Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 22/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 192.754.969 ca, trong đó có 4.141.447 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày sau một thời gian thuyên giảm nay đang có dấu hiệu tăng trở lại trên phạm vi toàn cầu, với những vùng dịch “nóng nhất” ở châu Á và châu Âu, trong khi số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước Á-Âu tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm. Đặc biệt, Anh và Brazil số ca mắc mới vẫn cao một cách báo động.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 175.218.426 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.395.096 ca và 82.132 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 21/7, thế giới có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 89 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 21/7 đánh giá biến thể Delta, được phát hiện lần đầu tiên tại Ấn Độ, tới nay đã lây lan ra 124 quốc gia và vùng lãnh thổ. Biến thể này cũng được phát hiện trong hơn 75% số mẫu bệnh phẩm được đưa đi phân tích chuỗi gen tại nhiều quốc gia lớn. Trong báo cáo dịch bệnh hằng tuần công bố ngày 20/7, WHO cho rằng biến thể này sẽ lấn án tất cả các biến thể khác và trở thành biến thể gây bệnh chính trong những tháng tới.
Mỹ vẫn là quốc gia đứng đầu thế giới về số ca mắc và ca tử vong với 35.127.367 ca, trong đó 625.719 ca tử vong. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Mỹ, số ca nhiễm biến thể Delta đã gia tăng đáng kể và hiện chiếm tới 83% các mẫu được giải trình tự gen tại Mỹ. Tổng thống Joe Biden cũng thừa nhận rằng vẫn còn một chặng đường dài ở phía trước trong bối cảnh số ca mắc mới đang gia tăng do biến chủng Delta. Indonesia là quốc gia có số ca tử vong vì virus nhiều nhất thế giới trong 24 giờ qua.
Tại Hàn Quốc, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (KDCA) sáng 21/7 thông báo số ca mắc mới ở Hàn Quốc là 1.784 ca, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước tới nay, do các vụ lây nhiễm tập thể tiếp tục lan rộng trên toàn quốc với sự xuất hiện của biến thể Delta rất dễ lây lan.
Theo KDCA, trong số ca mắc mới, có tới 1.726 ca lây nhiễm trong nước và số ca bệnh mới đã liên tục ở mức trên 1.000 ca trong 2 tuần qua. Cũng theo KCDA, đã có thêm một ca tử vong ở Hàn Quốc, nâng số người tử vong bởi đại dịch lên 2.060 người. Để đối phó với sự gia tăng các ca bệnh và tử vong mới, Hàn Quốc đã thắt chặt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh.
Ở Nhật Bản, thủ đô Tokyo ngày 21/7 thông báo ghi nhận thêm 1.832 ca mắc mới, mức cao nhất kể từ ngày 16/1 vừa qua. Giới chuyên gia cảnh báo Nhật Bản có thể sẽ hứng chịu làn sóng lây nhiễm thứ 5, với số ca nhiễm mới tăng mạnh trước thềm lễ khai mạc Olympic Tokyo, dự kiến vào ngày 23/7 tới. Các chuyên gia y tế cũng cảnh báo tình huống "nghiêm trọng" ở Tokyo, khi số ca nhiễm mới có thể tăng cao hơn vào đầu tháng 8 tới.
Cùng ngày, Trung Quốc đại lục ghi nhận thêm 22 ca mắc mới, gồm 2 ca lây nhiễm trong cộng đồng đều ở tỉnh Vân Nam (Yunnan) và 20 ca nhập cảnh. Như vậy, đến nay Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 92.364 ca mắc, trong đó có 4.636 ca tử vong.
Do lo ngại sự lây lan của dịch bệnh, Chính quyền đặc khu Hong Kong (Trung Quốc) thông báo sẽ duy trì phần lớn các biện pháp giãn cách xã hội đang áp dụng hiện nay thêm hai tuần nữa, đến ngày 4/8. Thông báo này có hiệu lực kể từ 0h ngày 22/7.
Ở Trung Đông, Israel áp dụng một loạt quy định phòng dịch mới, trong đó có các quy định về đeo khẩu trang và chế tài xử phạt các trường hợp vi phạm kèm theo nhằm ngăn chặn sự lây lan của Delta - biến thể siêu lây nhiễm và gây biến chứng nặng ở người bệnh. Số liệu của Bộ Y tế Israel cho thấy số ca mắc mới trong ngày đã tăng lên 1.400 ca hôm 20/7, tức ngày thứ 2 liên tiếp ở mức trên 1.000 ca. Trong ngày cũng có thêm 2 ca bệnh nặng, nâng tổng số bệnh nhân nặng lên 63 ca.
Tại châu Âu, ngày 21/7, Anh ghi nhận 44.104 ca nhiễm mới, giảm từ mức 46.558 ca thông báo một ngày trước đó, trong khi có 73 ca tử vong, cũng giảm so với mức 96 ca của một ngày trước đó. Đến nay, 46,4 triệu người dân nước này đã được tiêm chủng ít nhất 1mũi vaccine, trong đó 36,4 triệu người đã được tiêm đủ liều 2 mũi. Tr
ng khi đó, Phó Thủ tướng Nga Tatiana Golikova cùng ngày cho biết 80% dân số nước này có thể có miễn dịch vào tháng 11 tới. Theo bà, 33,6 triệu người dân nước này đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine, trong đó 22,6 triệu ca đã được tiêm đủ 2 mũi.
Tại Pháp, các rạp chiếu phim, bảo tàng và các địa điểm thể thao tại Pháp từ ngày 21/7 sẽ yêu cầu người đến trình chứng nhận tiêm phòng hoặc kết quả xét nghiệm âm tính mới được phép vào trong bối cảnh quốc gia này đang chứng kiến làn sóng dịch bệnh thứ 4 với số ca mắc mới COVID-19 tăng cao.
Theo đó, những loại giấy "thông hành y tế" kể trên là bắt buộc tại mọi sự kiện hoặc địa điểm có từ 50 người trở lên tham gia. Biện pháp này cũng sẽ được mở rộng áp dụng với các nhà hàng, quán cafe và trung tâm thương mại tại Pháp từ tháng 8 tới. Bảo tàng Louvre nằm trong số những địa điểm bắt đầu áp dụng quy định này từ ngày 21/7.
Một số quan chức của bảo tàng cho biết các du khách nước ngoài cũng không bất ngờ khi được yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận tiêm phòng hoặc giấy xét nghiệm âm tính vì đây đều là những giấy tờ họ phải mang theo khi nhập cảnh Pháp.
Tại tháp Eiffel, những du khách không có chứng nhận tiêm phòng sẽ được đề nghị làm xét nghiệm. Với chứng nhận tiêm phòng, người dân và du khách được yêu cầu phải tiêm đầy đủ 2 mũi trước đó ít nhất 1 tuần mới được chấp nhận vào các địa điểm kể trên.
Tại châu Phi, Bộ Y tế Algeria cho biết nước này đã ghi nhận thêm 1.298 ca mắc mới và 23 ca tử vong, nâng tổng số trường hợp nhiễm bệnh ở quốc gia này lên 155.784 người và 3.979 ca tử vong. Đây là những con số kỷ lục được ghi nhận trong một ngày tính từ khi quốc gia Bắc Phi này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên vào ngày 25/2/2020 đến nay. Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh, Chính phủ Algeria đã quyết định gia tăng các biện pháp phòng ngừa dịch COVID-19 và áp đặt lệnh giới nghiêm.
Trong một động thái nhằm đạt được quyền tiếp cận công bằng đối với vaccine, hãng dược phẩm Pfizer/BioNTech cho biết đã tìm được đối tác sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại Nam Phi đó là công ty dược phẩm Biovac có trụ sở tại Cape Town.
Đây là thỏa thuận sản xuất vaccine đầu tiên tại châu Phi, với sản phẩm được dành riêng cho Lục địa đen. Tuy nhiên, dự án này sẽ mất nhiều thời gian để triển khai, do đó dự kiến vaccine của hãng Pfizer/BioNTech được đóng gói tại châu Phi sẽ chưa thể lưu hành trước năm 2022.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 71.853 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 122.640 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 5 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” ngày càng nghiêm trọng, số ca mắc mới và ca tử vong tăng mạnh. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ.
Trong khi đó, diễn biến dịch cũng rất nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Tuy nhiên, Philippines đang chứng kiến số ca tử vong và ca mắc thấp hơn khá nhiều các nước thành viên khác, báo hiệu dịch có dấu hiệu chững lại ở quốc gia này.
Malaysia tình hình vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua, trong khi số người chết vì COVID-19 cũng ở mức báo động.
Ngày 21/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 199 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 2 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định gia hạn phong tỏa toàn quốc với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch COVID-19.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 21/7 ghi nhận thêm trên 13.002 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 108 người, so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng mạnh, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok tiếp tục bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh cũng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 812 bệnh nhân mới và 19 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 122.646 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.741 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 6.353.419 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 5.232.256 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp khi chủng mới Delta đang làm bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 9/11 nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Ngày 21/7, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) Ngozi Okonjo-Iweala đã có bài phát biểu về việc mở rộng sản xuất vaccine COVID-19 nhằm thúc đẩy tiếp cận công bằng, trong đó nhấn mạnh đến việc triển khai vaccine tuy được đẩy nhanh song tình trạng bất bình đẳng về vaccine vẫn còn nhiều thách thức.
Trong tháng Sáu, 1,1 tỷ liều đã được sử dụng trên toàn thế giới, nhiều hơn 45% so với tháng Năm và hơn gấp đôi tổng số cho tháng Tư. Chương trình COVAX hiện đã cung cấp hơn 134 triệu liều cho 136 nền kinh tế. Việc sản xuất vaccine cũng đang tăng lên. Theo công ty nghiên cứu Airfinity, hơn 1 tỷ liều vaccine nữa đã được sản xuất vào tháng 6/2021, nâng tổng sản lượng toàn cầu vào giữa tháng Bảy lên 3,8 tỷ.
Trong số 1,1 tỷ liều đó vào tháng Sáu, chỉ 1,4% đến tay người dân châu Phi, chiếm 17% dân số toàn cầu. Chỉ 0,24% thuộc về những người ở các nước có thu nhập thấp. Ở các nước phát triển, 94 liều đã được tiêm cho mỗi 100 người dân.
Trong khi châu Phi, tỷ lệ này là 4,5, còn ở các nước thu nhập thấp con số là 1,6. Ở châu Phi, chỉ có 20 triệu người, tương đương 1,5% dân số được tiêm chủng đầy đủ, so với 42% người dân ở các nước phát triển.
Hồi tháng Năm, bà Okonjo-Iweala và Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã cùng với các đối tác từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) kêu gọi 50 tỷ USD đầu tư trước vào việc tăng cường tiêm chủng trên khắp thế giới nhằm cứu được nhiều mạng sống và thúc đẩy nền kinh tế thế giới.
Tiếp cận không bình đẳng với vaccine là lý do chính cho sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu hình chữ K, trong đó các nền kinh tế tiên tiến và một số nền kinh tế khác đang vượt lên phía trước, còn phần còn lại tụt hậu trong bối cảnh nghèo đói và thất nghiệp gia tăng.