Động thái này được cho là nhằm thúc đẩy những người chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Pháp đi tiêm chủng.
Theo dự luật trên, người dân cần phải có thẻ vaccine để có thể sử dụng các dịch vụ cơ bản như tàu liên tỉnh, thành phố, tham gia các sự kiện văn hóa hoặc ăn uống. Chứng nhận xét nghiệm âm tính hoặc chứng nhận đã khỏi bệnh sẽ không còn hiệu lực nữa. Quy định này sẽ được áp dụng với những người từ 16 tuổi trở lên, thay vì trên 12 tuổi như chính phủ đề xuất ban đầu.
Dự luật trên còn cần phải được Thượng viện Pháp thông qua vào đầu tuần tới. Nếu suôn sẻ, dự luật này có thể được thực thi vào ngày 15/1 tới.
Các nước châu Âu hiện đang chật vật giải quyết vấn đề liệu có bắt buộc người dân tiêm vaccine hay không. Italy ngày 5/1 đã ra quyết định người trên 50 tuổi, giáo viên và nhân viên y tế công bắt buộc phải tiêm vaccine, trở thành một trong số ít các quốc gia châu Âu áp đặt quy định này, nhằm giảm bớt áp lực cho hệ thống y tế và giảm thiểu nguy cơ tử vong.
Tuy nhiên, phát biểu trên đài phát thanh RMC và kênh truyền hình BFM ngày 6/1, Thủ tướng Pháp Jean Castex cho rằng việc bắt buộc tiêm chủng vaccine để kiềm chế sự lây lan của dịch bệnh sẽ không thực sự hữu ích vì hành động này sẽ gây ra nhiều vấn đề hơn là giải pháp. Theo ông Castex, các nước áp đặt tiêm chủng bắt buộc như Italy hay Áo có tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn Pháp. Mặc dù vậy, Thủ tướng Castex nhấn mạnh Pháp cũng sẵn sàng triển khai chiến dịch tiêm liều thứ 4 ngay khi giới chức y tế nước này “bật đèn xanh”.
Pháp ngày 5/1 ghi nhận 332.252 ca nhiễm mới trong 24 giờ, mức tăng theo ngày cao nhất từ trước đến nay, và 246 ca tử vong vì COVID-19. Theo dữ liệu của Chính phủ Pháp, hơn 90% dân số từ 12 tuổi trở lên đã tiêm ít nhất 2 mũi vaccine.