COVID-19 tới 6h sáng 17/11: Cuba ổn định trong bình thường mới; Mỹ dẫn đầu ca nhiễm theo ngày

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận trên 445.000 ca nhiễm và 6.366 ca tử vong. Nước Mỹ đứng đầu thế giới về ca nhiễm mới trong khi Cuba khẳng định đã bước vào "bình thường mới" ổn định.

Chú thích ảnh
Học sinh tới trường tại La Habana, Cuba ngày 4/10/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 17/11 (theo giờ VN), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 255.016.333 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 5.128.446 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 445.956 và 6.366 ca tử vong mới.

Số bệnh nhân bình phục đã đạt 230.529.445 người, 19.358.442 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.959 ca nguy kịch.

Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới về ca nhiễm mới với 61.231 ca; Đức đứng thứ hai với 39.985 ca; tiếp theo là Anh (37.243 ca). Nước Nga tiếp tục đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.240 người chết trong ngày; tiếp theo là Mỹ (867 ca) và Ukraine (838 ca tử vong). 

Nước Mỹ vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới. Tổng số ca nhiễm tại Mỹ đến nay là 48.134.129 người, trong đó có 785.813 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ hai thế giới, ghi nhận tổng cộng 34.456.401 ca nhiễm, bao gồm 463.852 ca tử vong. Trong khi đó, Brazil xếp thứ ba với 21.965.684 ca bệnh và 611.478 ca tử vong.   

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc, ngày 11/11/2021. Ảnh: Yonhap/ TTXVN

Châu Á là khu vực chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất của dịch COVID-19 với trên 80,86 triệu ca nhiễm, tiếp đến là châu Âu với trên 68,75 triệu ca nhiễm. Bắc Mỹ ghi nhận trên 57,7 triệu ca nhiễm, Nam Mỹ là 38,71 triệu ca, tiếp đến là châu Phi trên 8,64 triệu ca và châu Đại Dương trên 338.000 ca nhiễm.

Châu Âu ráo riết chặn làn sóng dịch mới

Phong tỏa những người chưa được tiêm phòng ở Áo, đóng cửa các quán bar và nhà hàng và cửa hàng vào buổi tối ở Hà Lan hay thực hiện làm việc làm từ xa ở Đức, Bỉ ... Đó là những biện pháp hạn chế phòng dịch mới mà các quốc gia châu Âu đang thực hiện nhằm ngăn chặn sự bùng phát đại dịch COVID-19 lần thứ 4 tại Lục địa già. Các biện pháp này chủ yếu nhắm vào những người chưa được tiêm chủng.

Hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đều chứng kiến sự gia tăng các ca mắc COVID-19. Tuần trước, số ca nhiễm mới toàn châu lục đã tăng 14%. Đối mặt với làn sóng mới này, các quốc gia thành viên đang áp dụng các biện pháp hạn chế về y tế.

Theo đánh giá rủi ro mới nhất từ Trung tâm phòng ngừa và liểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), diễn biến dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu được cho là “rất đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên EU (Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Bulgaria, Croatia, Cộng hòa Séc, Estonia, Hy Lạp, Hungary và Slovenia)  và “đáng lo ngại” ở 10 quốc gia thành viên khác.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, miền Đông Đức ngày 28/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tại Áo, nơi mà tỷ lệ mắc COVID-19 thuộc loại cao nhất châu Âu, chính quyền thực hiện phong tỏa đối với những người chưa được tiêm chủng kể từ ngày 15/11. Đây là biện pháp mạnh đầu tiên ở châu Âu, nơi cho đến nay chưa có quốc gia nào hạn chế những người chưa được tiêm chủng.

Những người chưa được tiêm chủng cũng là đối tượng áp dụng các biện pháp phòng dịch ở Latvia, nơi các đại biểu, quan chức dân cử địa phương… chưa tiêm chủng sẽ không thể tham gia vào các cuộc tranh luận, bỏ phiếu hoặc thậm chí nhận lương. Tờ báo này cho biết mục tiêu của các biện pháp trên là để đảm bảo rằng các quan chức do dân cử phải làm gương khi mà tỷ lệ tiêm chủng ở nước này không đạt 60% và tình trạng nhiễm mới đang gia tăng.

Tại Hà Lan, nước này đã quyết định một lần nữa thực hiện phong tỏa một phần trong vòng 3 tuần. Theo đó, các quán bar, nhà hàng và các cửa hàng không thiết yếu đóng cửa lúc 6 giờ chiều trong khi các cửa hàng thiết yếu như siêu thị phải đóng cửa lúc 8 giờ tối.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Berlin, Đức, ngày 12/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Một số quốc gia châu Âu khác chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng nhanh cũng đang lên kế hoạch cho các quy định mới... Đặc biệt là trường hợp của Đức, nước đang phải đối mặt với làn sóng lây nhiễm thứ 4 và chứng kiến số ca lây nhiễm tăng gấp đôi sau mỗi hai tuần. Để đối phó với tình hình nghiêm trọng này, Chính phủ Đức đang xây dựng một dự luật để chuẩn bị áp dụng lại hình thức làm việc từ xa.

Ở Pháp, theo báo Le Point, sự bùng phát của dịch tương đối nhẹ hơn, tuy nhiên, tất cả các khoa điều trị tại các bệnh viện của Pháp đều được chuyển sang cấp độ 2 trong quy trình y tế, và nước này quy định bắt buộc phải đeo khẩu trang đối với tất cả học sinh kể từ ngày 15/11.

Cuba ổn định trong "bình thường mới”

Chiều tối 15/11/2021 (giờ địa phương, ngày 16/11), Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez khẳng định đảo quốc Caribe này đã bước vào trạng thái “bình thường mới” một cách ổn định. 

Trong tuyên bố được truyền hình trực tiếp, ông Rodriguez Parrilla nhấn mạnh đất nước Cuba trở lại với các hoạt động bình thường sau gần 2 năm giãn cách phòng chống đại dịch với nhiều hoạt động kinh tế, xã hội, văn hóa, nổi bật là việc toàn bộ học sinh, sinh viên trở lại các trường học và các sân bay quốc tế mở cửa trở lại. 

Chú thích ảnh
 Người dân trên phố ở La Habana, Cuba ngày 11/8/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Nga dỡ bỏ lệnh cấm các chuyến bay từ một số nước

Từ ngày 1/12 tới, Nga chính thức cho phép nhập cảnh các hành khách trên những chuyến bay từ Bangladesh, Brazil, Mông Cổ, Costa Rica và Argentina. Chính phủ Nga đã dừng các chuyến bay thương mại quốc tế khi dịch bệnh bùng phát năm 2020. Lệnh cấm bay đã ảnh hưởng nặng nề đến các hãng hàng không của Nga.

Cùng ngày, Cơ quan Quản lý dược phẩm Nga cho biết đã cấp phép cho hãng dược Pfizer của Mỹ tiến hành thử nghiệm lâm sàng tại nước này thuốc viên kháng virus để điều trị bệnh COVID-19. 
Thử nghiệm được thực hiện từ ngày 12/11 với 90 người, trong đó một số người có triệu chứng COVID-19, và sẽ tiếp tục cho đến tháng 3/2023.

Ngày 16/11, Nga thông báo 36.818 ca mắc mới COVID-19 trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca mắc lên  9.145.912. Đây là số ca mắc mới trong ngày thấp nhất kể từ ngày 27/10. Nga cũng ghi nhận thêm 1.240 ca tử vong trong 24 giờ qua, đưa tổng số ca tử vong lên 257.837.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Moskva, Nga ngày 11/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trung Quốc công bố vaccine ngừa COVID-19 dạng hít

Tuần trước, Trung Quốc đã công bố một vaccine mới ngừa COVID-19 có thể hít qua đường miệng. Loại vaccine này do chuyên gia tại Viện Quân y thuộc Viện Khoa học quân sự Trung Quốc và Công ty Công nghệ sinh học Cansino Biologics phát triển.

Theo công ty Cansino Biologics, phản ứng miễn dịch sau khi dùng vaccine mới này cao hơn so với phản ứng miễn dịch với vaccine tiêm vào cơ thể. Loại vaccine mới này sẽ rất thuận tiện cho đối tượng trẻ em vì các em sẽ tránh được nguy cơ bị đau và sưng tấy tại chỗ tiêm như khi sử dụng vaccine thông thường. Ngoài ra, loại vaccine này cũng giúp tiết kiệm nhiên liệu đầu vào, giảm áp lực cho chuỗi sản xuất vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bắc Kinh, Trung Quốc, ngày 13/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Hiện Trung Quốc đang có hai loại vaccine ngừa COVID-19 là vaccine của hãng Sinopharm và của Sinovac được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phê duyệt và đang được sử dụng trên toàn cầu. Vaccine dạng hít có thể giúp tăng đáng kể mức độ sẵn sàng tiêm chủng của người dân, nhất là đối với những đối tượng mắc chứng sợ kim tiêm.

AstraZeneca phân phối 2 tỷ liều vaccine COVID-19

Ngày 16/11, hãng dược phẩm AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) thông báo lượng vaccine ngừa COVID-19 do hãng và Đại học Oxford phối hợp phát triển và phân phối trên toàn thế giới đã đạt 2 tỷ liều chỉ chưa đầy 1 năm sau khi được cấp phép.

Theo một tuyên bố chung của AstraZeneca và Đại học Oxford, vaccine của hãng đang được sản xuất tại 15 quốc gia, cung cấp cho hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ. Hiện AstraZeneca đã trở thành đối tác đóng góp nhiều nhất cho COVAX, cơ chế chia sẻ vaccine do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bảo trợ.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng dược AstraZeneca-Oxford. Ảnh: AFP/ TTXVN

Ngày 12/11, AstraZeneca cho biết khi thế giới chuyển sang cách tiếp cận sống chung với COVID-19, hãng bắt đầu bán vaccine với lợi nhuận khiêm tốn. Trước đó, hãng cam kết bán hàng phi lợi nhuận trong đại dịch theo mong muốn của Giáo sư Sarah Gilbert tại Viện Jenner thuộc Đại học Oxford - người có công lớn trong việc phát triển loại vaccine này. Tuy nhiên, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng Pascal Soriot tái khẳng định sẽ tiếp tục cung cấp vaccine phi lợi nhuận cho các nước thu nhập thấp.

Myanmar sắp mở lại các đường biên giới

Tờ Straits Times dẫn phát biểu của Bộ trưởng Thông tin Myanmar., Maung Maung Ohn ngày 16/11 cho biết, nước này sẽ mở lại các đường biên giới quốc tế trên bộ cho du khách quốc tế trong tháng 12 tới. Đây là một bước đi nhằm mở đường cho khôi phục kinh doanh và thu hút đầu tư nước ngoài.

Cùng ngày Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar, do quân đội lập ra, thông báo sẽ mở cửa lại các đường biên giới trên bộ với Trung Quốc và Thái Lan vào tháng 12, trước khi xúc tiến kế hoạch mở lại du lịch đường không quốc tế vào cuối quý 1 năm 2022 "khi tỉ lệ tiêm chủng COVID-19 đã cải thiện đáng kể".

Thông báo trên trang web của Bộ Thông tin Myanmar cho biết: "Các giới hạn đi lại sẽ được nới lỏng tại Muse, Myanmar, giáp biên giới với thành phố Ruili, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc", và tại ba thị trấn Myanmar khác gồm Tachileik, Kawthaung và Htee Kee, giáp biên giới Thái Lan".

Chú thích ảnh
Hội đồng Hành chính Nhà nước Myanmar thông báo sẽ mở lại biên giới với Trung Quốc, Thái Lan. Ảnh: Reuters 

Bộ trưởng Maung Maung Ohn cho biết, dịch COVID-19 "không còn là vấn đề" tại Myanmar, và chính phủ tiếp tục nhận vaccine chủ yếu từ Trung Quốc và các nhà tài trợ khác. 

Hôm 12/11, Bộ Y tế Myanmar thông báo, 14,4 triệu công dân trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine COVID-19, tương đương 42,5% dân số. Tỉ lệ này sẽ tăng lên khoảng 50% vào cuối năm nay. 

Lào: Ca nhiễm vọt cao kỷ lục

Cùng ngày, Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.306 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại Lào đến nay lên tới 56.324 trường hợp. Đây là ngày Lào ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới cao nhất từ trước tới nay.

Bộ Y tế Lào cho biết, sau hai ngày giảm xuống mức 3 chữ số, ngày 16/11 nước này lại ghi nhận số ca mắc COVID-19 mới tăng lên tới 1.290 ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 16 tỉnh, thành, còn lại là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. 

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, nước này vừa ghi nhận thêm 6 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 110 người. 

Chú thích ảnh
Một đường phố ở thủ đô Viêng Chăn, Lào, ngày 12/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trước tình hình trên, Chính phủ yêu cầu các địa phương khẩn trương truy vết, điều trị cho người nhiễm bệnh và đưa người tiếp xúc gần đi xét nghiệm, cách ly tại các cơ sở theo đúng qui định. Đồng thời, Chính phủ Lào cấm tổ chức các hội nghị, họp hành tập trung quá 50 người, bao gồm các lễ hội và hoạt động tôn giáo; cấm tổ chức tiệc tùng, tụ tập và các sự kiện xã hội ở mọi địa điểm để phòng ngừa lây nhiễm dịch bệnh.

Thái Lan mở lại hai cửa khẩu với Malaysia

Giới chức Malaysia ngày 15/11 đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan về việc mở lại các cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta ở tỉnh Narathiwat. Hai cửa khẩu này trước đó đã tạm thời phải đóng cửa nhằm hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19. Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Jurin Laksanawisit nhấn mạnh nước này kỳ vọng việc mở trở lại 2 cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta sẽ giúp tạo ra doanh thu thương mại ít nhất 600 triệu baht (18,32 triệu USD).

Bộ trưởng Jurin cho biết thêm Thái Lan có 97 cửa khẩu với các nước láng giềng và 46 cửa khẩu trong số đó đã nối lại các hoạt động xuyên biên giới nhờ tình hình COVID-19 lắng dịu. Tất cả 9 cửa khẩu ở 4 tỉnh vùng cực Nam của Thái Lan sẽ đi vào hoạt động sau khi 2 cửa khẩu Tak Bai và Buke Ta được mở trở lại.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thân nhiệt của người dân tại trạm kiểm soát ở Rimnam, tỉnh Narathiwat, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Bộ trưởng Jurin nêu rõ trong 9 tháng đầu năm nay, thương mại xuyên biên giới của Thái Lan đạt 1.270 tỷ baht, tăng 31,67% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu đóng góp 778,36 tỷ baht, tăng 38,06% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu trị giá 497,17 tỷ baht (39 tỷ USD), tăng 22,78% so với cùng kỳ năm trước. Malaysia là đối tác thương mại xuyên biên giới lớn nhất của Thái Lan, với tổng kim ngạch thương mại trong 9 tháng đầu năm 2021 đạt 239 tỷ baht (7,3 tỷ USD), tăng 36,47% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 35,73% tổng kim ngạch thương mại qua biên giới.

Philippines bỏ yêu cầu đeo kính chắn giọt bắn

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết yêu cầu đeo kính chắn giọt bắn sẽ được dỡ bỏ ở một số khu vực của nước này. Quyết định này nới lỏng lệnh bắt buộc đeo kính chắn phòng dịch được áp dụng trong hơn một năm qua.

Trước đó, một cuộc điều tra của Thượng viện đã xem xét những cáo buộc rằng những chiếc kính che mặt do chính phủ mua đã được định giá quá cao - một tuyên bố mà các quan chức nội các phủ nhận. Ông Duterte vào tối 15/11 cũng đã thông qua khuyến nghị của Bộ Y tế cho các nhân viên y tế  liều vaccine tăng cường.

Chú thích ảnh
Kính che mặt sẽ không còn bắt buộc ở nhiều khu vực của Philippines. Ảnh: AFP

Trong những ngày qua, số ca nhiễm hàng ngày tại Philippines đã giảm xuống dưới 2.000 ca. Tổng thống Duterte cho biết nền kinh tế Philippines "có thể sớm trở lại hoạt động trước đại dịch" sau khi đạt được "lực kéo" trong quý trước nhờ tiêu dùng hộ gia đình tăng mạnh.

Indonesia cân nhắc chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng"

Chính phủ Indonesia đang xem xét khả năng tham gia vào chương trình "Làn du lịch đã tiêm chủng" để vực dậy ngành du lịch của nước này.

"Làn du lịch đã tiêm chủng" là một khái niệm du lịch được nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương đưa ra, nhằm cho phép khách du lịch đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 được đi lại giữa các quốc gia tham gia chương trình này. 

Trước đó, Indonesia và Malaysia đã thảo luận và lên kế hoạch mở cửa hành lang du lịch song phương nhằm khôi phục ngành du lịch của hai nước.

Chú thích ảnh
Người dân xếp hàng chờ tiêm vaccine phòng COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 16/11: 'Dịch không thành vấn đề', Myanmar sắp mở lại biên giới
COVID-19 tại ASEAN hết 16/11: 'Dịch không thành vấn đề', Myanmar sắp mở lại biên giới

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận gần 27.000 ca nhiễm mới, 351 ca tử vong, đưa tổng ca tử vong vượt 285.000. Myanmar đánh giá "dịch không còn là vấn đề", sẽ mở lại biên giới trên bộ từ tháng 12, trong khi ca nhiễm theo ngày tại Lào lập kỷ lục mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN