhất để đứng thứ hai thế giới, chỉ sau Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất, về tỷ lệ dân số được tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Cuba khẳng định các loại vaccine do nước này tự nghiên cứu và phát triển cung cấp khả năng bảo vệ hơn 90% đối với dịch COVID-19 khi đã tiêm đủ 3 liều theo đúng lộ trình. Cuba cũng được đánh giá là rất thành công trong việc chữa trị cho bệnh nhân nhiễm virus SARS-CoV-2, với tỷ lệ khoảng 99% được chữa khỏi bệnh tính tới thời điểm hiện nay.

Hong Kong nguy cơ đối mặt làn sóng dịch nghiêm trọng

Ngày 22/1, cơ quan y tế Hong Kong (Trung Quốc) cảnh báo đặc khu tài chính này đang đối mặt với đợt bùng phát dịch bệnh tồi tệ khi số ca mắc và nghi ngờ mắc COVID-19 đang tăng lên từng ngày.

Hong Kong đã phong tỏa một tòa chung cư, với 3.000 người, trong 5 ngày. Trước đó, Hong Kong đã tiêu hủy theo hình thức nhân đạo đối với hàng nghìn con chuột hamster sau khi có nhiều mẫu cho kết quả dương tính với virus SASR-CoV-2. 

Chú thích ảnh
Người dân đợi xét nghiệm COVID-19 sau khi tòa nhà chung cư bị phong tỏa tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 22/1/2022. Ảnh: AFP/TTXVN

Hong Kong vẫn  duy trì chiến lược "Zero-COVID", tiến hành phong tỏa, truy vết và xét nghiệm ngay khi phát hiện ca mắc mới. Các trường học, phòng tập thể dục tạm thời đóng cửa; nhà hàng đóng cửa từ 18h cho đến sau Tết Nguyên đán. Nhiều chuyến bay đến và đi từ Hong Kong bị hủy hoặc gián đoạn nghiêm trọng. Theo giới chức Hong Kong, đặc khu này khó có khả năng nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội sau Tết Nguyên đán.

Nga: Ca mắc mới liên tục cán mốc cao kỷ lục

Ngày 22/1, Nga thông báo 57.212 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, vượt mức cao kỷ lục trước đó là 49.513 ca ghi nhận cách đây một ngày, do sự lây lan biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2. 

Theo lực lượng chuyên trách chống dịch COVID-19 của Chính phủ Nga, số ca tử vong trong 24 giờ qua là 681 ca. Như vậy, đến nay nước này có hơn 10,8 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có 318.000 ca tử vong – mức tử vong cao nhất tại châu Âu. Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn nước Nga tăng mạnh trong những ngày gần đây do sự lây lan nhanh của biến thể Omicron. Tổng thống Vladimir Putin trước cảnh báo nước này có 2 tuần để chuẩn bị cho sự gia tăng mạnh số ca mắc COVID-19 và kêu gọi tăng cường xét nghiệm và đẩy nhanh hơn nữa các chiến dịch tiêm chủng.

Chú thích ảnh
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Saint Petersburg, Nga. Ảnh: AFP/TTXVN

Cho dù có sẵn 4 loại vaccine, nhiều người dân Nga vẫn chủ quan không muốn tiêm vaccine và mới chỉ có gần 50% dân số Nga tiêm đủ liều cơ bản vaccine.

Singapore ghi nhận ca tử vong đầu tiên do biến thể Omicron

Cùng ngày 22/1, Bộ Y tế Singapore thông báo ca mắc COVID-19 đầu tiên tử vong do biến thể Omicron. Trường hợp này là một cụ bà 92 tuổi, tử vong vào ngày 20/1, sau 10 ngày bị  nhiễm virus SARS-CoV-2.  Được biết cụ bà này chưa tiêm phòng vaccine ngừa COVID-19 và không có tiền sử bệnh tật. 

Trước đó, ngày 21/1, Singapore ghi nhận 3.155 ca mắc COVID-19 mới, trong đó có 2.794 ca nhiễm trong cộng đồng và 361 ca nhập cảnh.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/1/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron điều trị tại nhà

Hãng thông tấn quốc gia Campuchia dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen tối 21/1 cho phép bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron từ nay được phép điều trị tại nhà.

Trong thông báo mới nhất, Thủ tướng Hun Sen giải thích rằng mặc dù Omicron được biết đến là biến thể có khả năng lây lan nhanh nhất, nhưng biến thể này lại không nguy hiểm như Delta và Alpha. Người nước ngoài nhiễm biến thể Omicron có thể xin điều trị tại khách sạn, sứ quán hoặc tại địa điểm do họ lựa chọn mà không bắt buộc phải nhập viện như trước.Thủ tướng Campuchia cho biết thêm những người mang quốc tịch Campuchia, đang sống ở trong nước hoặc từ nước ngoài về, cũng được phép điều trị tại nhà với thủ tục và quy trình tương tự như các ca nhiễm biến thể Delta và Alpha. Các bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đang điều trị tại các bệnh viện ở Campuchia, không phân biệt quốc tịch, có thể xin về nhà điều trị theo mong muốn. Các quy định mới có hiệu lực ngay lập tức.  

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN
Thu Hằng/Báo Tin tức
Thế giới tuần qua: Nga-Mỹ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng Ukraine; Khắc phục hậu quả sóng thần tại Tonga
Thế giới tuần qua: Nga-Mỹ tìm cách hạ nhiệt căng thẳng Ukraine; Khắc phục hậu quả sóng thần tại Tonga

Trong tuần qua, cuộc gặp giữa quan chức cấp cao Mỹ-Nga xoay quanh vấn đề Ukraine và công tác khắc phục hậu quả núi lửa phun trào, sóng thần tại Tonga là vấn đề được dư luận thế giới quan tâm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN