Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 30/5 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trên toàn cầu đã lên tới 531.543.259 ca, trong đó có tổng cộng 6.310.707 người tử vong.
Sau hơn 2 năm ứng phó, nhiều nước đang chủ động thích ứng tốt với làn sóng dịch mới này và đang đẩy nhanh quá trình trở lại cuộc sống trước đại dịch, coi COVID-19 như một loại bệnh lưu hành.
Đại dịch sau 2 năm đến nay xuất hiện và đã lây lan ở 225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận trên 502 triệu bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là trên 22 triệu ca và trên 37.000 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 29/5, thế giới có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới và 32 nước có người tử vong vì căn bệnh này, giảm mạnh so với cách đây vài tuần. So với mấy ngày gần đây, số ca mắc mới và tử vong vì đại dịch đang có xu thế tăng trở lại.
Số ca mắc bệnh tiếp tục xu thế giảm trên phạm vi toàn cầu, những vùng bệnh còn “nóng” nằm ở châu Á-châu Mỹ. Tuy nhiên, ngày càng nhiều nước thông báo sẽ nới lỏng hay thậm chí gỡ bỏ hoàn toàn các biến pháp phòng dịch nghiêm ngặt.
Trong 24 giờ qua, Triều Tiên tiếp tục là quốc gia ghi nhận số ca mắc mới cao nhất (với trên 89.000 ca), trong khi Đài Loan/Trung Quốc là nơi có số ca tử vong mới cao nhất thế giới với 145 ca.
Trung Quốc cũng chứng kiến xu thế dịch đáng ngại khi số ca mắc mới tăng mạnh, khiến nhà chức trách nước này quyết định phong tỏa một số thành phố lớn, đồng thời chiến lược “Không COVID” áp dụng từ đầu dịch cũng chuyển thành “Không COVID linh hoạt”. Song Trung Quốc cũng đang khống chế hiệu quả đợt bùng phát này, với việc Thượng Hải công bố kế hoạch mở cửa trở lại một số dịch vụ công thiết yếu sau thời gian phong tỏa.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 29/5, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 30 ca tử vong. Trong ngày 29/5, Thái Lan có số ca mắc mới (trên 3.000 ca) cao nhất khu vực, trong khi nước này cũng ghi nhận nhiều ca tử vong nhất (24 ca).
Nhìn chung, tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục thuyên giảm và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Indonesia, Thái Lan và Malaysia vẫn căng thẳng hơn so với các nước khác.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong từ đầu dịch tới nay, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN chỉ có ba quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Malaysia và Thái Lan.
Trước những tiến bộ đạt được của vaccine và thuốc điều trị COVID-19 trong việc giảm nguy cơ bệnh diễn tiến nặng và tử vong, ngày càng nhiều nước trên thế giới dỡ bỏ các quy định phòng, chống dịch COVID-19 nhằm đưa cuộc sống trở lại bình thường trước khi đại dịch bùng phát.
Ngày 29/5, hãng thông tấn Kyodo dẫn một nguồn tin cho hay Triều Tiên đã dỡ bỏ các hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch COVID-19 tại thủ đô Bình Nhưỡng, vài tuần sau khi nước này phát hiện trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 đầu tiên.
Trước đó cùng ngày, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin tại cuộc họp quan trọng do nhà lãnh đạo Kim Jong-un chủ trì, Đảng Lao động Triều Tiên đã quyết định sẽ phối hợp "các quy định và hướng dẫn chống dịch trong bối cảnh tình hình chống dịch ổn định hiện nay".
Triều Tiên ngày 29/5 đã nghi nhận hơn 89.500 ca sốt mới, nâng tổng số ca sốt lên hơn 3,44 triệu người kể từ cuối tháng 4, trong bối cảnh bùng phát dịch COVID-19 ở quốc gia Đông Bắc Á này. Theo KCNA, hiện có ít nhất 186.000 người đang được điều trị và hơn 3,26 triệu người đã hồi phục.
Ngày 12/5 vừa qua, Triều Tiên đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc COVID-19 kể từ khi đại dịch bùng phát, buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un chỉ thị giới chức thực hiện phong tỏa cả nước. Ông Kim khioó yêu cầu "tất cả thành phố và huyện trên toàn bộ đất nước phong tỏa triệt để các khu vực của mình". Ngoài ra, các nhà máy, doanh nghiệp và nhà cửa cần được phong tỏa và tái tổ chức để ngăn chặn hoàn toàn sự lây lan của virus".
Nhật báo The Nation của Thái Lan ngày 29/5 đưa tin Cục Kiểm soát dịch bệnh (DDC) của nước này quyết định không tính các trường hợp có kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên dương tính với virus SARS-CoV-2 vào thống kê số ca mắc COVID-19 theo ngày.
Tiến sĩ Sumanee Wacharasint thuộc DDC ngày 28/5 cho biết phần lớn các ca xét nghiệm nhanh dương tính đều có triệu chứng nhẹ, rất ít triệu chứng hoặc không triệu chứng. Do đó, DDC quyết định không đưa số liệu này vào thống kê ca mắc COVID-19 theo ngày. Theo bà, việc không tính số ca nhiễm được xác nhận qua xét nghiệm nhanh không ảnh hưởng đến thống kê về số ca mắc, vì số liệu này sẽ chỉ tập trung vào những người có triệu chứng nặng và cần nhập viện. DDC dự kiến áp dụng cách thống kê số ca mắc mới bắt đầu từ tháng tới.
Tại Singapore, trong ngày 28/5, nước này đã ghi nhận thêm 3.323 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 1.293.369 ca. Trong số các ca nhiễm mới, có 3.244 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Số người đang điều trị trong bệnh viện là 301 người, trong đó có 7 người đang phải điều trị tích cực. Tổng số ca tử vong do COVID-19 vẫn ở mức 1.383 ca.
Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong (Trung Quốc) ngày 28/5 cho biết vẫn tiếp tục phát hiện virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 trong các mẫu nước thải ở nhiều khu vực, cho thấy nguy cơ vẫn còn ca nhiễm trong cộng đồng.
Khoảng 140.000 bộ xét nghiệm kháng nguyên sẽ được phân phối cho người dân, nhân viên vệ sinh và nhân viên quản lý các tòa nhà tại các khu vực có kết quả xét nghiệm mẫu nước thải cho thấy có lượng virus tương đối cao, nhằm phát hiện các ca nhiễm. Chính quyền kêu gọi những người có kết quả xét nghiệm dương tính nhanh chóng thông báo với cơ quan chức năng thông qua các nền tảng trực tuyến.
Nhằm phòng ngừa dịch COVID-19, cơ quan bảo vệ môi trường và dịch vụ thoát nước của Hong Kong đã thu thập mẫu nước thải của tất cả các khu vực để làm xét nghiệm virus SARS-CoV-2.
Trong ngày 28/5, Hong Kong ghi nhận 116 ca mắc COVID-19 thông qua xét nghiệm acid nucleic và 154 trường hợp mắc được xác nhận qua xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Với việc số ca mắc mới COVID-19 giảm trong 6 ngày liên tiếp, chính quyền thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc quyết định dỡ bỏ một số biện pháp kiểm soát dịch bắt đầu từ ngày 29/5.
Phát biểu trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 28/5, đại diện chính quyền Bắc Kinh, ông Xu Hejian cho biết: “Các nỗ lực ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh tại Bắc Kinh đang trong giai đoạn quan trọng, chuyển từ ứng phó khẩn cấp sang trạng thái ngăn ngừa và kiểm soát thông thường. Tuy nhiên nguy cơ bùng dịch vẫn còn và không thể xem nhẹ”.
Theo số liệu của chính quyền thành phố, đợt bùng phát mới đây đã nằm trong tầm kiểm soát với số ca mắc mới giảm 6 ngày liên tục. Có 8 trong số 16 khu vực của thủ đô không ghi nhận ca mắc mới trong 3 ngày liên tiếp, trong khi một số khu vực khác chỉ xuất hiện lác đác ca mắc.
Căn cứ vào tình hình mới, Bắc Kinh sẽ áp dụng các biện pháp phòng dịch linh hoạt, tùy vào tình hình của từng khu vực bắt đầu từ ngày 29/5. Cụ thể, tại các quận Phòng Sơn (Fangshan) và Thuận Nghĩa (Shunyi), người dân có thể đi làm trực tiếp trở lại, trong khi ở các quận Triều Dương (Chaoyang) và Thông Châu (Tongzhou), số người được làm việc trực tiếp tại văn phòng có thể tăng lên nếu cần thiết. Dịch vụ xe buýt, taxi, tàu điện ngầm sẽ được nối lại tại các quận Triều Dương, Thuận Nghĩa và Phòng Sơn, trừ các khu vực đang bị cách ly.
Tuy nhiên, quy định tạm ngừng phục vụ ăn uống tại nhà hàng vẫn có hiệu lực, trong khi chính quyền cũng tạm hoãn kế hoạch cho các trường mẫu giáo, tiểu học và trung học cơ sở học trực tiếp trở lại. Các trung tâm đào tạo trực tiếp, quán cà phê internet, quán karaoke và các hàng quán hoạt động dưới tầng hầm ở một số khu vực nhất định sẽ mở cửa muộn hơn, trong khi dịch vụ trang trí nội thất tại các khu dân cư chưa được hoạt động trở lại.
Ngày 29/5, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 12.654 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 18.080.323 ca. Đây là ngày thứ 4 liên tiếp Hàn Quốc có số ca nhiễm mới theo ngày dưới 20.000 ca và là mức thấp nhất trong các ngày Chủ nhật trong hơn 4 tháng qua.
Số bệnh nhân mắc COVID-19 nghiêm trọng là 188 ca, mức thấp nhất trong hơn 10 tháng. Số ca tử vong tăng thêm 19 ca lên 24.158 ca. Tỷ lệ tử vong là 0,13%. Trong những tuần qua, số ca nhiễm mới tại Hàn Quốc có xu hướng giảm dần, sau khi làn sóng dịch bệnh do biến thể Omicron gây ra đạt đỉnh vào giữa tháng 3 với hơn 621.000 ca nhiễm mới theo ngày.
Tính đến ngày 28/5, có 44,58 triệu người, tương đương 86,9% dân số Hàn Quốc, đã tiêm đủ các mũi cơ bản phòng COVID-19 và 33,29 triệu người, tương đương 64,9% dân số, đã tiêm mũi tăng cường đầu tiên. Số người đã tiêm mũi tăng cường thứ hai là 4,05 triệu người, chiếm 7,9% dân số.
Trong bối cảnh dịch bệnh có dấu hiệu cải thiện, nhà chức trách Hàn Quốc đã chuyển hướng từ truy vết nghiêm ngặt và điều trị sang tập trung vào những ca mắc COVID-19 nghiêm trọng và ngăn ngừa các ca tử vong. Kể từ tháng sau, KDCA sẽ triển khai các biện pháp nhằm đẩy nhanh công tác điều trị cho nhóm những người dễ bị tổn thương, bao gồm những người từ 60 tuổi trở lên, nhân viên các nhà dưỡng lão và những người có hệ miễn dịch yếu. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng triển khai các bước nhằm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường, đồng thời nới lỏng quy định đi lại.
Một nghiên cứu mới đây tại Mỹ cho thấy hội chứng COVID kéo dài (Long COVID) có thể xảy ra ngay cả ở những trường hợp lây nhiễm đột phá, tức là những trường hợp vẫn mắc COVID-19 dù đã tiêm chủng đầy đủ, trong đó người càng cao tuổi càng có nguy cơ đối mặt với những ảnh hưởng lâu dài.
Theo nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Medicine, khoảng 30% số người mắc COVID-19 đột phá có các biểu hiện của COVID kéo dài. Nghiên cứu đã xem xét hồ sơ y tế của 13 triệu cựu chiến binh ở Mỹ, đa số là người da trắng với độ tuổi trung bình 60, trong đó gần 3 triệu người đã tiêm phòng COVID-19 trong giai đoạn từ tháng 1-10/2021. Khoảng 1%, tương đương 34.000 người, đã mắc COVID-19 đột phá.
Một nghiên cứu khác của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ cho thấy khoảng 20% số người trên 18 tuổi ở nước này có vấn đề về sức khỏe có thể liên quan đến việc đã mắc COVID-19 trước đây. Theo CDC, hội chứng COVID kéo dài có các triệu chứng dai dẳng hoặc rối loạn chức năng, bao gồm các triệu chứng tim mạch, phổi, huyết học, thận, nội tiết, tiêu hóa, cơ xương khớp, thần kinh và tâm thần.