Ba quốc gia có số ca mắc trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Mỹ (trên 95.000 ca), Pháp (56.854 ca) và Anh (50.867 ca).
Ba quốc gia có số ca tử vong trong 24 giờ qua cao nhất thế giới là Nga (1.181 ca), Mỹ (859 ca) và Ba Lan (562 ca).
Xét về tổng ca mắc từ đầu đại dịch, Mỹ là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao nhất, với trên 50,5 triệu ca mắc và trên 814.000 ca tử vong. Tiếp đó là Ấn Độ với trên 34,6 triệu ca mắc và Brazil với trên 22,1 triệu ca mắc.
Trong bối cảnh biến thể Omicron xuất hiện ở nhiều quốc gia, ông Takaji Wakita, Viện trưởng Viện Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIID) Nhật Bản, đã cảnh báo về sự nguy hiểm của biến thể Omicron. Ông cho biết biến thể Omicron có khả năng lây nhiễm cao hơn bất cứ biến thể nào khác của virus SARS-CoV-2. Trong giai đoạn đầu bùng phát biến thể Omicron ở Nam Phi, hệ số lây nhiễm của biến thể này cao gấp 4,2 lần so với hệ số lây nhiễm của biến thể Delta.
Trong khi đó, giới khoa học nhận định cần phát triển các vaccine nhắm mục tiêu vào những phần ít đột biến của virus SARS-CoV-2.
Theo hãng tin Reuters (Anh), hầu hết các vaccine ngừa COVID-19 thế hệ đầu tiên đều nhắm mục tiêu tăng đột biến protein trên bề mặt protein gai mà virus dùng để bám vào và lây nhiễm sang các tế bào của con người. Tuy nhiên, dữ liệu mới cho thấy mức độ phòng bệnh giảm dần kể cả ở những người đã tiêm hai mũi vaccine ngừa COVID-19. Ngay cả khi các liều vaccine vẫn còn hiệu quả, thì sự phát triển của virus vẫn cho thấy vaccine cần nhắm mục tiêu vào các phần ít đột biến của virus.
Ca mắc mới COVID-19 ở Pháp ở mức cao
Ngày 9/12, Pháp phát hiện 56.854 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc ở nước này lên 8.105.785 ca.
Theo Cơ quan Y tế công cộng Pháp, tỷ lệ mắc bệnh tại nước này hiện là 448 ca/100.000 dân. Trong khi đó, số ca tử vong vì COVID-19 ở nước này trong 24 giờ qua là 136 ca, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay là 120.168 ca. Một số khu vực ở Pháp, trong đó có thủ đô Paris, đã phải tăng cường nhân viên y tế và giường bệnh tại các bệnh viện để ứng phó làn sóng lây nhiễm hiện tại.
Trong bối cảnh làn sóng dịch bệnh thứ 5 đang tấn công nước Pháp, người phát ngôn chính phủ Gabiel Attal đã kêu gọi người dân tuân thủ các quy định phòng dịch như đeo khẩu trang và xuất trình thẻ tiêm chủng tại những địa điểm công cộng có không gian kín. Từ ngày 10/12/2021 đến 6/1/2022, cấm tuyệt đối hoạt động khiêu vũ trong quán bar và nhà hàng để hạn chế nguy cơ lây lan virus gây bệnh.
Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Pháp Jean-Francois Delfraissy cho rằng có thể cần đến mũi vaccine thứ tư để đối phó với các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Ông lưu ý hiện Pháp còn khoảng 400.000 công dân trên 80 tuổi có nguy cơ cao vẫn chưa được tiêm vaccine phòng bệnh.
Hiện 75,8% dân số Pháp đã tiêm vaccine phòng COVID-19 đầy đủ và hơn 12 triệu người đã tiêm mũi tăng cường.
Ca mắc mới ở Anh vẫn trên 50.000
Anh có 50.867 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 9/12, nâng tổng số ca mắc ở nước này lên 10.660.981 ca. Ngoài ra, số ca tử vong mới là 148 ca. Ngày trước đó, ca mắc mới ở Anh cũng trên 50.000 ca.
Phần lớn số ca mắc mới là nhiễm biến thể Delta. Tuy nhiên, số ca nhiễm Omicron cũng đang gia tăng, với 131 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này lên 568 ca.
Trong cuộc họp báo cùng ngày 8/12, Thủ tướng Boris Johnson thông báo kích hoạt Kế hoạch B ứng phó COVID-19 ở Anh. Ông khẳng định các biện pháp hạn chế trong Kế hoạch B là "phù hợp và có trách nhiệm", nhấn mạnh sự xuất hiện của Omicron và cùng với số ca mắc mới biến thể này tăng khiến chính phủ phải phản ứng ngay.
Tại cuộc họp báo, Giáo sư Chris Whitty, Giám đốc y tế vùng England, cho biết mặc dù Omicron hiện không chiếm tỷ lệ lớn trong các ca mắc COVID-19 theo ngày, nhưng các kết quả phân tích dữ liệu cho thấy biến thể này đang lây lan với tốc độ nhanh với tỷ lệ nhiễm mới tăng gấp đôi trong 2-3 ngày. Cố vấn khoa học hàng đầu của Chính phủ Anh, ông Patrick Vallance, cũng cho rằng tốc độ lây lan nhanh của Omicron sẽ làm gia tăng các ca mắc mới và các ca bệnh nặng phải nhập viện, có thể gây quá tải cho hệ thống y tế nói chung. Kết quả phân tích của Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh cho thấy biến thể Omicron sẽ gây ra ít nhất 50% số ca mắc mới COVID-19 tại Anh trong 2-4 tuần tới.
Áo hủy sự kiện vũ hội Opera Ball
Tại Áo, chính phủ đã quyết định hủy sự kiện vũ hội Vienna Opera Ball. Đây là năm thứ hai liên tiếp Áo phải hủy sự kiện nổi tiếng này do dịch COVID-19.
Trong thông báo ngày 8/12, Quốc vụ khanh phụ trách vấn đề văn hóa Áo Andrea Mayer nhấn mạnh việc giữ nguyên kế hoạch tổ chức Vienna Opera Ball vào ngày 24/2/2022 sẽ gửi đi một "tín hiệu sai" trong bối cảnh nước này mới chỉ bắt đầu thoát khỏi lệnh phong tỏa một phần. Bà Mayer nhấn mạnh "Opera Ball là sự kiện điển hình không thể thực hiện giãn cách xã hội".
Trước đó, Vienna Opera Ball từng bị hủy vào năm 1991 do Chiến tranh vùng Vịnh. Sự kiện này thường có sự góp mặt của các giới tinh hoa chính trị, kinh tế, cùng nhiều nhân vật nổi tiếng.
Đan Mạch tái áp đặt biện pháp kiểm soát dịch
Số ca mắc mới COVID-19 gia tăng đã buộc Đan Mạch tái áp đặt các biện pháp kiểm soát dịch bệnh.
Cụ thể, nước này sẽ đóng cửa các trường học, giảm hoạt động kinh doanh ban đêm và khuyến khích người dân làm việc tại nhà. Trong một tuyên bố ngày 8/12, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen cho biết thêm chính phủ sẽ kéo dài đợt nghỉ Giáng sinh thêm 4 ngày cho học sinh, tức là từ ngày 15/12/2021 đến ngày 5/1/2022.
Từ ngày 10/12 tới, các quán bar, nhà hàng buộc phải đóng cửa vào lúc 24h hằng ngày và việc kinh doanh đồ uống có cồn sau thời gian này cũng bị nghiêm cấm.
Giới chức y tế Đan Mạch đánh giá tình hình dịch COVID-19 tại nước này là rất nghiêm trọng với sự xuất hiện của biến thể Omicron. Trong thông báo cập nhật ngày 8/12, Đan Mạch đã ghi nhận 6.629 ca mắc mới trong vòng 24 giờ qua. Điều đáng lo ngại là hiện quốc gia Bắc Âu này đã có 577 ca nhiễm biến thể Omicron sau khi xác nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể này vào ngày 22/11.
Sau khoảng 2 tháng nới lỏng các biện pháp kiểm dịch, tháng trước, giới chức Đan Mạch đã buộc tái áp đặt quy định đeo khẩu trang và thẻ thông hành COVID-19 do dịch bệnh diễn biến nghiêm trọng trở lại.
Italy gần đạt mốc 100 triệu lượt tiêm phòng
Số liệu của Chính phủ Italy cho biết sau 12 tháng triển khai chiến dịch tiêm phòng COVID-19, nước này ghi nhận 99.792.722 lượt tiêm và đang đứng đầu châu Âu với tỷ lệ tiêm là 168,4 liều/100 dân.
Theo thống kê, cho đến nay, 47.477.646 người tại Italy đã tiêm ít nhất 1 mũi, chiếm 87,91% dân số trên 12 tuổi và 45.830.582 người đã được tiêm đầy đủ, chiếm 84,86%. Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cho biết chiến dịch tiêm chủng của nước này đang được thực hiện nhanh hơn so với đa số các quốc gia châu Âu và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh.
Những yếu tố giúp thúc đẩy chiến dịch tiêm chủng tại Italy có thể kể đến như việc triển khai “siêu thẻ xanh” - chỉ được cấp cho những người đã tiêm chủng hoặc những người đã bình phục sau khi mắc COVID-19 trong vòng 6 tháng, sự xuất hiện của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 và yêu cầu đảm bảo an toàn cho kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022.
Đường cong dịch bệnh của Italy trong những ngày gần đây đang có dấu hiệu đi lên. Ngày 9/12, nước này thông báo phát hiện 12.527 ca mắc mới. Cùng lúc, số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên mức 134.551 ca, cao hơn 79 ca so với một ngày trước đó. Kể từ khi dịch bùng phát hồi tháng 2/2020 đến nay, Italy ghi nhận tổng cộng 5,16 triệu ca mắc.
Ca mắc mới ở Hàn Quốc vượt 7.000 ca ngày thứ hai liên tiếp
Ngày 9/12, Hàn Quốc ghi nhận ngày thứ hai liên tiếp số ca mắc mới COVID-19 ở mức trên 7.000 ca, trong khi số bệnh nhân nguy kịch tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn và hiệu quả của vaccine giảm dần.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA), trong 24 giờ qua, nước này có 7.102 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc lên 496.584 ca. Số ca mắc mới đã giảm nhẹ so với mức kỷ lục 7.175 ca ghi nhận ngày 8/12. Trong khi đó, số ca tử vong do COVID-19 tăng 57 ca lên tổng cộng 4.077 ca. Đáng chú ý, số bệnh nhân nguy kịch tăng 857 ca, mức cao nhất từ trước đến nay, gây thêm áp lực cho hệ thống y tế vốn đã quá tải của Hàn Quốc.
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ Hàn Quốc đã tái áp đặt các hạn chế và áp dụng "thẻ vaccine" nhằm hạn chế mọi hoạt động tụ tập và khuyến khích người dân tiêm chủng. Các biện pháp có hiệu lực từ ngày 6/12 đến ngày 2/1/2022.
Israel kéo dài thời gian cách ly đối với bệnh nhân nhiễm Omicron
Bộ Y tế Israel thông báo kéo dài thời gian điều trị cách ly đối với những người nhiễm biến thể Omicron từ 10 ngày lên 14 ngày. Các trường hợp mắc biến thể khác chỉ cần cách ly 10 ngày. Biện pháp này được đưa ra do quan ngại thời gian mắc bệnh của bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron có thể kéo dài hơn so với bệnh nhân nhiễm các biến thể khác.
Trong trường hợp không xuất hiện các triệu chứng bệnh trong 3 ngày cuối cùng của thời gian cách ly, bệnh nhân mắc biến thể Omicron sẽ được cấp chứng nhận bình phục. Trước đó, bệnh nhân mắc Omicron được coi là đã khỏi bệnh nếu sau 10 ngày điều trị họ có kết quả phân tích gene không còn biến thể này.
Cho đến nay, Israel đã ghi nhận 21 ca mắc biến thể Omicron và 21 ca nghi nhiễm biến thể này.
Trung Quốc cấp phép sử dụng thuốc kháng thể trong điều trị COVID-19
Ngày 8/12, Cục Quản lý Dược phẩm quốc gia Trung Quốc (NMPA) thông báo đã cấp phép sử dụng thuốc kháng thể của công ty công nghệ sinh học Brii Biosciences trong điều trị COVID-19. Đây là loại thuốc điều trị COVID-19 đầu tiên được “bật đèn xanh” tại nước này.
Theo đó, liệu pháp “cocktail kháng thể” gồm các kháng thể đơn dòng BRII-196 và BRII-198 của công ty Brii Biosciences đã được phê duyệt để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình nhưng có nguy cơ cao dẫn đến nhập viện hoặc tử vong. Thuốc này có thể sử dụng ở cả người lớn và thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi.
Tháng 10 vừa qua, Brii Biosciences cho biết trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3, liệu pháp kháng thể đơn dòng của công ty đã cho thấy “kết quả đầy hứa hẹn”, giúp giảm 78% tỷ lệ nhập viện và tử vong ở các nhóm có nguy cơ cao. Kết quả này được đưa ra dựa trên các nghiên cứu tại 6 quốc gia thuộc 4 lục địa và 111 cơ sở nghiên cứu lâm sàng tại thời điểm thế giới ghi nhận nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Cuba ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron
Ngày 8/12, hãng thông tấn ACN của Cuba đưa tin nước này đã ghi nhận trường hợp đầu tiên nhiễm biến thể Omicron.
Theo ACN, bệnh nhân là một nhân viên y tế, sinh sống tại tỉnh Pinar del Rio của Cuba, trở về từ Mozambique hôm 27/11. Sau đó một ngày, người này có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19. Giải trình tự gene cho thấy bệnh nhân nhiễm biến thể mới Omicron.
Giới chức y tế Cuba đang theo dõi các ca đã tiếp xúc với bệnh nhân sau khi người này trở về Cuba.
Brazil cách ly du khách chưa tiêm vaccine
Kể từ ngày 11/12, tất cả những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 nhập cảnh vào Brazil, dù là công dân nước này hay khách nước ngoài, đều phải thực hiện chế độ cách ly bắt buộc 5 ngày và xét nghiệm PCR sau đó.
Thông báo chính thức của Bộ Y tế Brazil ngày 9/12 nêu rõ du khách đến quốc gia Nam Mỹ này cũng phải xuất trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2 được thực hiện trong vòng 72 giờ trước khi lên máy bay và giấy chứng nhận đã được tiêm chủng đầy đủ trước khi nhập cảnh ít nhất 14 ngày với các loại vaccine được Cơ quan quản lý y tế Brazil (Anvisa), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hoặc các cơ quan liên quan chấp thuận.
Những người nhập cảnh vào Brazil bằng đường bộ sẽ không cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nếu đã có kết quả xét nghiệm PCR âm tính.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Marcelo Queiroga hôm 7/12 tuyên bố Chính phủ Brazil đã quyết định loại trừ yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 đối với khách du lịch nhập cảnh vào nước này.
Cho đến nay, yêu cầu duy nhất đối với người nhập cảnh vào Brazil là xuất trình chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-COV-2.
Trong những ngày gần đây, ít nhất 20 trong số 27 bang của Brazil - trong đó có Sao Paulo và Rio de Janeiro - đã hủy bỏ lễ hội mừng Năm Mới 2022 do mối lo ngại ngày lớn về nguy cơ lây lan của biến thể Omicron. Brazil hiện ghi nhận tổng số ca tử vong do COVID-19 cao thứ hai thế giới, chỉ sau Mỹ.
PAHO cảnh báo về nguy cơ lây nhiễm biến thể Omicron tại châu Mỹ
Tổ chức Y tế liên Mỹ (PAHO) lên tiếng cảnh báo với việc biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 cho đến nay đã xuất hiện tại Argentina, Brazil, Canada, Chile, Mexico và Mỹ, khả năng biến thể này lây lan sang các quốc gia khác tại châu Mỹ chỉ còn là vấn đề thời gian.
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Giám đốc PAHO Carissa Etienne cho biết các chuyên gia của tổ chức y tế này đang tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ hơn về Omicron và những rủi ro tiềm ẩn của biến thể này đối với châu Mỹ. Bà Etienne cho rằng sự xuất hiện của một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không có nghĩa là mọi thứ sẽ tồi tệ hơn, tuy nhiên các cá nhân và tổ chức trong ngắn hạn phải hết sức đề cao cảnh giác.
Theo quan chức của PAHO, vaccine vẫn là một công cụ quan trọng để giảm thiểu số ca nhập viện và tử vong do COVID-19, cũng như hạn chế sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Tính đến nay, khoảng 55% người dân ở Mỹ Latinh và Caribe đã hoàn tất phác đồ tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có đến 20 quốc gia trong khu vực chưa đạt được mục tiêu mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đề ra là bao phủ vaccine cho 40% dân số vào cuối năm nay, trong đó Guatemala, Haiti, Jamaica, Saint Vincent và Grenadines vẫn bị bỏ xa so với các nước khác trong việc tiêm chủng đại trà vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
PAHO đang tích cực đàm phán với các hãng dược phẩm như AstraZeneca, Sinovac và Sinopharm về việc nhập khẩu và phân phối vaccine cho các quốc gia Mỹ Latinh. PAHO cũng cho biết tại Nam Mỹ, số ca mắc COVID-19 ở các nước Bolivia, Peru và Colombia có dấu hiệu tăng trở lại trong vài ngày qua, trong khi số ca mắc tại Ecuador, Chile và Argentina lại có chiều hướng giảm dần. Trong khi đó, tất cả các quốc gia tại Trung Mỹ, trừ Panama, đều ghi nhận số ca mắc và tử vong do COVID-19 giảm đáng kể.