COVID-19 tại ASEAN hết 22/12: Toàn khối thêm 400 ca tử vong; Thái Lan chi 1 tỷ USD mua vaccine

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 22/12, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 23.571 ca mắc mới COVID-19 và 409 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện nay vượt 14.672.738 trường hợp và 301.393 ca tử vong.

Chú thích ảnh
Trung tâm thương mại được trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh tại Bangkok, Thái Lan, ngày 20/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Tổng số ca bệnh hiện nay vượt 14.672.738 trường hợp và 301.393 ca tử vong. Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối.

Tuy nhiên, diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 8 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Myanmar, Campuchia và Việt Nam.

Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 5 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 16/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Việt Nam ngày 22/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với trên 16.500 ca mắc mới và 210 ca tử vong.

Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng bắt đầu xu thế giảm so với vài tuần gần đây. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 22/12 ghi nhận thêm trên 2.500 ca bệnh mới và 31 người tử vong.

Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 3 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.

Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua và tổng số ca bệnh đã vượt 100.000. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 1 ca tử vong vì COVID-19. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.

Chú thích ảnh
Vaccine phòng COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech. Ảnh: AFP/ TTXVN

Thái Lan chi 1 tỉ USD mua vaccine cho năm 2022

Chính phủ Thái Lan đã dành 35,06 tỉ baht (khoảng 1 tỉ USD) để tài trợ cho việc mua 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 của các hãng Pfizer và AstraZeneca.

Phó phát ngôn Chính phủ Thái Lan, Rachada Dhnadirek cho biết số tiền dùng để mua vaccine nói trên lấy từ ngân sách 35,9 tỉ baht được Nội các Thái Lan thông qua trong cuộc họp ngày 21/12. Phần còn lại sẽ được sử dụng để hỗ trợ tài chính cho những người tham gia bảo hiểm xã hội làm việc trong lĩnh vực kinh doanh giải trí và tổ chức các sự kiện thể thao.

Theo bà Rachada, trong số 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 mà Thái Lan đặt hàng cho năm 2022, 30 triệu liều sẽ mua từ hãng Pfizer và 60 triệu liều sẽ mua từ AstraZeneca.

Thái Lan đã vượt mốc tiêm 100 triệu mũi vaccine ngừa COVID-19, mục tiêu được Chính phủ nước này đặt ra cho chiến dịch tiêm chủng năm 2021. Tính đến ngày 19/12, 50,5 triệu người (tương đương 72% dân số) được tiêm một mũi vaccine ngừa COVID-19, 44,3 triệu người (61,63% dân số) được tiêm đầy đủ 2 mũi và hơn 5 triệu người (6,97% dân số) được tiêm mũi thứ ba tăng cường.

Chú thích ảnh
Hành khách tại sân bay quốc tế Phuket, Thái Lan, ngày 1/11/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bà Rachada, Chính phủ Thái Lan sẽ sẵn sàng triển khai tiêm vaccine của hãng Pfizer cho trẻ em từ 5-11 tuổi vào năm tới. Chính phủ Thái Lan đặt mục tiêu tiêm chủng cho 5 triệu trẻ em và đã chuẩn bị mua 10 triệu liều vaccine của Pfizer cho nhóm đối tượng này.

Trước đó, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm  (FDA) của Thái Lan đã chấp thuận hạ độ tuổi tiêm chủng của trẻ em xuống 5 tuổi bằng vaccine Comirnaty của Pfizer với liều lượng được giảm xuống 10 microgram. Đây là loại vaccine đầu tiên được Thái Lan cho phép tiêm cho trẻ em trong độ tuổi 5-11. FDA hiện cũng đang cân nhắc sử dụng các vaccine bất hoạt của Sinovac và Sinopharm để tiêm cho trẻ em.

Trong khi đó, hầu hết những người được hỏi trong một cuộc thăm dò ý kiến do Bộ Y tế Công cộng thực hiện, đã bày tỏ lo ngại về một đợt bùng phát COVID-19 khác có thể xảy ra, đặc biệt là biến thể Omicron, nếu các lễ kỷ niệm Năm mới vẫn tiếp tục như kế hoạch.

Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, quốc gia Đông Nam Á này sáng 22/12 thông báo ghi nhận thêm 2.532 ca mắc mới cùng 31 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số các ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 2.199.061 ca, trong đó có 21.471 người không qua khỏi. Theo Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Anutin Charnvirakul, Thái Lan đã phát hiện hơn 60 ca nhiễm biến thể Omicron, trong khi 97 ca khác đang chờ xác nhận.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em tại Bandung, Tây Java, Indonesia, ngày 16/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Chính phủ Indonesia đã đưa ra 5 biện pháp tăng cường giám sát trước kỳ nghỉ lễ Giáng sinh 2021 và Năm mới 2022 (gọi là Nataru) nhằm gia tăng khả năng ứng phó với nguy cơ tăng đột biến các trường hợp mắc mới COVID-19, đặc biệt là liên quan đến biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.

Bộ trưởng Bộ Điều phối phát triển con người và văn hóa Indonesia, Muhadjir Effendy ngày 21/12 cho biết trước tình hình số lượng bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron tại châu Phi tăng gấp 8 lần so với tuần trước, trong khi số quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận xuất hiện biến thể Omicron tăng từ 72 lên 97 trong vòng 1 tuần, Chính phủ Indonesia đã thảo luận và đưa ra 5 biện pháp triển khai vào dịp Nataru.

Thứ nhất, Chính phủ sẽ điều chỉnh các quy tắc cần thiết để dự đoán và chuẩn bị các kịch bản phòng chống dịch bệnh trước và sau Nataru 7 ngày. Bộ Nội vụ sẽ triển khai thông qua ứng dụng Care for Protect.

Thứ hai, tăng cường nhân viên kiểm soát tại các địa điểm tập trung đông người như trung tâm thương mại, các tuyến đường thu phí, các địa điểm thăm quan của khách du lịch.

Thứ ba, các bộ ngành liên quan phối hợp đẩy nhanh xét nghiệm và thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR tại các cửa ra vào các khu vực đông người, tránh tình trạng ùn ứ, dẫn đến không tuân thủ các quy định an toàn y tế như duy trì khoảng cách, truy vết.

Thứ tư, bắt buộc sử dụng ứng dụng giám sát sức khỏe PeduliLindung. Ứng dụng này sẽ là cơ sở để áp dụng các biện pháp phạt những cá nhân không tuân thủ quy định giám sát an toàn y tế.

Thứ năm, nâng cao vai trò của truyền thông trong nước trong việc kêu gọi người dân đề cao cảnh giác, chung tay phòng chống làn sóng lây lan của COVID-19, nhất là trong bối cảnh xuất hiện biến thể Omicron.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 21/12: Việt Nam vượt 30.000 ca tử vong; Ca nhiễm tại Lào lên trên 100.000
COVID-19 tại ASEAN hết 21/12: Việt Nam vượt 30.000 ca tử vong; Ca nhiễm tại Lào lên trên 100.000

Trong 24 giờ qua, các nước ASEAN ghi nhận trên 23.200 ca nhiễm mới và 364 ca tử vong. Trong đó nước ta ghi nhận 250 ca tử vong mới, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 vượt 30.000.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN