Trong ngày 6/1, Philippines có số ca mắc mới cao nhất ASEAN với 17.220 ca. Trong hai ngày gần đây, số ca mắc mới ở Philippines tăng vọt sau một thời gian giảm mạnh. Tổng số ca mắc ở Philippines từ đầu đại dịch COVID-19 là 2.888.917.
Tiếp đó là Việt Nam với 16.472 ca mắc mới trong ngày 6/1. Thái Lan đứng thứ ba ASEAN với 5.775 ca mắc mới. Tới nay, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 2.245.250 ca mắc.
Malaysia có 3.543 ca mắc mới trong ngày 6/1. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.776.699 ca mắc COVID-19.
Tiếp đó Lào (1.083 ca); Singapore ( 805 ca); Indonesia (533 ca); Myanmar (133 ca); và Campuchia với 18 ca mắc mới.
Về số ca tử vong, 8 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (170 ca), Philippines (81 ca), Malaysia (18 ca), Thái Lan (11 ca), Indonesia (7 ca), Lào (2ca), và Singapore (2 ca).
Philippines ghi nhận thêm hàng chục ca nhiễm biến thể Omicron
Philippines thông báo tỷ lệ nhiễm virus SARS-CoV-2 tăng lên mức cao nhất là 36,9% và nước này đã ghi nhận 17.220 ca mắc mới. Tổng số ca mắc COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã lên tới 2.888.917 ca.
Bộ Y tế Philippines cũng cho biết hiện có 43 trường hợp nhiễm biến thể Omicron đã được xác nhận, tăng 29 trường hợp. Số ca tử vong vì COVID-19 cũng tăng lên 51.743 ca sau khi có thêm 81 người không qua khỏi.
Các biến thể Omicron và Delta có khả năng lây truyền cao đang khiến dịch COVID-19 lây lan mạnh tại Philippines. Tỷ lệ nhập viện cũng tăng trên cả nước và ở Vùng đô thị Manila. Để ngăn dịch bệnh lây lan, chính phủ đã cấm tụ tập đông người và kêu gọi người dân khẩn trương đi tiêm chủng.
Thái Lan nâng cấp độ cảnh báo dịch
Bộ Y tế Thái Lan ngày 6/1 đã nâng cấp độ cảnh báo COVID-19 quốc gia từ mức 3 lên mức 4 sau sự gia tăng nhanh chóng các ca nhiễm biến thể Omicron.
Thư ký thường trực Bộ Y tế Kiattiphum Wongrajit đã công bố quyết định này vào sáng 6/1, nói rằng việc nâng cảnh báo lên cấp độ 4 bao gồm khuyến khích người dân làm việc tại nhà, tạm dừng việc đi lại, đóng cửa các khu vực có nguy cơ và hạn chế số lượng người tại các buổi tụ tập.
Quyết định mới được đưa ra sau khi số lượng các ca nhiễm COVID-19 tăng thêm 5.775 ca trong 24 giờ qua so với mức 3.899 ca của ngày 5/1. Tiến sĩ Kiattiphum cho biết những bệnh nhân có các triệu chứng nhẹ nên được cách ly tại nhà, để các bệnh viện có thể phục vụ cho những bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng hơn.
Theo Cục trưởng Cục Kiểm soát Dịch bệnh (DDC) Opas Karnkawinpong, số lượng các ca nhiễm mới có thể nhanh chóng vượt qua mốc 10.000 ca/ngày, dựa trên sự gia tăng các ca nhiễm được ghi nhận vào sáng 6/1.
Ông Opas khuyến nghị người dân nên hoãn các chuyến đi không thiết yếu đến các tỉnh và quốc gia khác, đồng thời nên tránh sử dụng phương tiện công cộng cho các chuyến đi liên tỉnh. Ông kêu gọi người dân tiêm vaccine càng sớm càng tốt và xét nghiệm nhanh kháng nguyên thường xuyên để phát hiện bệnh và được điều trị sớm.
Chính phủ Thái Lan cũng thông báo tất cả nhân viên chính phủ sẽ bắt đầu làm việc tại nhà từ ngày 4/1và kêu gọi doanh nghiệp tư cũng làm như vậy để giảm thiểu sự lây lan của biến thể Omicron.
Malaysia cho phép tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi
Ngày 6/1, quan chức cấp cao Bộ Y tế Malaysia Noor Hisham Abdullah cho biết Cơ quan Kiểm soát dược phẩm (PBKD) của nước này đã phê duyệt tiêm vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer sản xuất cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Trao đổi với báo giới, ông Noor Hisham cho biết quyết định nêu trên được đưa ra cùng ngày tại cuộc họp lần thứ 368 của PBKD. Cuộc họp còn quyết định trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ được tiêm vaccine của Pfizer với liều lượng là 10mcg, thấp hơn liều lượng dùng cho người từ 12 tuổi trở lên.
Liên quan tới tình hình dịch COVID-19, ngày 6/1, Malaysia ghi nhận 3.543 ca mắc mới COVID-19, nhiều hơn 273 ca so với hôm 5/1 và là ngày tăng thứ 3 liên tiếp. Tới nay, Malaysia ghi nhận 2.776.699 ca mắc COVID-19.
Trước làn sóng biến thể Omicron đang gia tăng và sự hối thúc của các tổ chức xã hội Malaysia về khả năng cấm công dân ra nước ngoài, Bộ trưởng Y tế Khairy Jamaluddin khẳng định sẽ tiếp tục ứng phó theo cách thức phù hợp, có hiệu chỉnh và không sử dụng biện pháp cực đoan như đóng cửa biên giới.
Hiệp hội Y khoa Malaysia ngày 6/1 cũng lên tiếng phản đối việc đóng cửa biên giới quốc tế để ngăn chặn COVID-19 sau khi phát hiện đa số ca nhiễm biến thể Omicron là từ những người Malaysia hành hương trở về.
Trước đó, Chính phủ Malaysia quyết định sẽ đình chỉ các chuyến đi hành hương từ ngày 8/1 sau khi phát hiện một số lượng lớn các ca nhiễm biến thể Omicron trong số những người trở về. Điều này khiến cộng đồng mạng lên tiếng yêu cầu chính phủ cấm người dân Malaysia ra nước ngoài để giảm nguy cơ mang biến thể Omicron về nước. Tính đến ngày 4/1, Malaysia đã phát hiện 122 ca nhiễm biến thể Omicron, trong đó có 54 ca là du khách nước ngoài.
85% dân số Indonesia có kháng thể chống lại COVID-19
Theo kết quả khảo sát do Đại học Indonesia thực hiện, hơn 85% dân số nước này có kháng thể chống lại virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các nhà dịch tễ học cảnh báo hiện vẫn chưa rõ liệu điều này có thể giúp ngăn chặn làn sóng lây nhiễm mới hay không.
Cuộc khảo sát do các nhà nghiên cứu của Đại học Indonesia thực hiện đối với 22.000 người trong giai đoạn từ tháng 10-12/2021. Kết quả cho thấy người dân Indonesia có kháng thể chống virus SARS-CoV-2 từ cả tiêm chủng và mắc COVID-19. Nhà dịch tễ học Pandu Riono cho biết khả năng miễn dịch cộng đồng có thể là lý do khiến số ca mắc COVID-19 ở Indonesia không tăng mạnh kể từ giữa năm 2021. Ông Pandu nhận định những kháng thể này có thể có hiệu quả trước các biến thể mới, trong đó có Omicron, mặc dù điều này sẽ cần nhiều tháng để kiểm chứng. Tuy nhiên, cuộc khảo sát không phủ nhận tính cần thiết của việc tiêm vaccine, kể cả đối với những người đã từng mắc COVID-19. Ngoài ra, kết quả khảo sát vẫn đang được xem xét nhằm đánh giá hiệu quả của từng loại vaccine đối với nồng độ kháng thể trên cơ thể người.
Trong khi đó, nhà dịch tễ học Dicky Budiman tại Đại học Griffith của Australia, cho rằng những phát hiện trên cần được cân nhắc một cách thận trọng vì tỷ lệ tiêm chủng của Indonesia thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, và chưa rõ các kháng thể này sẽ tồn tại bao lâu.
Về tình hình tiêm chủng, Indonesia đã thành công trong việc đạt được mục tiêu tiêm phòng COVID-19 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), với khoảng 40% dân số đã được tiêm chủng vào cuối năm 2021.
Trong khi đó, Chính phủ Indonesia đã tạm thời cấm nhập cảnh đối với công dân nước ngoài từ 14 quốc gia nhằm ngăn chặn biến thểOmicron.
Campuchia xem xét tiêm mũi thứ 4 cho vận động viên và lực lượng tuyến đầu
Các vận động viên thể thao Campuchia dự kiến sẽ được tiêm mũi tăng cường thứ 4 bằng vaccine của hãng Pfizer để chống lại các biến thể của virus SARS-CoV-2.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 6/1 yêu cầu Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về tổ chức SEA Games 32 (CAMSOC) năm 2023, Samdech Tea Banh, xem xét khả năng tiêm phòng mũi thứ 4 cho các vận động viên thể thao nước này bằng vaccine của hãng Pfizer. Từ tháng 8/2021, lực lượng quân y thuộc Bộ Quốc phòng Campuchia đã tiêm mũi thứ 3 cho toàn bộ vận động viên thể thao trong nước.
Bên cạnh đó, lực lượng tuyến đầu tại 7 tỉnh Campuchia giáp biên giới Thái Lan cũng rất cần được tiêm phòng mũi thứ 4 bằng vaccine Pfizer.
Trong những ngày cuối năm 2021, Campuchia đã tiếp nhận 2,3 triệu liều vaccine của hãng Pfizer do Australia hỗ trợ để tăng cường tiêm phòng mũi bổ sung trong nước trong bối cảnh biến thể Omicron đã xuất hiện tại Campuchia qua các ca nhập cảnh.
Bộ Y tế Campuchia ngày 6/1 thông báo có thêm 18 ca mắc COVID-19, đều là các ca nhập cảnh nhiễm biến thể Omicron, nâng tổng số ca nhiễm Omicron được phát hiện tại Campuchia lên 112 ca.
Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào tăng mạnh
Bộ Y tế Lào ngày 6/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.083 ca mắc mới COVID-19 đều là lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 2 ca tử vong do COVID-19.
Sau 4 ngày giảm xuống mức 3 chữ số, số mắc mới trong ngày 6/1 tại nước này lại tăng lên 4 chữ số, tăng 247 trường hợp so với ngày 5/1. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 347 ca cộng đồng trong một ngày.
Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào đã lên tới 115.870 ca, trong đó có 411 người tử vong.
Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục mở rộng hình thức khách sạn là nơi điều trị và điều trị lưu động cho người nhiễm COVID-19 không biểu hiện triệu chứng và có điều kiện kinh tế. Trong khi đó, người nhiễm bệnh có hoặc có ít triệu chứng có điều kiện địa điểm (gia đình hoặc đơn vị) có thể điều trị tại chỗ và thực hiện theo sổ tay hướng dẫn do Bộ Y tế ban hành.