Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 3/11, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 959.255 ca mắc COVID-19 trong đó có 23.159 ca tử vong và 824.611 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với gần 3.000 ca/ngày, trong khi Myanmar vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số, lên trên 55.000 ca nhiễm và trên 1.300 ca tử vong.
Tình hình Malaysia tiếp tục căng thẳng với ca nhiễm mới tăng lên trên 1.000 ca và thêm 12 ca tử vong. Trong khi đó, diễn biến dịch tại Philippines tiếp tục xu hướng dịu đi, nhưng số ca nhiễm mới vẫn lên tới gần 1.800 ca.
Philippines: Ca nhiễm mới trung bình giảm 25% trong tháng 10
Theo tờ Straits Times, Philippines đã chứng kiến số ca nhiễm mới trung bình/ngày giảm 25% trong tháng qua, một phần nhờ xu hướng giảm lây nhiễm tại vùng Thủ đô Manila, tâm dịch lớn nhất đất nước.
Số liệu của Bộ Y tế Philippines cho thấy, 3-4 tuần trước, số ca nhiễm mới trung bình trong ngày là 2.517, nhưng con số này đã giảm xuống 1.887 trong 2 tuần qua. Tại vùng Thủ đô Manila, số ca nhiễm mới trung bình trong cùng thời gian giảm từ 842 xuống 522.
Thứ trưởng Y tế Maria Rosario Vergeire cho biết: “Hy vọng rằng chúng ta sẽ đến thời điểm các ca bệnh mới sẽ liên tục giảm". Nhưng bất chấp những con số đã được cải thiện, bà Vergeire nhắc lại rằng đây không phải là chỉ số duy nhất trong việc khuyến nghị nới lỏng hơn nữa các hạn chế, đặc biệt là ở khu vực thủ đô vẫn còn trong vòng kiểm dịch cộng đồng chung. "Điều quan trọng nhất là năng lực hệ thống y tế của chúng ta không bị quá tải và có thể đáp ứng ngay cả những trường hợp không phải mắc COVID", bà nói. Trước đó, Tiến sĩ Vergeire cho biết Bộ Y tế Philipppines đang nhắm mục tiêu tất cả các địa phương trong cả nước sẽ chuyển sang chế độ kiểm dịch cộng đồng chung sửa đổi được nới lỏng hơn nhiều vào quý đầu tiên của năm 2021.
Ngày 3/11, Philippines ghi nhận 1.772 ca nhiễm mới và 49 ca tử vong, nâng tổng số ca bệnh lên 387.161, bao gồm 7.318 bệnh nhân không qua khỏi.
Malaysia: Quốc hội ngừng hoạt động do nhân viên nhiễm COVID-19
Quốc hội Malaysia sẽ tạm ngừng hoạt động từ 13h ngày 3/11 đến ngày 5/11 sau khi có tin một số nhân viên và trợ lý của một nghị sĩ đã dương tính với COVID-19.
Trong một diễn biến khác, tại cuộc họp bàn về lãi suất cuối cùng trong năm 2020 vào ngày 3/11, Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) quyết định duy trì lãi suất qua đêm (OPR) ở mức 1,75%, phù hợp với dự đoán của phần lớn chuyên gia.
Nhằm đối phó với những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế Malaysia, BNM đã 4 lần cắt giảm OPR chỉ riêng trong năm 2020 với tổng cộng 125 điểm cơ bản. Vào tháng Bảy, OPR được cắt giảm 25 điểm cơ bản xuống còn 1,75%, là mức thấp nhất trong lịch sử. Trong cuộc họp bàn về lãi suất tháng Chín, MPC tuyên bố tiếp tục duy trì OPR ở mức 1,75%.
Về diễn biến dịch, ngày 3/11, Malaysia ghi nhận 12 ca tử vong mới, 1.054 ca mắc mới, nâng tổng số ca bệnh lên 34.393, trong đó bao gồm 263 ca tử vong, 23.995 người đã bình phục.
Myanmar: Thêm gần 1.200 ca mắc mới trong ngày
Ngày 3/11, Myanmar tiếp tục ghi nhận số ca lây nhiễm COVID-19 ở mức cao, lên tới 1.197 trường hợp. Như vậy nước này đã báo cáo có 55.804 ca nhiễm, trong đó có 1.307 ca tử vong, 39.063 trường hợp đã bình phục.
Số ca bệnh tại Myanmar đang trên đà vượt qua điểm nóng dịch của khu vực trong thời kỳ đầu là Singapore.
Singapore phát triển công cụ truy dấu COVID-19
Để đối phó với đại dịch COVID-19, Singapore đã chi tổng cộng 13,8 triệu đôla Singapore (SGD), tương đương 10,12 triệu USD để phát triển hệ thống đăng ký ra vào kỹ thuật số SafeEntry cũng như ứng dụng và thiết bị TraceTogether.
Trong thư phúc đáp gửi tới Quốc hội Singapore trả lời câu hỏi chất vấn của các nghị sỹ ngày 2/11, Bộ trưởng Y tế Singapore Gan Kim Yong cho biết, chi phí phát triển ứng dụng TraceTogether là 2,4 triệu SGD, hệ thống SafeEntry là 5,2 triệu SGD và 6,2 triệu SGD dành cho việc phát triển và phấn phối thiết bị đeo tay TraceTogether. Ông Gan Kim Yong cũng cho biết, đến nay, ứng dụng TraceTogether đã giúp xác định khoảng 25.000 trường hợp tiếp xúc gần gũi với ca mắc COVID-19, trong đó 160 trường hợp sau đó có kết quả dương tính với COVID-19.
Ông Gan Kim Yong nhấn mạnh, hiệu quả của ứng dụng và thiết bị đeo tay TraceTogether sẽ tăng lên khi có nhiều người dùng hơn. Do đó, Chính phủ Singapore khuyến khích người dân sinh sống tại Singapore tham gia chương trình TraceTogether, càng nhiều người tham gia càng tốt, bằng cách tải xuống ứng dụng hoặc nhận thiết bị đeo tay TraceTogether tại các địa điểm phân phối hiện nay.
Indonesia: Kinh tế tiếp tục suy giảm
Tổng thống Indonesia Joko Widodo cho biết kinh tế nước này tiếp tục giảm 3% trong quý III/2020 song thấp hơn mức giảm 5,32% trong quý trước đó. Phát biểu trong phiên họp nội các ngày 2/11, Tổng thống Widodo nhấn mạnh: “Xu hướng đang được cải thiện song tiêu dùng hộ gia đình và đầu tư vẫn giảm lần lượt 4% và 5%. Nhiệm vụ của chúng ta là thúc đẩy nhu cầu và bắt đầu kế hoạch năm 2021 ngay từ bây giờ để không bị mắc kẹt trong quý đầu năm tới”.
Để hỗ trợ nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, ông Widodo kêu gọi các bộ trưởng cân bằng giữa xử lý đại dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế, đồng thời bày tỏ hy vọng rằng chi tiêu của các địa phương sẽ đạt mức tối đa trong quý IV/2020.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Indonesia Mulyani Indrawati đã điều chỉnh các mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2020 xuống mức từ âm 0,2% đến 1,1%, thấp hơn so với mức dự kiến tăng 2,3% đưa ra trước đó. Tuy nhiên, bà Sri Mulyani vẫn lạc quan rằng tăng trưởng kinh tế sẽ hồi phục về mức 4,5-5,5% trong năm 2021.
Trong năm nay, tỷ lệ lạm phát được dự báo trong khoảng 2-4% trong khi lãi suất điều hành ở mức 3-4%.