COVID-19 tại ASEAN hết 27/1: Cả khối có 60.489 ca mắc mới; Ca tử vong mới ở Việt Nam cao nhất khối

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 27/1, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 60.489 ca mắc COVID-19 và 242 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 16.389.449 ca, trong đó 313.126 người tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Taguig, Philippines, ngày 6/12/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Philippines tiếp tục đứng đầu khu vực về ca nhiễm mới. Ngày 27/1, nước này ghi nhận 18.191 ca mắc mới COVID-19, tăng vài nghìn ca so với hai ngày trước đó. Philippines hiện là quốc gia có tổng số ca nhiễm và tử vong cao thứ 2 ở Đông Nam Á (sau Indonesia), với hơn 3,4 triệu ca mắc và gần 54.000 ca tử vong. 

Việt Nam đứng thứ hai khu vực ASEAN với 15.727 ca mắc mới trong ngày 27/1. Với 126 ca tử vong mới, Việt Nam có số ca tử vong cao nhất trong ngày 27/1.

Thái Lan đứng thứ ba khu vực về ca nhiễm mới với 8.078 ca trong ngày 27/1. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Thái Lan là 2.407.022.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan ngày 26/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).  

Truyền thông sở tại cho biết Thư ký thường trực Bộ Y tế Thái Lan Kiattiphum Wongrajit đã thông báo kế hoạch này sau cuộc họp của Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm ngày 27/1. Theo Tiến sĩ Kiattiphum, ủy ban trên đã lên kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu trước cuối năm nay dựa trên các tiêu chí có thể chấp nhận được về mặt học thuật bao gồm không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm hai liều vaccine.

Ông Kiattiphum cho hay quan điểm của Bộ Y tế Thái Lan là COVID-19 đã lây lan trong hơn 2 năm và các xu hướng cho thấy căn bệnh này đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng. Về nguyên tắc, căn bệnh trên có thể lây lan, nhưng không nghiêm trọng. Tỷ lệ tử vong có thể chấp nhận được và dịch bệnh có thể bùng phát theo từng đợt, song điều quan trọng là người dân phải được miễn dịch hoàn toàn, phải được tiêm chủng đầy đủ và hệ thống y tế hoạt động hiệu quả. Sau khi các tiêu chí này được đáp ứng trong một thời gian, COVID-19 có thể được công bố là bệnh đặc hữu ở Thái Lan.

Theo ông Kiattiphum, giới chức y tế Thái Lan sẽ hành động để đẩy nhanh quá trình tiến tới tuyên bố nói trên thay vì chờ đợi căn bệnh này tự nhiên trở thành bệnh đặc hữu, vốn sẽ mất nhiều thời gian hơn. Dự kiến, sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu, các bệnh viện của Thái Lan sẽ điều trị cho bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân đeo khẩu trang. Theo quy định hiện tại, Ủy ban quốc gia về các bệnh truyền nhiễm yêu cầu tất cả mọi người phải đeo khẩu trang ở nơi công cộng và người vi phạm có thể bị phạt tới 20.000 baht (600 USD).

Indonesia đứng thứ tư về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 27/1 với 8.077 ca, nâng tổng số ca từ đầu đại dịch lên 4.309.270 ca. 

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Jakarta, Indonesia, ngày 18/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Singapore đứng thứ 5 về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 27/1 với 4.832 ca. Tổng ca mắc ở Singapore từ đầu đại dịch là 327.602 ca.

Trước đó, trong cuộc họp báo của Lực lượng Liên bộ đặc trách chống COVID-19 (MTF), Bộ Y tế Singapore (MOH) cho biết các ca mắc COVID-19 ở nước này bắt đầu tăng mạnh trong những ngày gần đây.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Singapore. Ảnh: AFP/TTXVN

Để phòng chống dịch, trong vòng 4 tuần, bắt đầu từ ngày 24/1, tất cả các bệnh viện (bao gồm bệnh viện công, bệnh viện tại cộng đồng và bệnh viên tư nhân) và các cơ sở chăm sóc dân cư tại nước này sẽ tạm dừng việc cho phép người đến thăm bệnh nhân, trừ những trường hợp ngoại lệ (như trường hợp bệnh nhân trở nặng nguy kịch) do bệnh viện quyết định. 

Cũng theo MOH, mặc dù Singapore tự tin có thể giảm thiểu tác động của làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron nhờ tỷ lệ tiêm vaccine (cả mũi tăng cường) rất cao, song việc cẩn trọng là không thừa thãi. Do đó, trong dịp Tết Âm lịch sắp tới, các biện pháp giãn cách xã hội hiện tại sẽ vẫn được áp dụng. Người dân vẫn sẽ chỉ được phép tụ tập theo các nhóm tối đa 5 người, mỗi gia đình chỉ được đón tiếp tối đa 5 khách mỗi ngày, mỗi bàn tại các nhà hàng được ngồi nhiều nhất là 5 người…, trong khi các sự kiện quy mô lớn, bao gồm các hoạt động tôn giáo, các bữa tiệc tối đông người… tiếp tục bị cấm. Bên cạnh đó, để tiếp tục được bảo vệ tốt hơn trước làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron, bắt đầu từ tháng tới, Singapore sẽ mở rộng chương trình tiêm vaccine tăng cường đối với trẻ em từ 12-17 tuổi.

Malaysia đứng thứ 6 về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 27/1 với 4.744 ca. Tổng ca mắc ở Malaysia từ đầu đại dịch là 2.844.969 ca.

Lào đứng thứ 7 về ca mắc mới tại ASEAN trong ngày 27/1 với 695 ca. Tổng ca mắc tại Lào từ đầu đại dịch tới nay là 132.130. 

Campuchia cùng ngày chỉ ghi nhận 34 ca mắc mới, nâng tổng số ca mắc lên 121.150.

Ngày 27/1, Bộ trưởng Du lịch Campuchia Thong Khon thông báo nước này đã phát động chiến dịch mang tên "Campuchia: Điểm du lịch xanh và an toàn" nhằm phục hồi ngành du lịch sau dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia, ngày 14/1/2022. Ảnh: THX/TTXVN

Phát biểu tại lễ phát động được tổ chức theo hình thức trực tuyến, Bộ trưởng Khon cho biết trong 2 năm qua, nhiều doanh nghiệp du lịch đã phải đóng cửa và hàng chục nghìn lao động bị mất việc làm. Chiến dịch này là chiến lược nhằm thu hút du khách từ trên khắp thế giới và các nước trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đến với Campuchia. Bộ trưởng nêu rõ toàn bộ du khách đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 đều được hoan nghênh đến Campuchia mà không cần cách ly, đồng thời khuyến nghị các doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch thực hiện các biện pháp du lịch an toàn và đảm bảo quy trình hoạt động hiệu quả để ngăn ngừa COVID-19 lây lan.

Du lịch là một trong bốn trụ cột của nền kinh tế Campuchia. Nước này nổi tiếng với 3 di sản thế giới là công viên khảo cổ Angkor, đền Preah Vihear và Khu khảo cổ Sambor Prei Kuk. Ngoài ra, nước này còn có đường bờ biển dài 450 km trải dài khắp 4 tỉnh Tây Nam. Theo Bộ Du lịch Campuchia, năm 2019, nước này đã đón 6,61 triệu lượt khách quốc tế, đem lại doanh thu lên tới 4,92 tỷ USD. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, ngành này chỉ đón 163.366 lượt khách quốc tế trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 11/2021, giảm 87% so với 1,28 triệu lượt khách trong cùng kỳ năm 2020.

Tháng 11/2021, Campuchia đã mở cửa đón các du khách tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 sau khi phần lớn người dân nước này đã tiêm phòng. Bộ Y tế Campuchia cho biết tính đến nay, nước này đã tiêm phòng được ít nhất một mũi vaccine cho 14,34 triệu người, tương đương 89,6% dân số. Tỷ lệ những người đã tiêm phòng đủ hai mũi vaccine cơ bản là 86%.

Về số ca tử vong, 6 quốc gia ASEAN ghi nhận ca tử vong mới: Việt Nam (126 ca), Philippines (74 ca), Thái Lan (22 ca), Malaysia (12 ca), Indonesia (7 ca) và Lào (1 ca).

Thùy Dương/Báo Tin tức
Hơn 30% phi công toàn cầu vẫn thất nghiệp vì COVID-19 
Hơn 30% phi công toàn cầu vẫn thất nghiệp vì COVID-19 

Hơn 30% phi công của các hãng hàng không trên toàn cầu vẫn chưa được bay trở lại do ảnh hưởng của dịch COVID-19, mặc dù tình hình đã có nhiều cải thiện so với cách đây một năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN