Trong hơn 2 thập niên qua, bác nông dân Ấn Độ Ravindra Kajal đã quen với việc trồng lúa như cha ông. Cứ độ tháng 6, ông đổ nước vào đồng rồi thuê cả một đội quân làm thuê gieo sạ.
Nhưng thiếu người lao động do dịch COVID-19 đã khiến ông Kajal phải thay đổi. Ông tưới cánh đồng chỉ đủ để làm ẩm đất. Sau đó, người nông dân này thuê máy cấy sạ trực tiếp xuống cánh đồng rộng 3,6ha tại làng Raipur Jattan ở bang Haryana.
Hãng thông tấn Reuters (Anh) dẫn lời ông Kajal (46 tuổi) chia sẻ: “Kể từ khi cảm thấy quen hơn với cách trồng lúa kết hợp với vừa làm vừa thử nghiệm, tôi chọn lựa phương pháp mới nhưng vẫn bối rối. Tuy nhiên, tôi đã tiết kiệm được khoảng 7.500 rupee (khoảng 2,3 triệu đồng) mỗi mẫu ruộng bởi không phải trả nhiều chi phí cho nước và nhân công trong năm nay”.
Ấn Độ là nhà xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới. Khắp những bang được coi là “vựa lúa” của Ấn Độ, hàng nghìn người nông dân như ông Kajal buộc phải chuyển sang canh tác bằng máy móc do COVID-19. Họ vẫn thận trọng với công nghệ mới và việc thay đổi lao động chân tay kiểu truyền thống.
Hàng nghìn lao động nhập cư đã không thể đến các bang này trong mùa thu hoạch do lệnh phong tỏa vì dịch COVID-19. Ông Jaskaran Singh Mahal tại Đại học Nông nghiệp Punjab nhận định rằng điều này đã tăng giá nhân công địa phương do vậy người nông dân thấy kinh tế hơn khi dùng máy móc để canh tác.
Người phụ trách nông nghiệp tại bang Punjab, ông Kahan Singh Pannu lại cho rằng thay đổi lịch sử đang diễn ra có thể tăng sản lượng gạo của Ấn Độ, và tác động tới thị trường toàn cầu. Ông Kahan Singh Pannu coi đây là “cách mạng trong nông nghiệp Ấn Độ”.
Các quan chức chính phủ Ấn Độ cho rằng hình thức gieo sạ trực tiếp bằng máy có thể tăng sản lượng khoảng 1/3 và giảm chi phí nhân công và nước. Máy gieo sạ trực tiếp tạo điều kiện để người nông dân trồng thêm 30 cây mạ non trên mỗi mét vuông, trong khi trước đây mật độ trung bình chỉ là 15-18 cây.
Ông Avinash Kishore tại Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Quốc tế có trụ sở tại Mỹ nhận định rằng nếu mùa màng năm nay tốt, hình thức gieo sạ trực tiếp có thể tiếp tục phát triển và điều này sẽ thay đổi phương thức canh tác lúa tại Ấn Độ.
Ông Sudhanshu Singh tại Viện Nghiên cứu Gạo Quốc tế có trụ sở ở Philippines đánh giá rằng việc chuyển sang hình thức gieo sạ trực tiếp là một trong những kết quả tích cực hiếm có từ dịch COVID-19.
Tuy nhiên, điểm trừ là nếu hình thức canh tác bằng máy móc này lan rộng tại các khu vực chuyên trồng lúa của Ấn Độ thì sẽ phát sinh lượng lao động thất nghiệp lớn trong năm tới. Nhưng người nông dân cho biết họ sẽ chờ đợi đến tháng 10, vào mùa vụ thu hoạch, trước khi quyết định có gắn bó với công nghệ trong năm tới hay không.
Nông dân có tên Ashok Singh nói: “Công nghệ mới góp phần tiết kiệm nhiều nước và nhân lực nhưng bài kết quả thực sự nằm ở sản lượng. Người nông dân sẽ không hoàn toàn bị thuyết phục trừ khi thấy sản lượng tăng”.