Theo số liệu thống kê của trang mạng worldometers.info, cập nhật đến 6 giờ sáng 5/4 (giờ Việt Nam), tổng số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) trên toàn cầu là 131.883.643 ca, trong đó có 2.865.242 người tử vong.
Dịch bệnh đến nay xuất hiện và lây lan ở 219 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các nước cũng ghi nhận 106.125.548 bệnh nhân được điều trị khỏi, số ca đang điều trị tích cực là 22.892.853 ca và 98.833 ca hiện ở trong tình trạng nguy kịch.
Ngày 4/4, thế giới có tới 126 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận ca COVID-19 mới; 107 quốc gia/vùng lãnh thổ có các ca tử vong vì đại dịch. So với các ngày qua, số ca tử vong và ca bệnh mới tại nhiều nước trên thế giới ghi nhận trong 24 giờ qua tăng mạnh trở lại.
Dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia, như Mỹ, Ấn Độ, Ba Lan và Brazil, đồng thời lây lan diện rộng, với số ca mắc cao ở nhiều nước. Các làn sóng dịch bệnh đáng lo ngại xuất hiện trở lại ở một số khu vực của thế giới, sau khi hàng loạt quốc gia đối mặt với sự bùng phát đợt dịch mới và phát hiện các biến chủng mới của virus SARS-CoV-2. Hàng loạt nước đã đẩy nhanh chương trình vaccine.
Mỹ hiện vẫn đứng đầu thế giới cả về số ca nhiễm với 31.417.233 ca mắc và số ca tử vong là 568.762. Brazil đứng thứ hai với 12.910.082 ca nhiễm và 328.206 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ ba với số ca nhiễm và tử vong lần lượt là 12.391.129 và 164.141.
Tại châu Á, Bộ Y tế Ấn Độ ghi nhận trong 24 giờ qua có 93.249 ca mới mắc COVID-19, mức cao nhất kể từ tháng 9/2020, đồng thời nâng tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 ở nước này kể từ đầu dịch lên gần 12,5 triệu ca. Trước đó, ngày 19/9 năm ngoái là thời điểm Ấn Độ ghi nhận số ca mới trong một ngày cao nhất với 93.337 ca.
Số ca nhiễm trong một ngày ở quốc gia 1,3 tỷ dân này đã tăng mạnh kể từ đầu tháng 2, thời điểm con số này giảm xuống ngưỡng 9.000 ca/ngày sau khi đạt đỉnh gần 100.000 ca hồi tháng 9/2020. Các chuyên gia cảnh báo tốc độ lây nhiễm đang nhanh hơn so với năm ngoái.
Hàn Quốc đang đứng trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4 sau khi số ca nhiễm mới hàng ngày vượt ngưỡng 500 ca trong ngày thứ 5 liên tiếp. Trong bối cảnh liên tiếp xuất hiện các ổ lây nhiễm tập thể rải rác trên quy mô toàn quốc trong những ngày gần đây, giới chức y tế kêu gọi người dân cùng hợp tác thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch.
Bộ trưởng Y tế và Phúc lợi xã hội Hàn Quốc Kwon Deok-chul cảnh báo rằng số ca nhiễm hàng ngày có khả năng sẽ tái vượt ngưỡng 1.000 ca đồng thời nhấn mạnh nếu làn sóng lây nhiễm thứ 4 xảy ra chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến hệ thống y tế quốc gia do số lượng nhân viên bị hạn chế.
Trong những ngày tới, cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ tiến hành kiểm tra tại chỗ việc tuân thủ quy tắc phòng dịch tăng cường ở một số doanh nghiệp và công sở. Những cơ quan, doanh nghiệp nào không đáp ứng các yêu cầu về quy tắc phòng dịch sẽ bị phạt tới 3 triệu won (khoảng 2.650 USD) hoặc bị đình chỉ hoạt động.
Bắt đầu từ ngày 4/4, các quy tắc phòng dịch tăng cường sẽ chính thức có hiệu lực trên toàn quốc. Ngoài việc áp dụng phạt hành chính và tố cáo các hành vi vi phạm, KDCA đã quyết định loại những người vi phạm ra khỏi danh sách được nhận tiền hỗ trợ khẩn cấp và hỗ trợ sinh hoạt phí.
Tại châu Âu, Chính phủ Anh thông báo sẽ thử nghiệm hệ thống xác nhận tình trạng tiêm chủng COVID-19 của người dân tại các sự kiện như các trận bóng đá trong những tuần tới. Thông báo xác nhận các kế hoạch của chính phủ phát hành chứng nhận cho thấy một người đã tiêm chủng hay chưa, đã có kháng thể sau thời gian mắc bệnh hay có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 hay không.
Tới nay, Anh đã tiêm chủng mũi đầu tiên cho hơn 31 triệu người và mũi thứ 2 cho hơn 5 triệu người. Hệ thống xác nhận tình trạng tiêm chủng COVID-19 của người dân dự định được sử dụng cho các sự kiện tập trung số lượng lớn người tham gia như ở các câu lạc bộ đêm, các lễ hội, sự kiện thể thao. Tuy nhiên, hệ thống này không được sử dụng trên các phương tiện giao thông công cộng hay trước khi vào các cửa hàng thiết yếu.
Chính phủ Anh cũng dự định sẽ xếp loại các quốc gia trên thế giới theo hệ thống "đỏ, xanh, hổ phách" về nguy cơ dịch bệnh khi mở lại hoạt động đi lại quốc tế từ ngày 17/5. Người dân sẽ được phép tới các quốc gia thuộc nhóm "xanh" để du lịch, giải trí, chỉ cần xét nghiệm trước khi đi và khi trở về, tuân thủ yêu cầu cách ly hoặc tự các ly sau khi trở về.
Tại châu Mỹ, tổng số ca COVID-19 tại Canada đã vượt qua một cột mốc ảm đạm 1 triệu ca khi tỉnh British Columbia báo cáo 2.090 ca nhiễm mới trong vòng hai ngày. Canada là quốc gia thứ 23 trên thế giới có trên một triệu ca nhiễm COVID-19, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins. Cứ 3-4 tuần Canada lại có thêm khoảng 100.000 nhiễm mới. Những ngày gần đây, chính quyền một số tỉnh đã phải áp đặt trở lại những biện pháp hạn chế nhằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng lây nhiễm thứ 3
Số ca nhiễm COVID-19 trên toàn Canada là 1.000.550 ca, theo thống kê của Global News, trong đó ít nhất 921.200 bình phục, 23.051 người khác đã tử vong. Canada đang bắt đầu đạt được những tiến bộ đáng chú ý trên mặt trận tiêm chủng, góp phần giảm tỷ lệ lây nhiễm ở người cao tuổi – đối tượng được ưu tiên tiêm chủng cùng với các nhân viên ở tuyến đầu. Tính đến sáng ngày 1/4, số người được chủng ngừa ít nhất một liều vaccine đã lên đến 5 triệu tại Canada.
Tại châu Phi, Guinea-Bissau đã tiến hành chiến dịch tiêm chủng vaccine COVID-19 với vaccine của hãng AstraZeneca, với số lượng ban đầu là 12.000 liều. Tổng thống Guinea-Bissau Umaro Sissoco Embalo kêu gọi người dân đi tiêm phòng và tiếp tục thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh lây lan. Hiện nhà chức trách Guinea-Bissau đang ưu tiên tiêm chủng cho các nhân viên y tế và người cao tuổi. Guinea-Bissau, một trong những quốc gia nghèo nhất trên thế giới, đã chính thức ghi nhận hơn 3.600 ca mắc COVID-19 và hơn 60 ca tử vong.
Libya cũng vừa tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 đầu tiên trong bối cảnh hệ thống y tế quốc gia đang phải chật vật ứng phó khi số ca mắc mới đang tăng nhanh. Bộ Y tế Libya xác nhận hơn 100.000 liều vaccine Sputnik V của Nga đã được đưa đến thủ đô Tripoli.
Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah kêu gọi người dân Libya đăng ký đi tiêm phòng thông qua trang web được chính phủ lâm thời lập hồi tháng 3 vừa qua. Hiện Libya ghi nhận hơn 160.000 ca bệnh trong đó có 2.737 ca tử vong. Trong những tuần qua, Libya ghi nhận khoảng 1.000 ca mắc mới/ngày. Tuy nhiên, việc xét nghiệm còn hạn chế có thể là nguyên nhân khiến con số được ghi nhận chính thức thấp hơn nhiều so với thực tế.
Đại dịch COVID-19 là một thách thức lớn vì sau một thập kỷ chìm trong bạo lực, hệ thống y tế của Libya gần như kiệt quệ. Các bệnh viện vẫn luôn trong tình trạng quá tải và thiếu nguồn lực. Trong khi đó, hiện không có biện pháp hạn chế nào được áp dụng trong khi yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang tại nơi công cộng không được người dân tuân thủ. Để thay đổi tình hình, Chính phủ chuyển tiếp đi vào hoạt động từ tháng trước đã ưu tiên mục tiêu đảm bảo người dân được tiếp cận vaccine COVID-19.
Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/4, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 19.281 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên 59.770 người.
Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có tới 3 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia và Malaysia.
Indonesia vẫn là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN, khi nước này ghi nhận tổng số ca bệnh cao nhất khu vực. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” sau nhiều tháng dịch bùng phát đã thấy xu thế hạ nhiệt, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm so với mấy ngày trước. Ngày 4/4, Indonesia ghi nhận ngày kỷ lục về số ca tử vong kể từ đầu dịch bệnh tới nay, với 427 ca.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao gấp nhiều lần “tâm dịch” Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong lại tăng mạnh trở lại so với các ngày trước.
Malaysia tình hình tiếp tục đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt ở Malaysia. Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua không công bố số liệu dịch bệnh.
Thái Lan dù đã qua những ngày “nóng nhất” song số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. Nước này trong ngày 4/4 ghi nhận thêm 58 ca bệnh mới.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 44 bệnh nhân mới trong ngày 4/4. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 59.770 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 431 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 2.980.426 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 2.621.508 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, ASEAN có tới 8 nước thành viên ghi nhận các ca COVID-19 mới. Chỉ còn Brunei và Lào không có thêm ca tử vong hay mắc bệnh (Myanmar không công bố số liệu).