Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 15/7 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 189.106.412 ca, trong đó có 4.073.480 người tử vong.
Số ca mắc bệnh trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, với châu Á, Brazil hiện là những vùng dịch “nóng nhất”, song số ca tử vong vẫn ở mức đáng quan ngại. Một số nước châu Âu, châu Á tình hình đang leo thang trở lại với sự bùng phát của biến chủng virus Delta hết sức nguy hiểm.
Thời gian gần đây, biến chủng Delta và Delta Plus đã xuất hiện tại hàng loạt nước, buộc các chính phủ phải tăng tốc tiêm chủng và siết chặt các biện pháp phòng dịch để tránh một làn sóng COVID-19 mới.
Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 172.755.794 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 12.277.138 ca và 79.192 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch. Ngày 14/7, thế giới có 105 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 84 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch.
Brazil và Indonesia hiện là hai nước dịch diễn biến nghiêm trọng nhất thế giới, dịch cũng đang lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước.
Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Indonesia đang nổi lên thành một trong những ổ dịch nóng nhất thế giới.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông báo đã có thêm gần 3 triệu ca mắc COVID-19 và hơn 55.000 ca tử vong trên toàn thế giới trong tuần qua. Theo WHO, tỷ lệ mắc mới và tử vong tính từ ngày 5-11/7 tăng lần lượt 10% và 3% so với tuần trước đó. Tỷ lệ mắc mới tăng cao nhất ở khu vực Đông Địa Trung Hải (25%), tiếp đó là châu Âu (20%), Đông Nam Á (16%), Tây Thái Bình Dương (15%) và châu Phi (5%). Tuy nhiên, tỷ lệ này giảm ở khu vực châu Mỹ (3%). Trong khi đó, tỷ lệ tử vong đã tăng mạnh ở khu vực châu Phi (50%) và Đông Nam Á (26%), và giảm 11% ở châu Mỹ. Theo WHO, biến thể Delta có khả năng lây lan cao hiện đã xuất hiện tại hơn 110 nước trên thế giới.
Tại Australia, chính quyền bang New South Wales quyết định gia hạn phong tỏa thành phố Sydney thêm ít nhất 14 ngày, sau khi các biện pháp hạn chế áp dụng trong 3 tuần trước đó không dập tắt được đợt bùng phát dịch mới nhất. Theo đó, lệnh phong tỏa sẽ được duy trì cho đến ngày 30/7, thay vì ngày 16/7 như dự kiến trước đó.
Trong 24 giờ qua, Sydney ghi nhận 97 ca mắc mới, trong đó có 24 ca lây nhiễm trong cộng đồng. Thành phố lớn nhất của Australia với 5 triệu dân này đang chật vật kiểm soát sự lây lan mạnh của biến thể Delta. Nhiều cơ sở kinh doanh không thiết yếu đã đóng cửa, học sinh phải ở nhà và người dân chỉ được ra ngoài khi cần thiết hoặc tập thể dục.
Tại châu Âu, chính quyền thủ đô London tiếp tục yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng sau ngày 19/7, thời điểm dự kiến dỡ bỏ phần lớn các biện pháp hạn chế được áp dụng để phòng chống dịch. Chính quyền London nhận định việc bắt buộc đeo khẩu trang sẽ là một "lớp phòng vệ" hữu hiệu, mang lại sự yên tâm cho cư dân thủ đô và du khách.
Trước đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết hầu hết các quy định phòng chống dịch COVID-19 tại nước này sẽ được dỡ bỏ vào ngày 19/7, song chính phủ sẽ đưa ra các hướng dẫn mới nhằm kiểm soát dịch bệnh và đề cao ý thức phòng dịch của cá nhân. Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo rằng quyết định dỡ bỏ các biện pháp hạn chế được đưa ra quá sớm có thể khiến số ca mắc tăng mạnh trở lại.
Hy Lạp yêu cầu người dân phải có chứng nhận đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới được phép tới các nhà hàng, quán bar và quán cà phê phục vụ trong nhà. Đây là một trong các biện pháp nhằm cữu vãn mùa du lịch Hè của Hy Lạp. Quy định này cũng sẽ được áp dụng đối với khách hàng tại các hộp đêm, rạp chiếu phim và rạp hát.
Tuy nhiên, thực khách dùng bữa ở ngoài trời sẽ không cần có chứng nhận tiêm chủng hoặc xét nghiệm. Vốn dựa khá nhiều vào ngành du lịch, Hy Lạp đang tìm cách để mở lại toàn bộ nền kinh tế. Tới nay, đã có khoảng 41% người Hy Lạp được tiêm đủ liều vaccine. Khách du lịch cần xuất trình chứng nhận đã tiêm chủng hoặc có kết quả xét nghiệm PCR âm tính mới được nhập cảnh. Hy Lạp ghi nhận tổng cộng 444.783 ca mắc, trong đó có 12.806 ca tử vong.
Malta đã hủy thực thi lệnh cấm mọi du khách nhập cảnh vào nước này nếu chưa được tiêm đủ vacccine, chỉ vài giờ trước khi lệnh này có hiệu lực vào ngày 14/7. Thay vào đó, nước này sẽ áp dụng cách ly đối với những hành khách chưa được tiêm chủng.
Malta được đánh giá là một trong những quốc gia châu Âu đi đầu trong chiến dịch tiêm phòng COVID-19, với khoảng 80% dân số trưởng thành được tiêm đủ liều vaccine. Tuy nhiên, sau khi không ghi nhận các ca mắc mới và chỉ có số ít bệnh nhân đang được điều trị, đảo quốc ở Địa Trung Hải này bắt đầu ghi nhận hàng chục ca mắc mới vào đầu tháng 7.
Tại CH Séc, số liệu của Bộ Y tế nước này cho biết ngày 13/7 Séc đã ghi nhận thêm 317 trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2. Kể từ ngày 8/6, đây là lần đầu tiên mức tăng hằng ngày vượt quá 300 trường hợp, hệ số lây nhiễm tăng trở lại lên con số cao nhất trong năm nay là 1,45.
Tỷ lệ người bị nhiễm trên toàn quốc trong tuần qua ở mức 16/100.000 dân, cao hơn 200 trường hợp so với cùng thời điểm tuần trước. Tuy nhiên, ngày 6/7 là sau kỳ nghỉ lễ và ít xét nghiệm hơn. Các phòng thí nghiệm đã thực hiện khoảng 84.000 xét nghiệm trong tuần này, tăng so với khoảng 39.000 của tuần trước.
Từ khi bùng phát dịch vào tháng 3/2020, Séc ghi nhận tổng số 1.670.073 người đã bị nhiễm virus SARS-CoV-2, trong đó 1.637.367 người đã bình phục. Kể từ khi bắt đầu tiêm chủng vào tháng 12/2020, ngành y tế nước này đã tiêm 9.156.505 liều vaccine và gần 3,9 triệu người đã được tiêm đầy đủ 2 mũi.
Tại Israel ngày 14/7, nhà chức trách Israel bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi vaccine của Pfizer/BioNTech thứ ba cho các bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Trung Đông này gia tăng trở lại trong những ngày gần đây do biến thể Delta.
Đối tượng được tiêm bao gồm những người từng được ghép tim, phổi, thận hoặc có bệnh nền như ung thư, dễ bị nhiễm virus. Trung tâm Y tế Sheba – bệnh viện lớn nhất tại Israel – đã trở thành nơi thực hiện tiêm vaccine của Pfizer/BioNTech mũi thứ ba đầu tiên trên thế giới. Đây cũng là một trong 10 bệnh viện tốt nhất thế giới năm 2020 theo xếp hạng của tạp chí Newsweek.
Trước đó, với hơn 85% dân số trưởng thành được tiêm chủng đầy đủ, Israel đã gỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế xã hội. Tuy nhiên, số ca nhiễm mới COVID-19 tại nước này trong 2 ngày qua liên tục ở mức trên 500 ca/ngày. Có nhiều bằng chứng cho thấy một số bệnh nhân không phát triển phản ứng miễn dịch đầy đủ sau hai liều vaccine. Trước những diễn biến mới, Bộ Y tế Israel đã quyết định cho phép tiêm mũi thêm một mũi vaccine cho người dân ngay cả khi Mỹ và châu Âu chưa cấp phép việc này theo đề nghị của hãng Pfizer/BioNTech.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 14/7, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 90.379 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 110.240 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Myanmar và Campuchia. Đông Nam Á đang là một trong những điểm dịch nóng nhất châu Á.
Ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” đang quay đầu tăng mạnh cả số ca mắc mới và ca tử vong. Trong 1 ngày qua, Indonesia là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất châu Á, số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay trong nhiều ngày liên tiếp. Số ca tử vong trong ngày tại Indonesia cao hơn tất cả các nước ASEAN khác cộng lại và cao hơn cả tâm dịch Ấn Độ, trở thành tâm dịch mới của châu Á.
Trong khi đó, diễn biến dịch vẫn khá nghiêm trọng ở Philippines trong mấy ngày gần đây. Trong ngày 14/7, Philippines đã không còn là quốc gia có số ca mắc và tử vong cao của khu vực nữa. Nước này 24 giờ qua chứng kiến số ca tử vong tăng mạnh trở lại.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện cũng là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 14/7, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ hai Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 118 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 4 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 7.083 ca COVID-19 mới và 145 trường hợp tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Myanmar đang rất nghiêm trọng vì cả số ca mắc mới và tử vong đều tăng vọt mấy ngày gần đây.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/7 ghi nhận thêm trên 9.317 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 87 người, giảm đôi chút so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng ở mức cao một cách đáng ngại. Thủ đô Bangkok đã bị áp lệnh giới nghiêm.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 915 bệnh nhân mới và 33 ca tử vong trong một ngày qua. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành. Thủ đô Phnom Penh vẫn là điểm dịch nặng nhất của Campuchia.
Trong ngày 14/7, Singapore sau nhiều ngày bình yên nay cũng đã ghi nhận các ca bệnh mới trong mấy ngày gần đây, với 60 trường hợp trong 24h qua. Tuy nhiên, nước này đã nhiều tháng không có ca tử vong vì COVID-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 110.245 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 1.514 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 5.769.502 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.882.747 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên sau khi chủng virus Delta lây lan mạnh. Trong 24 giờ qua, trừ Brunei, tất cả các nước thành viên còn lại trong ASEAN đều ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Tính đến chiều 14/7, châu Phi ghi nhận tổng cộng 6.027.574 ca mắc COVID-19, trong đó có 153.449 ca tử vong và 5.259.921 bệnh nhân đã phục hồi. Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập là các quốc gia ghi nhận số ca bệnh cao nhất tại châu Phi trong đó Nam Phi là quốc gia duy nhất trong châu lục ghi nhận số ca mắc vượt mức 2 triệu, với 2.219.316 ca.
Tính về số ca bệnh, khu vực miền Nam châu Phi là vùng chịu tác động mạnh nhất, tiếp đến là các khu vực Bắc Phi và Đông Phi trong khi khu vực Trung Phi ghi nhận số ca mắc thấp nhất châu lục.