COVID-19 tại ASEAN hết 21/8: Toàn khối 9.684 người tử vong; Malaysia phát hiện ổ dịch mới

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 21/8, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 7.132 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong tăng lên trên 9.680 người.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia ngày 28/5/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong 24 giờ qua, khối ASEAN chỉ có hai quốc gia ghi nhận ca tử vong vì COVID-19 là Philippines và Indonesia. Indonesia dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân tử vong do đại dịch và bỏ xa các nước khác.

Philippines dịch bệnh tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, khi số ca mắc mới tại nước này tăng vọt và vượt qua cả Indonesia về số ca mắc/ngày cũng như tổng số bệnh nhân. Đây chính là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong số các nước ASEAN hiện nay.

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 9.684 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 141 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 402.519 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 284.644 trường hợp. Malaysia sau thời gian dài kiểm soát tốt dịch bệnh có vẻ vừa xuất hiện ổ dịch mới.

Toàn khối đang chứng kiến những diễn biến dịch mới đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới. Tuy nhiên, dù vẫn ghi nhận các ca mới, song tình hình dịch bệnh tại một số nước ASEAN – như Thái Lan hay Singapore - đang xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.

Số liệu dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 21/8:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Philippines 182.365 +4.786 2.940 +59 114.519
Indonesia 149.408 +2.197 6.500 +82 102.991
Singapore 56.216 +117 27   53.651
Malaysia 9.249 +9 125   8.945
Thái Lan 3.390 +1 58   3.219
Việt Nam 1.009 +2 25   545
Myanmar 419 +20 6   337
Campuchia 273       253
Brunei 143   3   139
Timor-Leste 25       25
Lào 22       20
Chú thích ảnh
 Người dân chờ làm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Giới chức y tế của Philippines ngày 21/8 cho biết đã ghi nhận 4.786 ca mắc mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, nâng tổng số ca mắc bệnh được xác nhận ở nước này kể từ khi dịch bệnh bắt đầu bùng phát lên 182.365 người, mức cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Theo Bộ Y tế Philippines, ngoài số ca mắc mới trên, số ca vong ở nước này cũng tăng thêm 59 ca, nâng tổng số ca tử vong lên 2.940 ca. Cũng theo bộ này, nguyên nhân khiến số ca mắc bệnh gia tăng là do chủng virus SARS-CoV-2 ở Philippines đã biến đổi thành một chủng mới hoạt động mạnh hơn.

Chính phủ Philippines đang khuyến khích người dân chuyển sang đi bộ và đạp xe trong hoạt động đi lại vào thời gian diễn ra dịch COVID-19 và thậm chí sau khi dịch bệnh kết thúc, nhằm giải quyết tình trạng hạn chế hoạt động của các dịch vụ giao thông công cộng và khuyến khích lối sống tích cực hơn, nhất là trong giai đoạn áp đặt lệnh phong tỏa.

Chú thích ảnh
 Một chốt kiểm tra y tế phòng dịch COVID-19 tại Manila, Philippines, ngày 12/8/2020. Ảnh: THX/TTXVN

Sắc lệnh hành chính được các Bộ, ngành của Philippines như Y tế, Giao thông, Nội vụ và Công trình công cộng, công bố ngày 20/8 nêu rõ: "Do mối đe dọa của dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra, điều cấp bách là các hình thức đi lại tích cực dành cho người đi làm bằng vé tháng trên các phương tiện công cộng, như đi bộ và đạp xe, cần được khuyến khích để họ có thể đến nơi làm việc một cách toàn".

Sắc lệnh cũng kêu gọi các cơ quan chính phủ trung ương và các chính quyền địa phương xây dựng các làn đường dành cho người đi xe đạp và người đi bộ, các cơ sở hạ tầng hỗ trợ như nơi để xe đạp và phòng thay đồ.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 21/8, Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận thêm 9 ca nhiễm virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.249 ca.

Đáng chú ý là ngoài 4 ca nhập cảnh, có 3 trong số 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận ở một nhà hàng tại thủ đô Kuala Lumpur, khiến nhà chức trách xác định đây là một ổ dịch mới. Trước đó, Malaysia tuyên bố đã khống chế được dịch.

Giới chức nước này cũng thông báo không có ca tử vong mới trong ngày 21/8. Ngoài ra, 13 ca đã bình phục và được xuất viện, 7 ca đang được điều trị tích cực.

Chú thích ảnh
 Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surakarta, Trung Java, Indonesia ngày 4/8/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Tại Indonesia, số liệu thống kê do Bộ Y tế nước này công bố cùng ngày, cho thấy đã có thêm 2.197 ca mắc mới COVID-19, đưa tổng số ca mắc ở Indonesia lên con số 149.408 ca, trong khi số ca tử vong tăng thêm 82 ca, lên 6.500 ca.

Nhiều người Indonesia được hỏi tỏ ra bi quan về cuộc chiến chống COVID-19. Viện khảo sát các chỉ số chính trị cùng ngày công bố có tới 64% số người được hỏi cho rằng sự lây lan của dịch COVID-19 ở Indonesia là khó có thể kiểm soát. Tuy nhiên, sự tin tưởng vào Tổng thống Joko Widodo tương đối cao.

Giám đốc Điều hành các chỉ số chính trị Burhanuddin Muhtadi ngày 20/8 cho biết 54,9% những người trả lời rằng sự lây lan của COVID-19 tại Indonesia ít khả năng được kiểm soát, 9,5% trả lời hoàn toàn không được kiểm soát, chỉ có 35,5% trả lời khả năng được kiểm soát.     

Chú thích ảnh
 Hành khách tại sân bay quốc tế Changi, Singapore. Ảnh: AFP/ TTXVN

Trong khi đó, Ủy ban liên Bộ đối phó với COVID-19 của Singapore ngày 21/8 đã quyết định tiếp tục nới lỏng hạn chế đi lại thông thường tới Brunei và New Zealand bắt đầu từ ngày 1/9 tới. Tuy nhiên, những người muốn đến hai nước này được khuyến cáo tìm hiểu kỹ các quy định nhập cảnh của nước sở tại và tự trang bị các biện pháp đảm bảo an toàn cần thiết.

Ngoài ra, những sinh viên học tập, nghiên cứu tại nước ngoài mà phương pháp học từ xa không được các nhà trường chấp nhận cũng sẽ được phép xuất cảnh. Ngược lại, Singapore cũng đang nới lỏng hạn chế nhập cảnh vào nước này. Những người từ Brunei hay New Zealand có ít nhất 14 ngày liên tục ở tại hai nước này trước khi nhập cảnh vào Singapore sẽ không phải cách ly tại nhà.

Chú thích ảnh
Điểm du lịch tại Singaore vắng khách. Ảnh: AFP

Thay vào đó, họ sẽ phải tiến hành xét nghiệm ngay sau khi xuống sân bay, và sẽ chỉ được tiến hành các hoạt động khác tại Singapore sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Họ cũng sẽ phải chịu các chi phí nếu phải điều trị bệnh COVID-19 trong thời gian ở Singapore.

Bên cạnh đó, những người nhập cảnh vào Singapore từ Australia (ngoại trừ bang Victoria), Việt Nam, Malaysia, Trung Quốc đại lục, và khu hành chính đặc biệt Macau và Đài Loan của Trung Quốc sẽ chỉ phải cách ly tại nhà trong 7 ngày thay vì 14 ngày như hiện tại. Họ cũng sẽ phải làm xét nghiệm COVID-19 vào cuối thời gian cách ly tại nơi cách ly.

Trong ngày 21/8, các nhà nghiên cứu Singapore đã phát hiện một biến thể mới của virus SARS-CoV-2 nhưng gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn và kích hoạt phản ứng miễn dịch mạnh hơn ở cơ thể người bệnh.

Biến thể trên, khả năng có nguồn gốc từ thành phố Vũ Hán (Wuhan), thuộc tỉnh Hồ Bắc (Hubei) của Trung Quốc, đã được phát hiện tại một ổ dịch bùng phát ở Singapore từ tháng 1 – 3/2020.

Virus này lây từ người sang người tại một vài ổ dịch ở Singapore trước khi bị “xóa sổ”. Các nhà khoa học cho biết phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với hoạt động bào chế thuốc điều trị và vaccine ngừa COVID-19.

Chú thích ảnh
 Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi mua sắm tại một khu chợ ở Bangkok, Thái Lan ngày 9/6/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong nỗ lực nhằm vực dậy ngành du lịch - vốn được coi là "xương sống" của ngành kinh tế, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bắt đầu từ tháng 10 tới, Thái Lan sẽ cho phép du khách nước ngoài có thể lưu trú tại hòn đảo du lịch nổi tiếng Phuket lâu hơn.

Phát biểu với báo giới ngày 21/8, người đứng đầu Cơ quan Du lịch Thái Lan Yuthasak Supasorn cho biết du khách có thể lưu trú tại Phuket trong ít nhất 30 ngày, trong đó có 14 ngày đầu phải tiến hành cách ly. Du khách cũng phải tiến hành 2 xét nghiệm trong quá trình cách ly trước khi có thể đi thăm đảo. Nếu muốn đi sang các khu vực khác của Thái Lan, du khách sẽ phải tiến hành thêm 1 xét nghiệm, và ở tại đây thêm 1 tuần.

Thái Lan đã trải qua gần 3 tháng không ghi nhận ca lây nhiễm COVID-19 nào trong cộng đồng. Nước này ghi nhận hơn 3.300 ca mắc COVID-19. Để khống chế sự lây lan của dịch bệnh, lực lượng đặc nhiệm ứng phó với đại dịch của Chính phủ Thái Lan cũng đã gia hạn tình trạng khẩn cấp thêm 1 tháng, cho đến hết tháng 9 tới.

“Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình, bảo vệ mọi người”
Link tải về ứng dụng Bluezone: trên Android; trên iOS Xem hướng dẫn cài Bluezone tại đây
Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 hết 20/8 tại ASEAN: Singapore dập xong ổ dịch lao động nhập cư; Thái Lan phủ nhận làn sóng thứ 2
COVID-19 hết 20/8 tại ASEAN: Singapore dập xong ổ dịch lao động nhập cư; Thái Lan phủ nhận làn sóng thứ 2

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 20/8, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là 395.827, trong đó 9.545 người tử vong. Singapore đã xử lý thành công ổ dịch ở khu nhà của người lao động nhập cư.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN