Theo tờ Dailymail, người này hy vọng y tá ở bệnh viện tại Biella, miền bắc Italy sẽ không phát hiện ra mà tiêm vào cánh tay silicon.
Tuy nhiên, khi cắm kim tiêm vào cánh tay silicon, y tá nghi ngờ vì thấy cảm giác không giống tiêm vào một cánh tay bình thường. Họ phát hiện ra đó là tay giả, là dụng cụ sân khấu và có màu da rất thật.
Họ đã báo cảnh sát và người đàn ông này đối mặt cáo buộc gian lận. Theo truyền thông địa phương, sau khi y tá phát hiện ra trò lừa gạt, người đàn ông vẫn cố thuyết phục y tá tiêm vaccine COVID-19 vào cánh tay silicon.
Filippa Bua, y tá chịu trách nhiệm tiêm cho người đàn ông trên, cho rằng người đàn ông này đã có cách né tiêm vaccine rất liều lĩnh. Theo Bua, trong nhiều tuần qua, các y tá như cô đã phải đối diện với nhiều người giận dữ vì không muốn tiêm vaccine nhưng buộc phải tiêm. Cô nói: “Tôi và đồng nghiệp cố giảm căng thẳng bằng các tránh các hành vi khiêu khích. Nhưng tôi thực sự mệt mỏi và thấy tiếc khi thấy những người này không hiểu vaccine cần thiết thế nào để bảo vệ sức khỏe và người thân họ”.
Trước đó, người đàn ông trên đã lên Twitter hỏi mọi người là có sao không nếu mặc một bộ đồ nửa thân trên bằng silicon, có cổ và cánh tay giả để tới chỗ tiêm vaccine. Sau đó, dòng tweet trên đã bị xóa.
Một người khác trong cùng khu vực đã đăng ảnh bộ đồ silicon của Amazon lên mạng và hỏi: “Nếu tôi đi tiêm với cái này, họ có biết không nhỉ? Có thể dưới lớp silicon, tôi sẽ mặc thêm quần áo để tránh mũi tiêm chọc vào tay thật”.
Các chiêu trò trên là để lừa nhân viên y tế để có thẻ xanh - chứng nhận đã tiêm vaccine COVID-19.
Từ tháng 8, Italy yêu cầu trình thẻ xanh nếu muốn ăn uống trong nhà hàng, thăm bảo tàng, tới rạp chiếu phim, tham gia sự kiện thể thao.
Sự cố cánh tay giả nói trên xảy ra trước khi Italy thắt chặt quy định với người chưa tiêm vaccine COVID-19 từ 29/11.
Nghị định mới của chính phủ Italy quy định tất cả những người chưa tiêm vaccine COVID-19 sẽ không được vào rạp chiếu phim, vũ trường, nhà hàng, rạp hát và các sự kiện thể thao từ ngày 15/12, trong khi những người sử dụng phương tiện giao thông công cộng sẽ phải tiêm vaccine hoặc có kết quả xét nghiệm âm tính kể từ ngày 6/12. Các biện pháp này sẽ có hiệu lực cho đến ngày 15/1/2022.
Quy định mới cũng mở rộng các đối tượng bắt buộc phải tiêm vaccine gồm tất cả nhân viên trường học, lực lượng cảnh sát và quân đội, trong khi các nhân viên y tế, những người đã bắt buộc phải tiêm chủng, giờ đây sẽ buộc phải tiêm liều tăng cường nếu họ muốn tiếp tục giữ công việc của mình.
Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Italy Mario Draghi nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi muốn hết sức thận trọng. Chúng tôi muốn giữ sự bình thường này".
Tính đến ngày 24/11, hơn 84% dân số Italy trên 12 tuổi đã được tiêm vaccine đủ liều. Chính phủ Italy dự kiến bắt đầu tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ em từ 5-11 tuổi từ tháng 12, nếu Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) cấp phép cho các loại vaccine dành cho trẻ 5-11 tuổi trong tuần này.