COVID-19 tại ASEAN hết 24/12: Số ca mắc mới tại Lào thuyên giảm; Campuchia phân phối rộng khắp thuốc điều trị Molnupiravir

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 24/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 24.174 ca mắc mới COVID-19 và 368 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện nay vượt 14.702.958 trường hợp và 302.098 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 của Sinovac cho trẻ em tại Phnom Penh, Campuchia ngày 17/9/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.

Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 5 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Chú thích ảnh
Người dân chụp ảnh bên cây thông Noel tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 23/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Việt Nam ngày 24/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 16.100 ca mắc mới và 235 ca tử vong. Đây cũng là số ca tử vong trong ngày cao nhất ở châu Á trong 24 giờ qua.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 24/12 ghi nhận thêm trên 2.600 ca bệnh mới và 27 người tử vong.

Ngày 24/12, nhà chức trách Thái Lan đã ghi nhận ổ dịch đầu tiên trong cộng đồng liên quan đến biến thể Omicron tại tỉnh Kalasin, Đông Bắc nước này. Hiện có 21 ca nhiễm mới liên quan đến ổ dịch tại Kalasin. Ổ dịch này bắt nguồn từ một cặp đôi du khách tới từ Bỉ qua chương trình Test & Go của Thái Lan, theo đó miễn cách ly đối với các du khách đã tiêm phòng COVID-19.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho người dân tại Yogyakarta, Indonesia, ngày 21/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 8 bệnh nhân mới và chỉ 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào đang có chiều hướng chững lại và đi ngang,  tổng số ca bệnh đã vượt 100.000. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên.

Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Cảnh vắng vẻ trên đường phố trong thời gian phong tỏa phòng dịch COVID-19 tại Luang Prabang, Lào. Ảnh: THX/ TTXVN

Số ca mắc mới tại Lào có chiều hướng giảm

Bộ Y tế Lào ngày 24/12 cho biết trong 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận 1.037 ca mắc mới COVID-19 và đây đều là các ca lây nhiễm trong cộng đồng tại 18 tỉnh, thành phố và 6 ca tử vong. Số ca mắc mới tại Lào đã giảm mạnh, giảm 434 trường hợp so với ngày 23/12.

Thủ đô Viêng Chăn cũng ghi nhận số ca cộng đồng giảm 261 trường hợp so với ngày 23/12, nhưng vẫn đứng đầu cả nước với 476 ca trong một ngày. Như vậy, đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại Lào đã lên tới 104.373 ca, trong đó có 305 người tử vong.

Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đang tiếp tục vận động người dân đi tiêm phòng vaccine COVID-19 để giảm rủi ro lây nhiễm và biến chứng nặng, đặc biệt là các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ mang thai từ 12 tuần tuổi trở lên, sản phụ đang nuôi con hoặc đối tượng cần tiêm mũi bổ sung.

Lào vừa nhận bàn giao hơn 1,2 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 do nhiều quốc gia viện trợ thông qua Chương trình tiếp cận vaccine công bằng COVAX nhằm giúp nước này thúc đẩy các nỗ lực tiêm chủng cho người dân để chống lại đại dịch trên. Những quốc gia trên bao gồm Pháp (viện trợ lô vaccine 192.000 liều của hãng AstraZeneca); Nhật Bản (320.200 liều vaccine của hãng AstraZeneca); Hy Lạp (320.400 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson) và Hà Lan (460.800 liều vaccine của hãng Johnson & Johnson)

Chú thích ảnh
Phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/ TTXVN

Campuchia bán và phân phối thuốc Molnupiravir trên cả nước

Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia bắt đầu bán và phân phối thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19 trên phạm vi cả nước.

Báo Khmer Times sáng 24/12 cho biết nhóm công tác thuộc Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia đã ban hành văn bản quy định về phân phối loại thuốc viên điều trị bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19 từ nhẹ đến nặng. Theo thông báo này, việc đưa loại thuốc Molnupiravir phân phối rộng rãi trên thị trường là một bước đi quan trọng trong cuộc chiến chống COVID-19 tại Campuchia, ngoài việc đẩy mạnh tiêm vaccine phòng bệnh và tuân thủ chặt các biện pháp “Ba không – Ba tránh”. Những bệnh nhân có triệu chứng mắc COVID-19 sẽ có nhiều cơ hội hồi phục đầy đủ và nhanh chóng nhờ thuốc Molnupiravir.

Một liệu trình điều trị sử dụng thuốc này gồm 40 viên, dùng trong 5 ngày, được Bộ Bưu chính Viễn thông Campuchia bán với giá 55 USD. Việc bán Molnupiravir được phép thực hiện trên toàn quốc, nhưng phải tuân thủ chặt chẽ các điều kiện liên quan số lượng bán cho mỗi cá nhân hay tổ chức theo quy định, cũng như tần suất số lần mua.

Chú thích ảnh
Thuốc viên Molnupiravir điều trị COVID-19. Ảnh: AFP/TTXVN

Quy định cũng đặt ra giới hạn tối đa một người mua có thể bán lại cho bên thứ ba nhằm loại trừ khả năng đầu cơ trục lợi và tăng khả năng tiếp cận Molnupiravir cho những người cần được điều trị. Theo đó, mỗi cá nhân có thể đặt mua từ 5 -10 liều Molnupiravir mỗi lần, trong khi các bệnh viện tư, phòng mạch, hãng dược và hiệu thuốc có thể đặt mua từ 5 -100 liều. Giá bán lại tối đa một liệu trình Molnupiravir là 65 USD.

Bộ Y tế Campuchia cũng ban hành các hướng dẫn chuẩn về cách sử dụng loại thuốc này, theo đó khuyến cáo rằng sau khi được chẩn đoán, có thể sử dụng ngay lập tức một liệu trình Molnupiravir theo cách uống mỗi viên 200mg sau 12 giờ/lần trong vòng 5 ngày.

Về tình hình dịch COVID-19, trong 24 giờ qua Campuchia phát hiện thêm 2 ca nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm biến thể này tại Campuchia lên con số 8 ca. Tất cả 8 bệnh nhân này hiện đang được điều trị tại Viện Lao Quốc gia ở Phnom Penh. Đến ngày 23/12, Campuchia xác nhận có 120.434 ca mắc COVID-19 với 116.834 người bình phục và 3.006 người tử vong.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 23/12: Bangkok hủy lễ đón Năm mới; Lào mở lại trường học từ tháng 1/2022
COVID-19 tại ASEAN hết 23/12: Bangkok hủy lễ đón Năm mới; Lào mở lại trường học từ tháng 1/2022

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 23/12, các quốc gia thành viên ASEAN ghi nhận 25.272 ca mắc COVID-19 và 429 ca tử vong. Tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch đã là 14.678.784 ca, trong đó 301.730 người tử vong.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN