COVID-19 tới 6 giờ 5/6: Nga sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam sản xuất vaccine; WHO cảnh báo chương trình COVAX thiếu nguồn cung

Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận 361.321 trường hợp mắc COVID-19 và 8.831 ca tử vong. Tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu vượt ngưỡng 173,2 triệu ca bệnh, trong đó trên 3,7 triệu người không qua khỏi.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Mississauga, Ontario, Canada ngày 13/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/6 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 173.256.047 ca, trong đó có 3.725.714 người tử vong. Số ca mắc bệnh và tử vong trong ngày tiếp tục đà giảm trên phạm vi toàn cầu, trong khi châu Á và Mỹ Latinh hiện là những vùng dịch “nóng nhất”.

Đại dịch sau gần 2 năm đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 156.232.006 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 13.298.327 ca và 88.210 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.

Ngày 4/6, thế giới có 106 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 96 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tiếp đà thuyên nhẹ.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 Abdala của Cuba được giới thiệu trong cuộc họp báo tại La Habana, ngày 19/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia như Mỹ, Ấn Độ và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.

Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine. Trong vòng 1 ngày qua, Ấn Độ và Brazil là hai quốc gia có số mắc mới và số ca tử vong nhiều nhất thế giới.

Mỹ vẫn đứng đầu thế giới về số ca mắc COVID-19 với 34.190.145 ca, trong đó có 612.158 ca tử vong. Tuy nhiên, nhờ chiến dịch tiêm chủng phát huy hiệu quả, Mỹ - tâm dịch của thế giới, đang ghi nhận những con số tích cực hằng ngày. Từ thời điểm số ca mắc mới lên tới hàng trăm nghìn ca, nay con số này giảm xuống còn 15.000-16.000 ca/ngày.

Xếp sau Mỹ về số ca mắc COVID-19 là Ấn Độ. Số liệu của Bộ Y tế Ấn Độ công bố ngày 4/6 cho thấy, trong 24 giờ qua, nước này phát hiện thêm 121.364 ca mắc mới, đưa tổng số ca mắc trên cả nước lên 28.693.816 ca. Ngoài ra, với việc có thêm 3.382 ca tử vong, tổng số ca không qua khỏi tại Ấn Độ hiện lên tới 344.101  ca. Cùng ngày, truyền thông dẫn kết quả một nghiên cứu của chính phủ nước này chỉ ra rằng biến thể của virus SARS-CoV-2 lần đầu tiên được phát hiện tại Ấn Độ (B.1.617.2), hiện được đặt tên là Delta, đã gây ra làn sóng lây nhiễm thứ hai ở nước này.

Chú thích ảnh
Vaccine Sputnik V ngừa COVID-19 của Nga. IRNA/TTXVN

Ngày 4/6, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế thế giới St. Petersburg, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh nước này không chỉ tạo ra các công nghệ độc đáo và nhanh chóng thiết lập việc sản xuất vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trong nước, mà còn giúp các đối tác nước ngoài triển khai sản xuất vaccine.

Nhà lãnh đạo Nga khẳng định đến nay, ngoài Nga không có bất cứ quốc gia nào giúp các nước khác triển khai sản xuất vaccine ở trên lãnh thổ của họ.

Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng giao cho các cơ quan chức năng Nga sớm triển khai việc tiêm vaccine có thu phí đối với người nước ngoài tại Nga, đặc biệt là số đông các chuyên gia, công nhân nước ngoài đang làm việc trong các lĩnh vực xây dựng, thương mại, dịch vụ nhà ở và các dịch vụ cộng đồng khác.

Nhà lãnh đạo Nga cho rằng vaccine Sputnik-V của Nga có hiệu quả cao trong việc phòng ngừa COVID-19 và đang nhận được sự quan tâm từ giới doanh nhân, lãnh đạo các tập đoàn lớn ở châu Âu, họ sẵn sàng đến Nga để tiêm vaccine. Ông chỉ rõ: “Ngành công nghiệp dược phẩm trong nước đã sẵn sàng để tăng cường sản xuất vaccine nhiều hơn nữa, tức là chúng ta không chỉ đáp ứng đầy đủ nhu cầu của chính mình mà còn có thể tạo cơ hội cho công dân nước ngoài đến Nga và tiêm chủng tại đây”.

Trước đó, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov chiều 3/6 cho biết Moskva sẽ thảo luận việc hợp tác sản xuất vaccine Sputnik-V tại Việt Nam.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố tại Melbourne, Australia, trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19, ngày 28/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại châu Âu, tình hình dịch bệnh đang có chiều hướng lắng dịu. Số liệu ngày 4/6 của hãng tin Reuters (Anh) cho thấy, tính trung bình trong 7 ngày qua tại châu Âu, 5 quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc mới mỗi ngày nhất là Nga (9.166), Pháp (8.350), Đức (4.480), Tây Ban Nha (4.262) và Anh (3.743).

Trong khi đó, 5 quốc gia có số ca tử vong trong ngày cao nhất là Nga (380), Đức (151), Ukraine (126), Pháp (95) và Ba Lan (91). Nhìn chung, số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 tại các quốc gia châu Âu đã giảm đáng kể so với giai đoạn đỉnh dịch trong quý I/2021, thời điểm một số nước ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới mỗi ngày (Pháp 43.098 ca, Đức 16.363 ca hôm 21/4).

Ở Bỉ, trong tuần qua, số ca mắc mới tại Bỉ tiếp tục giảm khi nước này duy trì các biện pháp hạn chế tiếp xúc, tránh tụ tập đông người, các nhà hàng, quán cà phê, quán bar chỉ được phép phục vụ khách ngoài trời... Hơn nữa, đây cũng là kết quả của chiến dịch tiêm phòng tại Bỉ khi mà đã có hơn 50% số người trên 18 tuổi tại nước này được tiêm vaccine mũi đầu tiên.

Chú thích ảnh
Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 19/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/6, Pháp đã công bố kế hoạch mở cửa biên giới, với bản đồ được đánh dấu theo màu. Theo đó, Pháp sẽ mở cửa hoàn toàn biên giới với công dân các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) từ ngày 9/6 tới. Tuy nhiên, những du khách đã được tiêm chủng đến từ Anh và Mỹ - các nước được đánh dấu là "màu da cam" khi nhập cảnh vẫn cần phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2.

Trong kế hoạch trên, bắt đầu từ ngày 9/6, người dân EU không cần phải có lý do thực sự cần thiết để tới Pháp - vốn là một trong những điểm đến thu hút du khách hàng đầu thế giới - và chỉ những người chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19 mới cần trình kết quả xét nghiệm PCR âm tính với virus SARS-CoV-2.

Bên cạnh đó, Pháp cũng nới lỏng hạn chế đối với 7 nước thuộc khu vực "màu xanh lá cây" gồm Australia, Hàn Quốc, Israel, Nhật Bản, Liban, New Zealand và Singapore. Cũng theo kế hoạch, từ ngày 1/7, Pháp sẽ công nhận chứng nhận kỹ thuật số về COVID-19 của EU, cho phép người dân đi lại trong khối.

Chú thích ảnh
Người dân Pháp gặp gỡ nhau tại một quán bar ngoài trời ở thành phố miền Bắc Lille, khi lệnh phong tỏa do dịch COVID-19 được nới lỏng, ngày 19/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tuy nhiên, tại các khu vực được đánh dấu "màu da cam", trong đó có Anh, khu vực Bắc Mỹ, hầu hết khu vực châu Á và châu Phi, những người đã được tiêm chủng khi nhập cảnh vào Pháp vẫn phải trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, song họ sẽ không cần nêu lý do nhập cảnh. Đối với những người chưa tiêm chủng ở khu vực "màu da cam", họ chỉ được nhập cảnh trong trường hợp cần thiết như cấp cứu y tế và phải tự cách ly trong vòng 7 ngày.

Khi được hỏi lý do công dân Mỹ đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn phải trình kết quả xét nghiệm COVID-19, Bộ trưởng Giao thông vận tải Pháp Jean-Baptiste Djebbari cho biết vấn đề là do thiếu chứng minh kỹ thuật số được tiêu chuẩn hóa. Theo ông, dù nhiều người đã được tiêm phòng, song họ chỉ có tờ giấy chứng nhận mà chưa được số hóa.

Hiện Pháp đang đàm phán với những nước trên và mục tiêu là sẽ vẫn mở cửa cho người dân đến từ các nước khu vực Bắc Mỹ, Canada và Mỹ, cũng như một số nước châu Phi. Theo kế hoạch, Pháp sẽ dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc vào 23h00 ngày 9/6 và các nhà hàng sẽ được phép phục vụ thực khách trong nhà, cũng như được dỡ bỏ hoàn toàn hạn chế vào ngày 30/6.

Chú thích ảnh
Người dân dùng bữa bên ngoài của một nhà hàng ở London, Anh ngày 29/4/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 4/6, Anh ghi nhận thêm 6.238 ca mắc COVID-19 - mức cao nhất từ cuối tháng 3 vừa qua và tăng mạnh so với mức 5.274 ca ghi nhận trước đó một ngày. Cũng trong 24 giờ qua, nước này có thêm 11 trường hợp tử vong. Tính đến nay, Anh ghi nhận tổng cộng 4.499.878 ca mắc COVID-19, trong đó có 127.812 người không qua khỏi.

Cùng ngày, trong phát biểu đưa ra sau Hội nghị Bộ trưởng y tế  Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock khẳng định sẽ ưu tiên tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em nước này, đồng thời đảm bảo người dân Anh sẽ được bảo vệ và an toàn. Ông khẳng định đang hợp tác với các quan chức quốc tế nhằm đảm bảo người dân có thể được tiêm phòng trên khắp thế giới, đặc biệt là với vaccine ngừa COVID-19 do AstraZeneca phối hợp với Đại học Oxford sản xuất.

Tính đến nay, hơn 3/4 số người trưởng thành ở Anh, tương đương 39.949.694 người đã được tiêm mũi đầu tiên vaccine ngừa COVID-19, trong khi chỉ hơn 1/2 số người trưởng thành đã tiêm đủ 2 mũi.

Chú thích ảnh
Cảnh sát và binh sĩ kiểm tra các phương tiện để phòng dịch COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 1/6/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/6, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 25.650 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 80.760 người.

Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Campuchia và Việt Nam.

Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.

Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ hai trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 4/6 cũng đứng thứ hai toàn khối.

Chú thích ảnh
Người dân chờ xét nghiệm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 30/5/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua.

Ngày 4/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 86 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc, một bước đi hết sức cứng rắn và khó khăn.

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 212 ca bệnh mới và không có trường hợp tử vong nào.

Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 4/6 ghi nhận thêm trên 2.631 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 31 người. Dù vậy, so với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đã giảm khá nhiều.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 khi xếp hàng chờ nhận lương thực cứu trợ tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 11/5/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch bệnh đang vẫn ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 886 bệnh nhân mới và 6 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 80.761 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 507 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.131.336 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.736.708 trường hợp.

Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại cuộc họp báo ở Geneva, Thụy Sĩ. Ảnh: THX/TTXVN

Ngày 4/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo tình trạng thiếu vaccine ngừa COVID-19 cấp cho cơ chế COVAX trong tháng 6-7 có thể làm giảm hiệu quả của các chiến dịch tiêm chủng trên toàn cầu.

COVAX được WHO và Liên hợp quốc (LHQ) đồng sáng lập nhằm đảm bảo phân phối công bằng vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu, đặc biệt ở các quốc gia có thu nhập thấp. Đến nay hơn 80 triệu liều vaccine đã được chuyển đến 129 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Cho đến nay, các quốc gia giàu có cam kết chia sẻ hơn 150 triệu liều vaccine cho các nước nghèo hơn.

Tuy nhiên, trả lời báo giới, Cố vấn cấp cao của WHO - ông Bruce Aylward, cho biết COVAX đang cần thêm khoảng 200 triệu liều vaccine và hiện chưa có đủ vaccine để giúp đưa thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Ông đánh giá việc các nước giàu cam kết đóng góp 150 triệu liều vaccine cho COVAX là "sự khởi đầu tốt", song cho biết số vaccine này chưa được giao ngay trong tháng 6-7. Ông cũng cho biết thế giới sẽ cần có thêm 250 triệu người được tiêm vaccine từ nay đến cuối tháng 9 nếu muốn đạt mục tiêu có ít nhất 30-40% dân số toàn cầu được tiêm chủng trong năm nay.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
Sáng 5/6, Việt Nam có thêm 77 ca mắc mới COVID-19
Sáng 5/6, Việt Nam có thêm 77 ca mắc mới COVID-19

Tính đến 6 giờ ngày 5/6, Việt Nam có thêm 77 ca mắc mới COVID-19 trong 12 giờ qua. Trong đó, có 75 ca bệnh ghi nhận trong nước tại Bắc Giang (45 ca), Bắc Ninh (19 ca), TP Hồ Chí Minh (10 ca), Hà Nam (1 ca).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN