Trong 24 giờ qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Thái Lan, Campuchia, Malaysia và Timor Leste.
Tại ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á là Indonesia, tình hình dịch bệnh tại “quốc gia vạn đảo” tiếp tục đà hạ nhiệt so với 1 tháng trước đây, khi số ca mắc mới bắt đầu giảm và số ca tử vong không quá cao. Song trong 1 ngày qua, Indonesia vẫn là nước có số ca tử vong cao nhất Đông Nam Á và số ca bệnh mới nhiều thứ ba.
Trong khi đó, diễn biến dịch đang trở lại và bùng phát nghiêm trọng ở Philippines, biến nước này thành ổ dịch đang nóng nhất khu vực. Dịch diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày cao hơn cả ổ dịch nghiêm trọng nhất là Indonesia và cao thứ ba trong số các nước Đông Nam Á, trong khi số ca tử vong đứng thứ hai toàn khối.
Malaysia tình hình vẫn vô cùng đáng quan ngại, làn sóng dịch mới đã kéo dài và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Malaysia đang chứng kiến xu thế dịch leo thang trở lại do số ca mắc mới/ngày tăng nhanh mấy ngày qua. Ngày 21/5, Malaysia ghi nhận số ca bệnh mới cao nhất khu vực, đồng thời số ca tử vong cũng ở mức đáng ngại với 50 trường hợp không qua khỏi.
Còn tại Myanmar, theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ qua ghi nhận 28 ca mắc COVID-19 và không có ca tử vong.
Thái Lan cũng đối mặt với tình hình đáng quan ngại khi số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao trong mấy ngày gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 21/5 ghi nhận thêm trên 3.481 ca bệnh mới, trong khi số ca tử vong tăng mạnh là 32 người.
Campuchia dịch bệnh đang gia tăng nhanh chóng và đáng ngại khi nước này có 460 bệnh nhân mới và 1 ca tử vong trong ngày 21/5. “Sự cố cộng đồng” mới đây bắt đầu có xu thế hạ nhiệt, số bệnh nhân mắc mới có xu thế chững lại. Hiện nay, Campuchia đang hứng chịu tình trạng dịch bệnh nghiêm trọng nhất kể từ đầu dịch, buộc nước này phải áp đặt lệnh phong tỏa tại nhiều khu vực, tỉnh thành.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 75.190 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 412 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 3.799.272 ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 3.642.748 trường hợp.
Toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các dịch đợt mới ở nhiều nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 10/11 nước ASEAN ghi nhận các ca COVID-19 mới. Brunei lại ghi nhận ca tử vong sau một thời gian lắng dịch.
Diễn biến dịch tại Đông Nam Á ngày 21/5:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
1,764,644 |
+5,746 |
49,073 |
+186 |
1,626,142 |
Philippines |
1,171,403 |
+6,258 |
19,763 |
+141 |
1,096,109 |
Malaysia |
498,795 |
+6,493 |
2,149 |
+50 |
444,540 |
Myanmar |
143,211 |
+28 |
3,216 |
|
132,169 |
Thái Lan |
123,066 |
+3,481 |
735 |
+32 |
79,504 |
Singapore |
61,770 |
+40 |
32 |
|
61,242 |
Campuchia |
24,157 |
+460 |
165 |
+1 |
16,524 |
Timor-Leste |
5,287 |
+172 |
11 |
|
2,807 |
Việt Nam |
4,941 |
+132 |
41 |
+2 |
2,689 |
Lào |
1,763 |
+12 |
2 |
|
800 |
Brunei |
235 |
|
3 |
|
222 |
Tại Campuchia, tối 21/5, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng ra thông báo về việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm phòng chống dịch COVID-19 tại “Khu vực Vàng” áp dụng từ 20h đến 3h sáng hôm sau.
Thông báo của Đô trưởng Phnom Penh xác nhận dỡ bỏ lệnh cấm bán đồ uống có cồn tại thủ đô từ ngày 22/5/2021; các hoạt động kinh doanh gồm phục vụ cafe, nhà hàng và các chợ có thể cho phép khách được ngồi và ăn uống bình thường tại các cửa hàng nhưng phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch do Bộ Y tế Campuchia quy định, trong đó có việc yêu cầu tất cả các khách hàng phải dùng điện thoại di động quét mã truy vết QR “Stop COVID” trước khi vào.
Các khách hàng phải đeo khẩu trang phòng dịch, đo thân nhiệt và tuân thủ các biện pháp phòng dịch khác. Tuy nhiên, một số hoạt động kinh doanh như câu lạc bộ giải trí, vũ trường, rạp chiếu phim, trung tâm thể thao, bảo tàng vẫn đóng cửa cho tới khi có thông báo mới.
Việc dỡ bỏ lệnh giới nghiêm ban đêm tại Phom Penh được đưa ra khá bất ngờ vì trước đó một ngày, hôm 20/5, chính quyền thủ đô Phnom Penh của Campuchia đã ra quyết định gia hạn lệnh giới nghiêm trong thành phố thêm một tuần, từ ngày 20-27/5, để hạn chế nguy cơ lây lan dịch COVID-19.
Lệnh giới nghiêm ban đêm tại Phnom Penh (từ 20h đến 5h sáng hôm sau) được áp dụng từ ngày 1/4/2021 sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ký ban hành một nghị định mới về các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, trong đó quy định một số hạn chế đối với người dân và hoạt động kinh doanh, bao gồm lệnh giới nghiêm tại một số khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh.
Theo thông cáo báo chí ngày 21/5, Bộ Y tế Campuchia ghi nhận 460 ca nhiễm mới COVID-19 trong ngày, trong đó có 15 ca nhập cảnh. Tính đến nay Campuchia đã có 24.157 bệnh nhân COVID-19, trong đó 16.524 người được điều trị bình phục và 165 ca tử vong.
Trung tâm Xử lý tình hình COVID-19 (CCSA) của Thái Lan đã gia hạn tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc thêm 2 tháng, từ ngày 1/6 đến ngày 31/7. Đây là lần thứ 12 Thái Lan gia hạn tình trạng khẩn cấp để phòng chống đại dịch COVID-19.
Số liệu ngày 21/5 của CCSA cho biết Thái Lan ghi nhận thêm 3.481 ca mắc mới và 32 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Thủ đô Bangkok vẫn là địa phương có nhiều ca nhiễm mới nhất với 1.036 ca, tiếp theo là các tỉnh Samut Prakan (457 ca), Nonthaburi (163 ca), Pathum Thani (162 ca) và Chonburi (127 ca).
Trong số các ca mắc mới, có 15 ca nhiễm biến thể được phát hiện đầu tiên ở Ấn Độ. Họ là những công nhân xây dựng tại Bangkok và cũng là những trường hợp đầu tiên được phát hiện nhiễm biến thể này trong cộng đồng.
Tính đến ngày 21/5, Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 123.066 ca nhiễm, trong đó 735 ca tử vong. Đến nay, nước này cũng đã tiêm được 2.648.256 liều vaccine ngừa COVID-19.
Chiều 21/5, Bộ Y tế Lào cho biết nước này ghi nhận thêm 12 ca mắc mới bệnh COVID-19, trong đó 5 ca lây nhiễm trong cộng đồng, số còn lại là các ca nhập cảnh và được cách ly ngay.
Viêng Chăn, đây là số ca nhiễm trong cộng đồng thấp nhất tại Lào trong gần 30 ngày qua, điều này cho thấy các chính sách phòng, chống dịch bệnh quyết liệt của chính phủ cũng như sự tuân thủ nghiêm ngặt của người dân đã và đang đem lại hiệu quả. Tuy nhiên, trước những diễn biến phức tạp của dịch bệnh trong khu vực, đặc biệt là tại các nước láng giềng, cùng việc nhiều F0 không thể truy vết, Chính phủ Lào ngày 20/5 đã quyết định kéo dài thời hạn phong tỏa trên cả nước từ ngày 21/5-4/6.
Tuy nhiên, khác với những lần phong tỏa trước, lệnh phong tỏa lần này được áp dụng theo màu sắc Đỏ, Vàng và Xanh.
Theo đó chỉ những nơi nào thuộc vùng Đỏ mới bị áp dụng tăng cường các quy định phòng ngừa dịch bệnh nghiêm ngặt, trong khi các vùng Xanh được nới lỏng quy định đi lại và vận chuyển nhằm giảm thiểu thiệt hại tới các hoạt động kinh tế-xã hội và đời sống của người dân\Đến nay, Lào đã ghi nhận tổng cộng 1.763 ca bệnh, trong đó 800 người đã bình phục và 2 ca tử vong.