Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua chứng kiến xu thế hạ nhiệt tại nhiều nước. Số ca tử vong nhìn chung tiếp tục giảm nhẹ hoặc không tăng trong toàn khối. Song diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam.
Sự xuất hiện của chủng virus mới được coi là siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách từ các quốc gia ở phía Nam châu Phi và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 4 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng vài tuần qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Việt Nam ngày 20/12 tiếp tục dẫn đầu Đông Nam Á với xấp xỉ 15.000 ca mắc mới và 225 ca tử vong.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nhà chức trách nước này phải ra quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 20/12 ghi nhận thêm trên 2.500 ca bệnh mới và 31 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 7 bệnh nhân mới và không có ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, số ca mắc mới tại Lào vẫn tăng cao mấy ngày qua. Singapore cũng ghi nhận hàng trăm ca bệnh và 1 ca tử vong vì COVID-19. Nhìn chung, toàn khối dù dịch đã bớt căng thẳng song vẫn chứng kiến những diễn biến đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Indonesia điều chỉnh các biện pháp kiểm soát biên giới
Chính phủ Indonesia ngày 20/12 đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với hành khách đến từ Hong Kong (Trung Quốc), đồng thời đưa Anh, Na Uy và Đan Mạch vào danh sách các quốc gia bị áp dụng lệnh cấm nhập cảnh do lo ngại biến thể Omicron.
Như vậy, tổng cộng có 13 quốc gia bị ảnh hưởng của lệnh cấm nhập cảnh của Indonesia gồm Nam Phi, Bostwana, Namibia, Zimbabwe, Lesotho, Mozambique, Eswatini, Malawi, Angola và Zambia. Phát biểu họp báo cùng ngày, Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề Hàng hải và Đầu tư của Indonesia, Luhut Binsar Pandjaitan, cho biết danh sách trên sẽ được xem xét lại dựa trên kết quả đánh giá định kỳ hằng tuần và có thể kéo dài tùy thuộc diễn biến tình hình dịch COVID-19 ở Indonesia. Ông kêu gọi người dân hạn chế các chuyến đi ra nước ngoài nếu không thực sự cần thiết.
Tính đến ngày 20/12, Indonesia ghi nhận 3 ca nhiễm biến thể Omicron. Chính phủ nước này đã quyết định siết chặt lệnh hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng (PPKM) ở Java và Bali từ ngày 17/12 vừa qua đến ngày 3/1/2022. Cho đến nay, Indonesia có tổng thộng 4.260.677 ca mắc COVID-19 (tăng 133 ca trong 24 giờ qua), trong đó có 144.013 ca tử vong (tăng 11 ca).
Thái Lan cấp phép sử dụng vaccine của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi
Ngày 20/12, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm (FDA) của Thái Lan đã phê duyệt việc sử dụng vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho trẻ em từ 5-11 tuổi.
Đây là loại vaccine đầu tiên được Thái Lan cấp phép sử dụng cho trẻ em trong độ tuổi này.
Phó Tổng thư ký FDA Paisarn Dunkum cho biết liều lượng vaccine sử dụng cho trẻ em từ 5-11 tuổi sẽ giảm xuống còn 10 microgam, tương đương 1/3 liều dùng cho những người trên 12 tuổi. Thời gian giữa hai mũi tiêm là 21 ngày.
Thái Lan đã ghi nhận ca đầu tiên nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 trong cộng đồng. Quan ngại nguy cơ lây lan Omicron, ngày 20/12, Bộ Y tế nước này thông báo đang cân nhắc tái triển khai các biện pháp cách ly bắt buộc đối với các du khách nước ngoài và có thể đình chỉ một chương trình nhập cảnh.
Thủ tướng Campuchia tuyên bố "kết thúc" sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen công bố “Sự cố lây nhiễm cộng đồng ngày 20/2/2021” gây bùng phát COVID-19 trên diện rộng ở Campuchia đã chính thức kết thúc sau 10 tháng đất nước nỗ lực ứng phó với đại dịch.
Trong một thông điệp đặc biệt gửi cả nước, Thủ tướng Hun Sen cho biết trong 10 tháng qua, đã có 120.423 người tại Campuchia nhiễm bệnh và 3.005 ca tử vong. Tỷ lệ lây nhiễm COVID-19 theo ngày cao nhất tại Campuchia từng lên tới 1.000 ca, sau đó giảm xuống mức ba và bốn con số. Mới đây, tỷ lệ này đã giảm xuống mức 10 ca/ngày. Thủ tướng Hun Sen cho biết theo ghi nhận của Bộ Y tế Campuchia, trong 24 giờ qua, Campuchia có 7 ca nhiễm mới và không có ca tử vong.
Cho đến nay, Campuchia đã nhận được hơn 40 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 và tiêm ít nhất 1 liều cho hơn 14 triệu người dân, tương đương gần 89% tổng dân số. Trong số này, hơn 3 triệu người đã được tiêm liều thứ ba tăng cường. Chiến dịch tiêm chủng tăng cường cho thanh thiếu niên từ 12-18 tuổi tại Campuchia sẽ được khởi động từ đầu tháng 1/2022.
Số ca mắc mới tại Lào giảm xuống mức 3 con số
Bộ Y tế Lào cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 824 ca mắc mới COVID-19 tại 18 tỉnh, thành phố, nâng tổng số ca mắc trên cả nước lên 99.396 ca. Ngoài ra, với thêm 1 ca không qua khỏi, tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại Lào hiện tăng lên 274 ca.
Bộ Y tế Lào nêu rõ sau nhiều ngày ở mức 4 con số, số ca mắc mới tại nước này ngày 20/12 đã giảm xuống mức 3 con số; giảm 243 ca so với một ngày trước đó. Tuy vậy, số mắc mới trong cộng đồng vẫn ở mức cao với 818 ca, trong khi chỉ có 6 ca là các trường hợp nhập cảnh. Riêng tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng đã giảm 202 ca so với ngày 19/12 nhưng vẫn ở mức cao với 294 ca trong một ngày và tiếp tục đứng đầu cả nước.
Trước tình hình trên, Cục Thực phẩm và dược phẩm thuộc Bộ Y tế Lào đã phê duyệt 3 loại dụng cụ xét nghiệm (test) nhanh COVID-19, đồng thời mô tả chi tiết tính năng và cách sử dụng các loại test nhanh COVID-19 được cấp phép tại nước này. Trước đó, Bộ Y tế Lào khuyến nghị chỉ những người có chuyên môn, đã được đào tạo, mới nên sử dụng các dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, bởi có như vậy mới có thể đảm bảo hiệu quả và tránh rủi ro lây nhiễm.