COVID-19 tại ASEAN hết 4/12: Toàn khối thêm 534 ca tử vong; Indonesia cấm hoạt động đón Giáng sinh và Năm mới

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 4/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 28.392 ca mắc COVID-19 và 534 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.178.205 ca, trong đó 293.733 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 18/11/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong ngày 4/12, Thái Lan tiếp tục có số ca mắc mới cao so với đa số quốc gia ASEAN, chỉ sau Việt Nam. Thái Lan ghi nhận 5.896 ca mắc mới, nâng tổng số ca từ đầu dịch lên 2.136.537 ca. 

Tại Malaysia, nước này có thêm 5.551 ca mắc mới, đứng thứ ba ASEAN trong ngày 4/12. Tới nay, Malaysia đã ghi nhận tổng cộng 2.694.578 ca mắc COVID-19. 

Lào ghi nhận 969 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc từ đầu đại dịch lên 78.469 ca mắc. 

Tiếp đó là Singapore với 766 ca mắc mới; Philippines với 517 ca mắc mới; Myanmar (402 ca); Indonesia với 246 ca mắc mới; Campuchia với 25 ca mắc mới và Brunei với 22 ca mắc mới.

Về số ca tử vong, đa số quốc gia ASEAN đều ghi nhận ca tử vong mới: Philippines (243 ca), Việt Nam (203 ca), Thái Lan (37 ca), Malaysia (17 ca), Lào (10 ca), Singapore (9 ca), Myanmar (7 ca), Indonesia (5 ca) và Campuchia (3 ca). 

Indonesia cấm các hoạt động đón Giáng sinh và Năm mới

Nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan, Cảnh sát Quốc gia Indonesia sẽ cấm các hoạt động tập trung đông người trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Người phát ngôn Cảnh sát Quốc gia, Tổng Thanh tra Dedi Prasetyo, cho biết tất cả các hoạt động tập trung đông người chào đón dịp lễ cuối năm đều bị cấm nhằm ngăn chặn nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới, nhất là trong bối cảnh biến thể Omicron đang gây quan ngại trên thế giới. Ông khẳng định các cơ quan chức năng sẽ mạnh tay với mọi đối tượng cố tình vi phạm chỉ thị của Bộ trưởng Nội vụ về phòng chống COVID-19 trong dịp lễ cuối năm. 

Tổng Thanh tra Dedi cũng nhắc lại rằng trong dịp lễ sắp tới, tất cả các tỉnh thành trên cả nước sẽ thực hiện lệnh hạn chế các hoạt động cộng đồng (PPKM) cấp độ 3. Cảnh sát quốc gia sẽ giám sát thực thi PPKM tại các địa phương có đông người dân trở về quê nghỉ lễ, đồng thời triển khai lực lượng trực chốt tại các tuyến đường cao tốc, bến cảng và sân bay nhằm giám sát hoạt động đi lại của người dân.

Trước đó, ngày 17/11, Chính phủ Indonesia đã quyết định áp đặt PPKM cấp độ 3 trên khắp cả nước trong dịp lễ Giáng sinh và Năm mới 2022 nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra làn sóng lây nhiễm COVID-19 thứ ba.

Theo Bộ trưởng Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia Muhadjir Effendy, tất cả các tỉnh thành trên toàn quốc – kể cả các địa phương đang ở trạng thái PPKM cấp độ 1 và cấp độ 2 - cũng sẽ áp đặt PPKM cấp độ 3 nhằm thống nhất công tác phòng chống dịch trên quy mô quốc gia. Các hoạt động tập trung đông người như bắn pháo hoa, diễu hành, rước kiệu… sẽ bị cấm hoàn toàn. Trong khi đó, các quy định PPKM cấp độ 3 sẽ được áp đặt đối với các hoạt động tôn giáo trong dịp lễ Giáng sinh, tham quan du lịch và các trung tâm mua sắm.

Theo kế hoạch, PPKM cấp độ 3 sẽ có hiệu lực từ ngày 24/12/2021 đến ngày 2/1/2021. Các bộ, ngành,  lực lượng quân đội, cảnh sát, Lực lượng Đặc nhiệm quốc gia chống COVID-19, chính quyền các địa phương và các cơ quan liên quan được yêu cầu chuẩn bị văn bản hướng dẫn thi hành, cũng như hỗ trợ kiểm soát dịch. Bộ trưởng Muhadjir khẳng định rằng biện pháp này là cần thiết nhằm phòng ngừa và ngăn chặn dịch bệnh  COVID-19 lây lan, đồng thời đảm bảo các hoạt động kinh tế không bị ảnh hưởng. Các giao thức y tế cũng sẽ được siết chặt và giám sát tại một số điểm, trong đó tập trung vào các nhà thờ, khu mua sắm, và địa điểm du lịch.

 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine COVID-19 cho người dân tại Manokwari, Tây Papua, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong khi đó, Bộ trưởng Điều phối các vấn đề hàng hải và đầu tư Indonesia Luhut Binsar Pandjaitan cho biết nước này sẽ khởi động chương trình tiêm mũi vaccine tăng cường phòng COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 1/2022.

Phát biểu tại một sự kiện, Bộ trưởng Luhut khẳng định chính phủ sẽ không chỉ định các tỉnh được ưu tiên tiêm tăng cường vaccine mà sẽ triển khai đồng loạt trên cả nước. Ông cho biết thêm rằng các loại vaccine tiêm tăng cường ngừa COVID-19 sẽ được cung cấp miễn phí cho những người dân “đủ điều kiện”, trong khi những người còn lại sẽ phải nộp tiền để được tiêm chủng. Cụ thể, Chính phủ Indonesia sẽ đài thọ tiêm mũi vaccine tăng cường cho khoảng 100 triệu dân có thu nhập thấp và những người không nằm trong danh sách nhận trợ cấp.

Theo Bộ trưởng Luhut, hiện Indonesia vẫn chưa công bố giá tiêm mũi vaccine tăng cường, trong khi đó Bộ trưởng Y tế Budi Gunadi Sadikin tiết lộ rằng mức giá này sẽ không vượt quá 300.000 Rupiah (khoảng 21 USD) mỗi liều và sẽ ưu tiên cho những người cao tuổi.

Indonesia đã khởi động chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa COVID-19 từ ngày 13/1/2021. Tính đến ngày 4/12, nước này đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho hơn 240 triệu người, trong đó 142 triệu người đã được tiêm mũi đầu tiên và 98,6 triệu người đã được tiêm đầy đủ hai mũi.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Lào giảm xuống mức 3 con số

Chú thích ảnh
Các nhân viên y tế tại một điểm tiêm ở thủ đô Vientiane. Ảnh: Phạm Kiên - Phóng viên TTXVN tại Lào

Tình dịch bệnh COVID-19 tại Lào bước đầu có dấu hiệu cải thiện khi số ca mắc mới theo ngày đã giảm xuống mức 3 con số.

Thông báo ngày 4/12 của Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 969 ca mắc mới COVID-19 tại 17 tỉnh/thành phố, trong đó chỉ có 1 ca là người nhập cảnh, và 10 ca tử vong. Như vậy, sau 4 ngày liên tục ghi nhận ở mức 4 con số, số ca mắc mới COVID-19 tại nước này đã giảm xuống mức 3 con số. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước khi ghi nhận số ca mắc mới trong cộng đồng ở mức cao (450 trường hợp) trong một ngày tại 168 bản thuộc 9 quận.

Bộ Y tế Lào cũng cho biết, gần đây nhiều trường hợp đến các điểm lấy mẫu xét nghiệm tại thủ đô Viêng Chăn đã cố ý che giấu thông tin về nghề nghiệp, gây khó khăn cho việc phân loại, khoanh vùng và truy vết người tiếp xúc gần. Đây cũng là nguyên nhân khiến số ca nhiễm tại thành phố tăng cao.

Đáng chú ý, số ca tử vong do COVID-19 tại Lào tiếp tục tăng. Tính riêng từ đầu tháng đến nay đã có 31 trường hợp tử vong do COVID-19. Như vậy, đến nay, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Lào là 78.469 ca, trong đó có 201 người tử vong. 

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào giao chính quyền thủ đô Viêng Chăn và các tỉnh trên cả nước phối hợp với các thành phần liên quan tiếp tục cải thiện trung tâm cách ly và cơ sở điều trị, đồng thời khuyến khích người dân, đặc biệt là người có nguy cơ cao, đến các điểm tiêm chủng trên cả nước để tiêm vaccine ngừa COVID-19.

Singapore siết chặt quy định xét nghiệm đối với người nhập cảnh

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Singapore đã quyết định thắt chặt hơn nữa cơ chế xét nghiệm đối với với những người nhập cảnh qua Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), đồng thời đóng cửa đường biên với thêm 3 quốc gia, nhằm ngăn chặn nguy cơ biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 xâm nhập nước này.

Thông báo của Bộ Y tế nước này cho biết kể từ ngày 7/12, tất cả du khách nhập cảnh Singapore qua làn VTL sẽ phải thực hiện thêm các xét nghiệm nhanh kháng nguyên (ART) hằng ngày. Họ sẽ phải tự làm xét nghiệm và cập nhật kết quả xét nghiệm theo đường link đã được cung cấp. Bộ Y tế cho biết các quy định xét nghiệm tăng cường này sẽ được duy trì trong ít nhất trong 4 tuần, đến hết ngày 2/1/2022.

Như vậy, ngoài việc tới các trung tâm chỉ định để xét nghiệm vào ngày thứ 3 và thứ 7 sau khi nhập cảnh, du khách sẽ phải tự làm xét nghiệm và chỉ được ra khỏi nơi cư trú nếu có kết quả âm tính. Trước đây, các du khách nhập cảnh qua làn VTL chỉ phải xét nghiệm PRC tại sân bay khi nhập cảnh và sau

Ngoài ra, Singapore cũng đóng cửa đường biên với Ghana, Malawi và Nigeria. Du khách có lịch sử tới 3 quốc gia này sẽ không được nhập cảnh hay quá cảnh tại Singapore bắt đầu từ ngày 5/12. Trước đó, Singapore đã đóng đường biên với 7 quốc gia châu Phi gồm Botswana, Eswatini, Lesotho, Mozambique, Namibia, Nam Phi và Zimbabwe từ ngày 28/11.

Đến nay, Singapore đã ghi nhận 2 ca nhiễm biến thể Omicron là người nhập cảnh.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Italy phát hiện người đeo cánh tay giả để né tiêm vaccine COVID-19
Italy phát hiện người đeo cánh tay giả để né tiêm vaccine COVID-19

Một người đàn ông 50 tuổi, theo chủ nghĩa bài vaccine ở Italy đã đeo cánh tay giả khi đi tiêm vaccine COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN