COVID-19 tại ASEAN hết 4/1: Cả khối trên 15 triệu ca bệnh; Philippines phong tỏa Hạ viện vì Omicron

Trong ngày 4/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận trên 34.000 ca mắc COVID-19, nâng tổng ca bệnh từ đầu dịch vượt ngưỡng 15 triệu. Philippines phong toả Hạ viện vì mối lo ngại Omicron.

Chú thích ảnh
Tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ nhỏ tại bệnh viện ở Jakarta, Indonesia ngày 29/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 4/1/2022, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 34.333 ca mắc mới COVID-19 và 301 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 15.003.158 trường 21638 và 306.008 ca tử vong. Toàn khối có 14.129.030 bệnh nhân đã bình phục.

Việt Nam dẫn đầu về ca mắc và tử vong mới trong ASEAN với lần lượt 21.696 ca và 224 ca trong ngày 4/1. Như vậy, tổng số ca mắc đã lên tới 1.793.953 trường hợp, bao gồm 33.245 ca tử vong. 

Tại Philippines, ca nhiễm mới đang có chiều hướng đi lên sau khi đã giảm xuống dưới ngưỡng 500 ca/ngày. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 5.434 ca nhiễm, 18 ca tử vong. Đến nay, Philippines đã ghi nhận hơn 2,86 triệu ca mắc COVID-19, trong đó có hơn 51.600 ca tử vong.

Chú thích ảnh
 Học sinh đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại trường tiểu học ở Quezon, Philippines, ngày 6/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Ngày 4/1, Hạ viện Philippines đã tiến hành phong tỏa trụ sở để hạn chế sự lây lan biến thể Omicron. Theo thông báo của Tổng Thư ký Hạ viện Philippines, ông Mark Llandro Mendoza, cơ quan này đang trong quá trình phong tỏa để ngăn chặn biến thể Omicron lây lan nhằm đảm bảo an toàn cho các thành viên của Hạ viện cũng như ban thư ký Hạ viện và toàn thể nhân viên. Cho đến nay, Hạ viện Philippines chưa ghi nhận ca nhiễm biến thể Omicron. Dự kiến, lưỡng viện quốc hội Philippines sẽ hoạt động trở lại vào ngày 17/1.

Số ca mắc mới COVID-19 tại Philippines mới đây đã tăng lên mức cao nhất trong 2 tháng. Sau khi phát hiện các ca nhiễm biến thể Omicron trong cộng đồng, Bộ Y tế Philippines cảnh báo số ca mắc mới sẽ tiếp tục tăng mạnh trong những ngày tới. Theo các quy định mới có hiệu lực đến giữa tháng 1, những người chưa tiêm phòng phải ở trong nhà và chỉ ra ngoài khi cần mua đồ thiết yếu hoặc tập thể dục. Các nhà hàng, công viên, nhà thờ và cơ sở thẩm mỹ sẽ phải giảm công suất hoạt động, trong khi các lớp học trực tiếp và hoạt động thể thao có tiếp xúc sẽ tạm dừng. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 21/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 3.091 ca và 12 ca tử vong trong 24 giờ qua. Kể từ ngày 16/12, Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã quyết định kéo dài thời gian cách ly đối với những người đến nước này theo các chương trình hộp cát và cách ly từ 5 ngày lên 7 ngày. Quyết định này nhằm đối phó với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron và sự gia tăng các ca nhiễm ở một số nước.

Ngày 30/12, Bộ Y tế Thái Lan cho biết nhằm ngăn chặn sự bùng phát của biến thể Omicron, các quan chức chính phủ sẽ làm việc tại nhà sau kỳ nghỉ Năm mới 2022, trong khi học sinh có thể quay lại học trực tuyến. Khu vực tư nhân cũng đang được khuyến khích cho phép nhân viên làm việc tại nhà.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Bangkok, Thái Lan. Ảnh: AFP/ TTXVN

Malaysia đứng thứ tư trong khu vực về ca nhiễm mới, với 2.690 ca, có xu hướng đi lên so với những tuần trước. Với sự xuất hiện biến thể Omicron, Chính phủ Malaysia đã quyết định tạm dừng các biện pháp chuyển sang giai đoạn xác định COVID-19 là bệnh đặc hữu. Bộ Y tế Malaysia ngày 28/12 đã quyết định rút ngắn thời gian giãn cách tiêm mũi vaccine tăng cường ngừa COVID-19 đối với những người đã hoàn thành tiêm vaccine của các hãng Pfizer-BioNTech và AstraZeneca từ 6 tháng xuống còn 3 tháng. Cùng ngày, Bộ Y tế Malaysia thông báo nước này phát hiện thêm 306 ca nghi nhiễm biến thể Omicron.

Chú thích ảnh
Hành khách chờ làm thủ tục tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 29/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Số ca nhiễm mới tại Singapore vẫn lên xuống quanh ngưỡng 500, với chỉ 464 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới trong ngày 4/1. Song song với công tác chuẩn bị sẵn sàng đối phó nguy cơ bùng phát COVID-19 do biến thể Omicron, Singapore cũng nới lỏng một số biện pháp giãn cách, theo đó từ ngày 1/1/2022, làm việc tại nhà sẽ không còn là bắt buộc, các công ty, cơ quan được phép cho 50% số nhân viên trở lại làm việc trực tiếp. 

Chú thích ảnh
Hành khách lên xe buýt tại Singapore trong chương trình Làn đi lại cho người đã tiêm vaccine (VTL), ngày 29/11/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Bộ trưởng Y tế Singapore Ong Ye Kung ngày 3/1 cho biết, mặc dù tình hình dịch bệnh tại Singapore cho đến nay vẫn "ổn định”, song số ca nhiễm biến thể Omicron ngày càng tăng báo hiệu một làn sóng lây nhiễm mới biến thể này "trong những ngày hoặc những tuần tới". Bộ trưởng Ong Ye Kung nêu rõ biến thể Omicron hiện chiếm 17% số ca lây nhiễm trong nước. 

Hiện 87% dân số Singapore đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản và 88% đã tiêm ít nhất 1 mũi. Tính tới cuối năm 2021, khoảng 41% dân số đã tiêm mũi vaccine tăng cường. Hơn 20.000 trẻ em từ 9 đến 11 tuổi đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa COVID-19.

Trong khi đó, Campuchia chỉ ghi nhận 10 ca nhiễm mới và 1 ca tử vong mới trong ngày. Bất chấp sự xuất hiện của biến thể Omicron, ngành du lịch Campuchia đang trên đà khởi sắc. Trong dịp nghỉ lễ đón Năm mới 2022 cuối tuần qua có tổng cộng 1.145.141 người đi du lịch tại Campuchia, trong đó có 5.754 du khách nước ngoài, tăng 63,65% so với cùng thời điểm trước đó một năm với Siem Reap và Phnom Penh là các địa điểm thu hút nhiều du khách nhất.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại nhà ga tàu hỏa ở Viêng Chăn, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Indonesia, Bộ trưởng Y tế  Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này đã chuẩn bị 120.000 giường bệnh cũng như các trang thiết bị và vật tư y tế để ứng phó với các đợt lây nhiễm COVID-19 mới do biến thể Omicron gây ra. Số giường này chiếm 30% trong tổng số 400.000 giường bệnh trên cả nước.

Chính phủ Indonesia cũng lắp đặt bổ sung các thiết bị sản xuất oxy phòng trường hợp số ca lây nhiễm tăng đột biến như hồi tháng 7 năm ngoái khi nhu cầu oxy y tế tăng hơn gấp ba lần từ mức trung bình 700 tấn lên 2.200 tấn mỗi ngày. Chính phủ Indonesia đã mua 16.000 máy tạo oxy mới và sẽ cung cấp cho tất cả các bệnh viện trong cả nước, đặc biệt là những nơi còn khan hiếm. Số máy này có thể sản xuất 800 tấn oxy mỗi ngày.

Ngoài việc chuẩn bị các trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Budi khẳng định nhu cầu về thuốc Molnupiravir trong điều trị COVID-19 sẽ được đáp ứng nhờ các hợp đồng mua sắm bổ sung của chính phủ. Theo ông Budi, Molnupiravir có thể làm giảm tỷ lệ nhập viện ở các bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 có mức độ bão hòa oxy trên 94%.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Tangerang, Banten , Indonesia, ngày 30/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tại Lào, Bộ Y tế ngày 4/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 519 ca mắc mới COVID-19 và 12 ca tử vong do COVID-19. Bộ này cho hay số ca mắc mới COVID-19 tại nước này tiếp tục giảm. Đáng chú ý, sau nhiều tháng liên tục ghi nhận ở mức 3 chữ số, số ca cộng đồng tại thủ đô Viêng Chăn ngày 3/1 đã giảm xuống mức 2 chữ số với 88 ca trong một ngày. Chính phủ Lào yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường công tác tiêm chủng, đồng thời chuẩn bị đội ngũ y tế, tình nguyện, phương tiện và thiết bị, ngân sách cho hoạt động tiêm chủng ở cả đô thị và nông thôn.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

 

Thu Hằng/Báo Tin tức
Hàng chục trẻ em Đức bị tiêm nhầm vaccine COVID-19 người lớn
Hàng chục trẻ em Đức bị tiêm nhầm vaccine COVID-19 người lớn

Có đến 42 trẻ em từ 5-11 tuổi tại Đức đã bị tiêm nhầm vaccine phòng COVID-19 dành cho người trưởng thành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN