Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam, Myanmar và Campuchia.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao như cách đây 1 tháng. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong và số ca mắc mới cao nhất Đông Nam Á, thậm chí số ca bệnh mới của nước này còn cao nhất kể từ đầu dịch tới nay.
Trong khi đó, diễn biến dịch bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành một trong những ổ dịch nóng của khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao nhiều ngày liên tiếp và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong trong ngày 25/6 cũng đứng thứ hai toàn khối. Số ca tử vong đang giảm dần ở nước này mấy ngày qua.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại. Nước này hiện là một trong những điểm dịch nóng nhất khu vực, khi làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh suốt mấy tuần vừa qua.
Ngày 25/6, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao thứ ba Đông Nam Á, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 82 trường hợp không qua khỏi (đứng thứ 3 trong khối ASEAN). Trước làn sóng dịch nguy hiểm mới, Chính phủ Malaysia đã quyết định phong tỏa toàn quốc trong hơn 1 tuần qua với hy vọng đảo chiều đồ thị dịch bệnh.
Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua tới 859 ca bệnh COVID-19 mới ghi nhận và 7 ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 25/6 ghi nhận thêm trên 3.644 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong là 44 người, tăng mạnh so với mấy ngày qua. So với 1 tuần trước, số ca mắc mới tại Thái Lan đang chứng kiến đà tăng trở lại, số ca tử vong cũng tăng một cách đáng ngại.
Campuchia dịch bệnh đang ở tình trạng nghiêm trọng và đáng ngại khi nước này có 699 bệnh nhân mới và 16 ca tử vong trong một ngày qua. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 91.069 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 689 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 4.702.569 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 4.244.944 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, có 8/11 các nước thành viên ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới.
Diễn biến dịch COVID-19 tại Đông Nam Á ngày 25/6:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
2,072,867 |
+18,872 |
56,371 |
+422 |
1,835,061 |
Philippines |
1,385,053 |
+6,812 |
24,152 |
+116 |
1,305,608 |
Malaysia |
722,659 |
+5,812 |
4,803 |
+82 |
657,739 |
Thái Lan |
236,291 |
+3,644 |
1,819 |
+44 |
193,106 |
Myanmar |
150,714 |
|
3,275 |
|
134,589 |
Singapore |
62,513 |
+20 |
35 |
|
62,140 |
Campuchia |
46,065 |
+699 |
509 |
+16 |
40,769 |
Việt Nam |
14,323 |
+91 |
72 |
|
5,759 |
Timor-Leste |
8,889 |
|
20 |
|
7,966 |
Lào |
2,080 |
|
3 |
|
1,962 |
Brunei |
256 |
|
3 |
|
245 |
Tại Thái Lan, Cục kiểm soát Dịch bệnh của Thái Lan đã đề xuất chỉ áp dụng biện pháp phong tỏa tại những điểm nóng lây nhiễm ở thủ đô nước này, trong bối cảnh việc thiếu hợp tác đang cản trở những nỗ lực kiểm soát các ổ dịch ngày một tăng.
Trợ lý người phát ngôn Trung tâm Xử lý Tình hình COVID-19 (CCSA) Apisamai Srirangsan ngày 25/6 cho biết đề xuất trên bao gồm việc đóng cửa các khu vực có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 cao, như các khu ký túc xá của công nhân hoặc các doanh nghiệp cụ thể mà có thể làm tăng tốc độ lây truyền. Theo bà Apisamai, việc phong tỏa toàn bộ Bangkok có thể không phải là biện pháp thích hợp để kiểm soát các ổ dịch, vì điều đó có thể làm lây lan các ca nhiễm rộng rãi hơn.
Bà Apisamai lấy ví dụ việc phong tỏa tỉnh Yala sau khi các ca nhiễm được phát hiện trong Cộng đồng Markaz. Việc phong tỏa toàn tỉnh này đã khiến cho người dân địa phương trốn sang các tỉnh khác và cuối cùng làm lây lan dịch trên một khu vực rộng lớn hơn. Bà Apisamai cho biết các biện pháp kiểm soát dịch bệnh theo kiểu “bong bóng và niêm phong” đã thành công trong việc xử lý các ổ dịch ở tỉnh Samut Sakhon trong vòng 28 ngày, nhưng không thành công ở thủ đô Bangkok.
Tình hình trong các ký túc xá công nhân, nhà máy và khu chợ ở Bangkok hoàn toàn khác và địa phương này không thể dập các ổ dịch trong 28 ngày một phần là do yếu tố hợp tác. Công nhân vẫn trốn ra ngoài chợ và cộng đồng khi khu ký túc xá của họ bị đóng cửa hoặc chuyển sang khu khác, do đó, các ổ dịch ở Bangkok vẫn tăng lên. Hiện nay tại Bangkok có tổng cộng 107 ổ dịch COVID-19.
Theo Cục Thông tin Quốc gia Thái Lan (NNT), Thủ tướng Prayut Chan-ocha cho biết sẽ không có phong tỏa ở Bangkok, nhưng trong hoàn cảnh hiện tại sẽ sử dụng việc phong tỏa có giới hạn tại các địa điểm có các ổ dịch và để đảm bảo rằng hành động này sẽ không gây tác động không cần thiết đối với người dân và nền kinh nói chung.
Trong 24 giờ qua, thủ đô Bangkok ghi nhận 1.142 ca mắc mới COVID-19 trong tổng số 3.644 ca trên toàn quốc, cùng 19 trường hợp tử vong trong tổng số 44 người trên cả nước. Kể từ khi COVID-19 bùng phát, nước này đã ghi nhận tổng cộng 236.291 ca nhiễm, trong đó có 1.819 người tử vong.
Trong khi đó, Chính quyền vùng đô thị Bangkok (BMA) ngày 25/6 nói rằng cơ quan này sẽ bổ sung gần 600 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân COVID-19 có nguy cơ phát triển các triệu chứng nặng, vì đợt bùng phát ngày càng trầm trọng hiện nay đang đe dọa gây quá tải các bệnh viện.
Tại Campuchia, số ca tử vong vì COVID-19 tại Campuchia tiếp tục tăng nhanh và hiện đã vượt ngưỡng 500 ca kể từ đợt bùng phát dịch lần thứ ba sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2” (trước sự kiện này Campuchia không có ca tử vong vì COVID-19).
Bộ Y tế Campuchia ngày 25/6 xác nhận trong 24 giờ qua có thêm 16 ca bệnh không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại đây lên 509 ca. Ngoài ra, có thêm 759 ca được công bố khỏi bệnh và 699 ca mắc mới trên cả nước, trong đó có 113 ca nhập cảnh và đây là số nhập cảnh mắc COVID-19 trong một ngày nhiều nhất từ trước đến nay ở Campuchia. Như vậy, tính đến nay, Campuchia ghi nhận tổng cộng 46.065 ca mắc COVID-19, trong đó 40.769 người đã khỏi bệnh.
Trong nỗ lực đẩy mạnh tiêm phòng để giảm lây nhiễm và tử vong vì COVID-19, Bộ Y tế Campuchia công bố số liệu cho thấy tính đến ngày 24/6, nước này đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho 3.715.751 người từ 18 tuổi trở lên, tương đương 37,16% trong tổng số 10 triệu người cần được tiêm phòng để đạt mục tiêu miễn dịch cộng đồng.
Người phát ngôn Bộ Y tế Campuchia Or Vandine cho biết số người được tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nước này có thể đạt mức 4 triệu người trong một tuần nữa, sớm hơn mục tiêu của chính phủ đề ra. Vaccine này có thể giúp làm giảm biến chứng nghiêm trọng, cũng như làm giảm khả năng phải nhập viện và giảm nguy cơ tử vong ở người mắc COVID-19.
Liên quan đến tình hình dịch bệnh, ngành giáo dục Campuchia đã có cuộc thảo luận với chính phủ bàn về lộ trình mở cửa trở lại trường học. Tuy nhiên, hiện chưa có thời điểm rõ ràng về lộ trình này.
Dịch COVID-19 đã buộc các trường phải tổ chức học trực tuyến từ tháng 3/2020. Các trường được mở cửa trở lại trong tháng 9/2020 sau đó đến tháng 11/2020 lại đóng cửa. Đến tháng 1/2021, các trường bắt đầu hoạt động một phần theo cách học luân phiên trên lớp và trực tuyến đến khi lại phải đóng cửa sau “sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Theo số liệu của Liên hợp quốc, trường học đóng cửa ảnh hưởng đến 3,21 triệu học sinh, sinh viên và hơn 93.000 giáo viên trên toàn Campuchia.
Cùng ngày, Bộ Y tế Philippines (DOH) công bố có 6.812 ca mắc mới COVID-19, nâng tổng số ca mắc tại quốc gia Đông Nam Á này lên 1.385.053 ca. Ngoài ra, với thêm 116 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Philippines lên tới 224.152 trường hợp.
DOH cho biết đã có trên 13 triệu người trong tổng số 110 triệu dân được xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát hồi tháng 1/2020 đến nay.
Tại Lào, Bộ Y tế Lào ngày 25/6 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 14 ca mắc mới COVID-19 đều là các trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay. Đây là lần thứ 3 Lào không ghi nhận ca nhiễm cộng đồng nào trên cả nước kể từ khi làn sóng dịch thứ 2 bắt đầu tại nước này từ giữa tháng 4 vừa qua.
Theo đại diện Bộ Y tế Lào, dù số ca lây nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, nhưng nước này vẫn đang đối mặt với thách thức và nguy cơ lây nhiễm trên diện rộng do tình hình dịch bệnh ở các nước láng giềng vẫn diễn biến phức tạp, nếu để lọt các trường hợp nhập cảnh bất hợp pháp, nguy cơ dịch tái bùng phát là rất cao. Bên cạnh đó, một số bộ phận người dân vẫn chưa tuân thủ nghiêm các quy định phòng dịch, làm tiềm ẩn nguy cơ dịch bùng phát trong cộng đồng.
Tính đến nay, Lào ghi nhận tổng cộng 2.094 ca mắc COVID-19, trong đó có 3 ca tử vong.