Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Ngày 7/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt, dẫn đầu toàn khối với trên 21.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 233 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua. Việt Nam đã ghi nhận thêm nhiều ca nhiễm biến thể Omicron.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 7/1 ghi nhận thêm trên 7.000 ca bệnh mới và 19 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 11 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 100.000, số ca mắc mới đang trên đà giảm những cũng vượt 1.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 10 người.
Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào vẫn ở mức cao
Bộ Y tế Lào ngày 7/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.020 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố và 10 ca tử vong do COVID-19. Trong đó có 2 ca là người nhập cảnh.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào vẫn ở mức cao 4 con số, nâng tổng số lên tới 116.890 ca với 421 người tử vong, đặc biệt nước này đã ghi nhận ca đầu tiên mắc biến thể Omicron. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 432 ca nhiễm cộng đồng/ngày.
Bộ Y tế Lào tiếp tục khuyến nghị người từng mắc COVID-19 hoặc người đã tiêm đủ các liều vaccine cơ bản ngừa COVID-19 nên tiêm mũi bổ sung để tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể, đặc biệt trong bối cảnh có sự xuất hiện của nhiều biến thể mới của virus SARS-CoV-2.
Thái Lan và Indonesia điều chỉnh quy định đối với người nhập cảnh
Ngày 7/1, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia đã công bố những quy định mới của nước này liên quan việc miễn cách ly đối với người nhập cảnh trong một số "trường hợp khẩn cấp".
Theo đó, Indonesia sẽ cho phép miễn cách ly đối với những người nhập cảnh trong tình trạng sức khỏe nguy kịch hoặc có người thân vừa qua đời. Các đối tượng khác được miễn cách ly bao gồm lãnh đạo các cơ quan đại diện nước ngoài, người mang hộ chiếu ngoại giao hoặc công vụ, du khách nhập cảnh theo thỏa thuận hành lang du lịch, và đại biểu tham dự các cuộc họp Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20).
Tuy nhiên, những đối tượng này phải gửi yêu cầu miễn cách ly ít nhất 3-7 ngày trước khi nhập cảnh Indonesia.
Tại Thái Lan, cùng ngày, Lực lượng đặc trách chống COVID-19 thuộc Chính phủ Thái Lan thông báo nước này sẽ kéo dài việc tạm ngừng chương trình miễn cách ly và áp đặt các lệnh hạn chế mới, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 đang tăng vọt trở lại.
Người phát ngôn của lực lượng trên Taweesin Visanuyothin nêu rõ các đơn mới đề nghị được miễn cách ly khi nhập cảnh theo chương trình “Test & Go” của Thái Lan sẽ không còn được chấp thuận, nhưng những đơn đã nộp trước đó vẫn được duyệt cho đến ngày 15/1. Ông Taweesin cho biết: “Chúng tôi sẽ có những điều chỉnh nếu tình hình được cải thiện, nhưng chúng tôi cần đánh giá thêm về biến thể Omicron”.
Theo những quy định hạn chế mới, từ ngày 9/1 tới, đồ uống có cồn sẽ bị cấm phục vụ ở các nhà hàng tại 69 tỉnh của Thái Lan. Trong khi đó, tại 8 tỉnh còn lại, bao gồm cả thủ đô Bangkok, đồ uống có cồn sẽ phải dừng phục vụ sau 21h hằng ngày. Ông Taweensin nhấn mạnh: “Tụ tập ăn uống đông người là nguyên nhân lây lan virus. Các biện pháp hạn chế này sẽ giúp ngăn chặn điều đó”.
Thái Lan đã ghi nhận 7.526 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 7/1 - con số cao nhất kể từ đầu tháng 11 /2021 và cao gấp đôi con số thống kê của ngày 1/1 vừa qua. Ông Taweesin cảnh báo: “Nếu để tình trạng này tiếp diễn, số ca nhiễm mới có thể lên đến 30.000 ca/ngày”.
Thái Lan tiếp tục đình chỉ chương trình “Test & Go”
Nhà chức trách Thái Lan đã quyết định kéo dài vô thời hạn việc đình chỉ chương trình cách ly một đêm “Test & Go” (Xét nghiệm và Lên đường) dành cho du khách đến bằng đường hàng không, nhưng đưa thêm 3 tỉnh vào chương trình thử nghiệm “Hộp cát” hiện mới chỉ áp dụng cho hòn đảo nghỉ dưỡng Phuket.
Các quyết định trên được đưa ra tại một cuộc họp của Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) do Thủ tướng Prayut Chan-o-cha chủ trì. Đây là sự điều chỉnh mang tính cân đối giữa nhu cầu duy trì doanh thu của ngành du lịch và những lo ngại về một đợt bùng phát mới của dịch COVID-19.
Những điểm đến bổ sung của chương trình “Hộp cát” gồm 3 hòn đảo ở tỉnh Surat Thani là Koh Samui, Koh Tao và Koh Phangan cùng toàn bộ tỉnh Krabi và Phangnga. Thời điểm bắt đầu áp dụng chính sách mới này chưa được công bố.