Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 24/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 886.673 ca mắc COVID-19 trong đó có 21.551 ca tử vong và 725.482 bệnh nhân đã bình phục.
Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 4.000 ca/ngày. Trong khi đó, Malaysia ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao kỷ lục kể từ khi dịch bùng phát.
Ngày 24/10, Myanmar tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 4 con số, lên gần 44.000 ca nhiễm và 1.066 ca tử vong.
Malaysia lần đầu ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 4 con số
Ngày 24/10, Malaysia ghi nhận thêm 1.228 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức bốn con số. Số ca tử vong cũng tăng thêm 129, lên 13.205 trường hợp không qua khỏi.
Phát biểu với báo giới, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế Malaysia, Tiến sĩ Noor Hisham Abdullah cho biết bang Sabah tiếp tục là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 889 ca. Tiếp đó là bang Negri Sembilan (96 ca), Selangor (76 ca). Thủ đô Kuala Lumpur có 8 ca nhiễm mới. Cũng theo Tiến sĩ Noor Hisham, có 7 ca tử vong mới được báo cáo, trong đó có đến 6 ca là ở bang Sabah, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Malaysia lên 221 ca. Trong tổng số 25.742 bệnh nhân COVID-19 cho đến nay ở nước này chỉ còn 8.966 người đang phải điều trị.
Cùng ngày, Bộ trưởng cao cấp phụ trách lĩnh vực an ninh Ismail Sabri Yaakob thông báo, Lệnh Kiểm soát di chuyển có điều kiện (CMCO) được áp đặt tại bang Sabah từ ngày 13/10 sẽ được kéo dài đến ngày 9/11 thay vì kết thúc vào ngày 26/10 theo dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do số ca mắc COVID-19 mới tại bang này không giảm xuống, ngược lại còn tăng cao hơn trong những ngày qua, buộc Hội đồng An ninh quốc gia phải đưa ra quyết định nói trên.
Malaysia đang trong làn sóng COVID-19 thứ ba, bắt nguồn từ bang Sabah sau khi bang này tổ chức bầu cử Hội đồng bang hồi cuối tháng 9 vừa qua. Dịch bệnh từ địa phương này đã lây lan ra hầu hết các bang khác và là nguyên nhân khiến Chính phủ Malaysia quyết định áp đặt lệnh hạn chế di chuyển tại một số địa phương, gồm Sabah, Selangor, Kuala Lumpur và Putrajaya.
Philippines: Thêm trên 2.000 ca nhiễm, ca tử vong xuống thấp
Sau khi ghi nhận thêm 2.057 ca nhiễm mới trong ngày 24/10, Bộ Y tế Philippines thông báo tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 367.819 người, trong đó có 313.112 người đã hồi phục.
Số ca tử vong tại Philippines hiện là 6.934 ca, chỉ tăng 19 ca trong ngày 24/10.
Trong tuần này, số ca lây nhiễm hàng ngày đã được duy trì ở mức dưới 2.000 trong 4 ngày liên tiếp, trước khi bị phá vỡ vào ngày 24/10. Tuy nhiên hiện chưa rõ đây là dấu hiệu tiến triển hay là kết quả của việc năng lượng xét nghiệm giảm xuống.
Indonesia: Tình hình lây nhiễm chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Ngày 24/10, Indonesia ghi nhận 4.070 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 385.980 trường hợp. Cùng ngày, Indonesia cũng ghi nhận thêm 129 ca tử vong, nâng tổng ca tử vong lên 13.205 trường hợp không qua khỏi. Riêng thủ đô Jakarta ghi nhận tới 1.062 ca nhiễm mới.
Số ca hồi phục tại Indonesia đã lên tới 313.112 trường hợp. Cùng ngày, Indonesia thực hiện xét nghiệm cho 31.465 người, khiến số người được xét nghiệm đã lên tới 2.711.239.
Myanmar: Tiếp tục chuỗi ngày lây nhiễm "4 con số"
Myanmar ghi nhận 1.423 ca nhiễm mới trong ngày 24/10. Do đó con số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 43.788 người, trong đó có 1.066 ca tử vong và 23.708 người đã khỏi bệnh.
Singapore: 14 nhiễm mới, gồm 3 ca lây nhiễm địa phương
Singapore thông báo ghi nhận 14 ca COVID-19 mới, đưa con số ca bệnh tại nước này lên 57.965 người. Toàn bộ các ca lây nhiễm nhập cảnh đều được yêu cầu tự cách ly tại nhà.
Singapore đã lên kế hoạch tiêm chủng phòng COVID-19 cho một bộ phận dân số kể từ năm 2021. Những người có nguy cơ cao lây nhiễm sẽ được tiêm trước, như nhân viên y tế, các nhân viên trên các tuyến đầu. Singapore cũng đang tìm các nhà sản xuất mới và các ứng cử viên vaccine, và tiếp tục để ngỏ các lựa chọn của mình.
Singapore dự kiến bước sang giai đoạn 3 phòng chống dịch COVID-19 vào cuối năm 2020.