Theo tờ Koreatimes, dù cuộc sống bình thường đang dần quay trở lại, giới trẻ Hàn Quốc vẫn muốn làm việc từ xa do có thể tránh các cuộc nhậu sau khi tan sở.
Theo một cuộc thăm dò của JobKorea, khoảng 87% trong số 1.242 người được hỏi mong muốn cuộc sống bình thường trở lại nếu Hàn Quốc đạt miễn dịch cộng đồng. Tuy nhiên, khi được hỏi họ muốn chứng kiến những thay đổi nào sau đại dịch, câu trả lời của họ khác nhau theo từng thế hệ. Nhiều người trẻ mong muốn thay đổi văn hóa công sở này.
Trong số những người tham gia khảo sát, khoảng 44,9% người từ 20 đến 30 tuổi muốn công ty và đồng nghiệp hạn chế tụ tập sau giờ làm khi đại dịch kết thúc.
Khi được hỏi kỹ hơn, 44,1% nhóm người trẻ cho biết họ muốn chính phủ tiếp tục hạn chế việc uống rượu bia sau giờ làm. Khoảng 30,1% người tham gia khảo sát muốn các doanh nghiệp duy trì chính sách làm việc từ xa.
Tại Hàn Quốc, các thành viên trong công ty, hội nhóm thường cùng nhau ăn tối sau giờ làm việc, đặc biệt là hay nhậu say. Họ thường chọn món ăn phổ biến nhất nước này là thịt lợn nướng và dùng cùng rượu gạo hoặc rượu soju. Giữa buổi nhậu, các thành viên đổi chỗ cho nhau và tán gẫu. Sau đó, họ chuyển địa điểm tới một quán karaoke để tiếp tục cuộc vui. Điều này trở nên phổ biến và được gọi là văn hóa "hoesik".
Tuy nhiên, trong hướng dẫn phòng dịch COVID-19, Chính phủ Hàn Quốc đã giới hạn giờ hoạt động của các quán bar, nhà hàng và nhiều cơ sở kinh doanh khác nhằm hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là ở khu vực thủ đô Seoul. Quy tắc này đã khiến mọi người ngừng hoặc giảm các cuộc tụ tập ăn uống trong nhiều doanh nghiệp, cũng như giảm nhiều bữa ăn tối sau giờ làm việc, khi các nhà hàng phải đóng cửa trước 10 giờ tối.
Shin Hae Rin, một nhân viên văn phòng 29 tuổi ở thủ đô Seoul, cho biết: “Các buổi tụ tập hoesik thường đi kèm với việc uống rượu say, khiến cuộc sống công sở thực sự không thoải mái với tôi. Nhờ đại dịch, tôi có thể dành buổi tối cho riêng mình. Tôi hy vọng thói quen này sẽ tiếp tục ngay cả khi dịch bệnh kết thúc”.
Trong khi đó, trong số những người được hỏi ở độ tuổi 40 đến 50, chỉ 31,7% muốn công ty hoặc đồng nghiệp của họ hạn chế tổ chức các buổi nhậu sau giờ làm việc. 22,4% người nhóm tuổi này muốn tiếp tục chính sách làm việc từ xa.
Không chỉ trong đại dịch COVID-19, văn hóa hoesik (nhậu cùng đồng nghiệp) ở Hàn Quốc đã trải qua thay đổi lớn khi nhiều người ngày càng muốn cân bằng công việc và cuộc sống, kèm theo đó là phong trào #MeToo của phái nữ nhằm chống lại quấy rối tình dục nơi làm việc.
Trong những năm gần đây, các địa điểm dành cho những cuộc nhậu của dân văn phòng đã giảm sút doanh thu đáng kể. Những người lao động trẻ trong độ tuổi 20-30 thường ít tham gia các cuộc vui sau giờ làm của công ty như tiền bối. Cụ thể, trong năm 2018, 1.500 quán karaoke đã phải đóng cửa vì kinh doanh ế ẩm.
Min Heung Ki, chủ một quán karaoke đã hoạt động được hơn 30 năm trong khu phố ẩm thực của Đại học Konkuk, cho biết: "Hai năm trước, mỗi tối chúng tôi có ít nhất 10 nhóm khách thì bây giờ chỉ còn lại 3 nhóm. Không chỉ có các quán karaoke đóng cửa, nhiều nhà hàng cũng gặp tình trạng tương tự vì không có khách".
Một cuộc khảo sát trên 695 nhân viên của trang web làm việc Saramin chỉ ra rằng có 61% người trong độ tuổi 20 và 30 cho rằng "hoesik" là điều không cần thiết ở công sở. Trong khi đó, chỉ có 32% người ở độ tuổi 40 và 50 có cùng quan điểm này.
Một luật mới đã được thông qua năm 2018, quy định rằng nhân viên không được làm việc quá 52 giờ một tuần. Động thái này của chính phủ nhằm cố gắng cân bằng cuộc sống cho nhân viên. Nhiều công ty thậm chí đã cấm triệt để văn hóa "hoesik".
Kim Byung Gwan, Giáo sư xã hội học tại Đại học Ajou, cho biết độ phổ biến của "hoesik" đã tăng lên trong những năm 1960 và 1970, khi nền kinh tế của Hàn Quốc rơi vào tình trạng ảm đạm, và các cuộc họp mặt được tổ chức để giúp người lao động tăng cường tinh thần và thúc đẩy ý thức cộng đồng.
"Khi đất nước còn nghèo, nhân viên thường tham dự các buổi nhậu chỉ để được ăn. Hiện nay, khi Hàn Quốc đã phát triển từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới thành nền kinh tế lớn thứ 11 toàn cầu. Hwaesik từ đó cũng mất đi giá trị", Giáo sư Kim nói.
Ngoài ra, vào năm ngoái, phụ nữ Hàn Quốc đồng loạt đứng lên đấu tranh chống lại nạn quấy rối tình dục nơi công sở và vạch mặt một số nhân vật cao cấp đã lạm dụng tình dục. Động thái này đẩy mạnh phong trào #MeToo, tạo thêm sức ép để tẩy chay văn hóa "hwaesik".