Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/2, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 12.855 ca mắc COVID-19 và 411 ca tử vong.
Như vậy, các nước ASEAN hiện ghi nhận tổng cộng 2.341.565 ca mắc COVID-19 trong đó có 50.779 ca tử vong và 2.053.966 bệnh nhân đã bình phục.
Trong 24 giờ qua, khu vực Đông Nam Á có 3 quốc gia ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 trong đó Philippines bất ngờ dẫn đầu với 239 ca, tăng mạnh so với những ngày trước đó, vượt qua cả Indonesia (với 164 ca) và Malaysia với 8 ca tử vong.
Tuy nhiên, với 8.054 ca nhiễm mới Indonesia vẫn đang chứng kiến tốc độ lây lan nhanh. Nước này tiếp tục là ổ dịch COVID-19 nghiêm trọng nhất trong các nước ASEAN với số ca tử vong lên tới trên 34.300 người, trong tổng số 1.271.353 ca bệnh.
Tình hình Malaysia vẫn căng thẳng với 2.461 ca nhiễm mới trong ngày 20/2. Trong khi đó, Thái Lan đang dần khống chế được dịch với 82 ca nhiễm mới; Singapore chỉ ghi nhận thêm 12 ca.
Các quốc gia Campuchia, Brunei, Timor Leste, Lào không ghi nhận ca nhiễm mới nào.
Campuchia nhanh chóng đối phó với làn sóng 3
Theo báo Khmer Times, sau khi Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen sáng 20/2 xác nhận bùng phát đợt lây nhiễm cộng đồng COVID-19 lần thứ ba tại nước này, Bộ Giáo dục Campuchia đã ra thông báo về các biện pháp mới chống COVID-19 trong các trường học, trong đó có quy định tránh tập trung trên 20 học sinh và tiếp tục các tiêu chuẩn an toàn phòng dịch.
Thông báo cùng ngày của Bộ Giáo dục Campuchia đề nghị giới chức giáo dục tăng cường các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 lây lan và yêu cầu các nhà quản lý trường học báo cáo cho các nhà chức tránh về bất kỳ trường hợp nào có liên quan đến “Sự cố cộng đồng ngày 20/2”. Hồi tháng trước, Campuchia vừa bắt đầu năm học mới 2020-2021 trong bối cảnh dịch COVID-19 ở nước này tạm yên.
Tuy nhiên, Thủ tướng Hun Sen cho biết hiện chưa có kế hoạch đóng cửa lập tức các trường học hay hủy sự kiện do đợt lây nhiễm COVID-19 cộng đồng lần thứ ba ở thủ đô Phnom Penh, đồng thời kêu gọi người dân tuân thủ các biện pháp an toàn mà Bộ Y tế và Chính phủ Campuchia đề ra.
Cùng ngày, Bộ Y tế và chính quyền thủ đô Phnom Penh lên tiếng kêu gọi tất cả những ai tới quán bar N8 Club ở đảo Koh Pich (Phnom Penh) trong thời gian từ 4/2-19/2 hoặc liên quan trực tiếp đến “Sự cố cộng đồng ngày 20/2” phải cách ly 14 ngày và đi xét nghiệm virus SARS-CoV-2 tại Trung tâm Y tế Chak Angre ở thủ đô.
Quốc vụ khanh Bộ Y tế Campuchia Youk Sambath nói rằng tất cả những người có liên quan nên thực hiện yêu cầu trên để tránh dịch COVID-19 lan rộng trong cộng đồng ở Phnom Penh.
Sáng 20/2, các cơ quan chức năng Campuchia đã phát hiện 32 ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại thủ đô Phnom Penh, chủ yếu trong khu vực đảo Koh Pich và một khu chung cư gần sân vận động Olympic. Theo thông tin ban đầu, đợt lây nhiễm COVID-19 lần thứ ba này có liên quan tới một số trường hợp đang cách ly tại khách sạn Sokha nhưng cố tình trốn ra ngoài và lưu trú trong một loạt các chung cư tại thủ đô Phnom Penh.
Cho đến 2 giờ sáng 20/2, một số khu chung cư tại thủ đô Phnom Penh và đặc biệt là khu đảo Koh Pich, quán bar N8 Club, các nhà hàng gần khu vực có người lây nhiễm đã bị phong tỏa.
Indonesia kéo dài các biện pháp phòng dịch tại Java và Bali
Cùng ngày, ông Airlangga Hartarto, Chủ tịch Ủy ban ứng phó địch COVID-19 và hồi phục kinh tế quốc gia của Indonesia, cho biết nước này đã gia hạn các biện pháp hạn chế đối với các hoạt động cộng đồng nhỏ lẻ tại Java và Bali đến ngày 8/3 tới.
Theo quan chức này, các biện pháp kiểm soát dịch đã phát huy hiệu quả, giúp giảm đáng kể tỷ lệ lây nhiễm. Theo thống kê chính thức, xu hướng các ca mắc mới tại 5 tỉnh của Indonesia gồm Jakarta, Banten, Tây Java, Yogyakarta và Đông Java đã có chiều hướng giảm.
Trước đó, chính quyền thành phố Jakarta của Indonesia cảnh báo sẽ phạt tới 5 triệu rupiah (356,89 USD) đối với những công dân không chịu tiêm vaccine phòng ngừa bệnh COVID-19. Đây là mức phạt cao nhằm buộc người dân phải tuân thủ quy định tiêm phòng bắt buộc.
Trong chương trình tiêm chủng quốc gia ngừa dịch COVID-19 được khởi động hồi tháng trước, Indonesia đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 181,5 triệu người trong tổng số 270 triệu dân ở nước này trong vòng 15 tháng.
Malaysia: Ca hồi phục đang vượt ca nhiễm mới
Theo báo Straits Times, số bệnh nhân COVID hồi phục tại Malaysia đang vượt qua số ca nhiễm mới trong ngày thứ 9 liên tiếp. Do đó, tổng số ca bệnh đang được điều trị hiện đã giảm xuống 36.797. Trước đó, vào ngày 11/2, số ca bệnh đang điều trị tại Malaysia ở mức cao kỷ lục là 51.783.
Con số bệnh nhân mới gần về mức trước khi áp đặt lệnh Kiểm soát di chuyển (MCO), khi ca điêu trị là 30.390 vào ngày 12/1.
Trong khi đó, Cảnh sát trưởng Malaysia cho biết an ninh sẽ được siết chặt tối đa tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur khi lô vaccine ngừa COVID đầu tiên về đến nước này trong ngày 21/2.
Malaysia sẽ nhận 1 triệu liều vaccine Pfizer/BioNTech và chương trình tiêm chủng sẽ bắt đầu từ 26/2.