Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/11, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 26.494 ca mắc mới COVID-19 và 402 ca tử vong. Tổng số ca bệnh hiện đã lên tới 13.765.521 trường hợp và 288.416 ca tử vong. Toàn khối có 13.045.052 bệnh nhân đã bình phục.
Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á tiếp tục xu thế giảm nhiệt ở nhiều quốc gia. Ca nhiễm mới ở Philippines giảm đáng kể so với thời kỳ đỉnh cao, chỉ còn 1474 ca trong ngày 20/11. Tuy nhiên, số ca tử vong vẫn ở mức cao so với ca nhiễm, với 205 ca trong ngày. Từ ngày 5/11, Philippines đã dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch đối với các hoạt động phổ biến tại quốc gia này như karaoke và bóng rổ cũng như mở cửa trở lại các trường đại học tại thủ đô Manila.
Cùng ngày, Việt Nam ghi nhận 9.531 ca nhiễm mới, đứng đầu khu vực và 107 ca tử vong mới, đưa tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 23.685 người. Cho đến nay, nước ta đã có 900.337 ca hồi phục.
Thái Lan đứng thứ hai khu vực về ca nhiễm mới, với 6.595 ca trong 24 giờ qua. Nước này đã mở cửa đón du khách quốc tế đã tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 từ đầu tháng 11. Tuy nhiên, tình hình dịch phức tạp đã khiến Chính phủ Thái Lan ngày 12/11 đã quyết định lùi thời điểm mở lại các địa điểm giải trí vào ban đêm trên toàn quốc cho tới ít nhất là giữa tháng 1/2022 do lo ngại việc mở lại những địa điểm này có thể dẫn tới bùng nổ lây nhiễm mới. Bên cạnh đó, Thái Lan cũng đã mở lại hai cửa khẩu biên giới với Malaysia từ ngày 15/11.
Diễn biến dịch vẫn phức tạp tại Malaysia, với ca nhiễm mới trồi sụt quanh khoảng 5.000-6.000 ca. Gần 95% dân số trưởng thành tại Malaysia đã hoàn thành tiêm vaccine ngừa COVID-19. Có 2,54 triệu trẻ vị thành niên từ 12-17 tuổi - tương đương 80,8% nhóm dân số độ tuổi này - đã tiêm ít nhất một mũi vaccine.
Trong khi đó, Campuchia đã thông báo miễn cách ly đối với tất cả du khách đã tiêm phòng COVID-19 đầy đủ muốn tới thăm nước này kể từ ngày 15/11. Tất cả khách đã tiêm phòng đầy đủ có thể đến Campuchia bằng đường bộ, đường không và đường thủy và không cần cách ly, với điều kiện khách cần có giấy chứng nhận đã tiêm phòng hai mũi và có kết quả xét nghiệm PCR âm tính trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh. Có hai loại giấy tờ trên, du khách chỉ cần xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu và có thể tự do đi lại sau khi nhận kết quả xét nghiệm nhanh âm tính.
Singapore bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế
Với số ca mắc mới COVID-19 theo ngày có chiều hướng giảm, Singapore đã quyết định kết thúc “giai đoạn bình ổn”, được triển khai từ ngày 27/9 tới nay sau khi dịch tái bùng phát do mở cửa, và bước vào giai đoạn 2 mở cửa nền kinh tế.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, thông báo trên được Lực lượng liên bộ đặc trách COVID-19 (MTF) của nước này đưa ra trong một cuộc họp báo ngày 20/11. Cụ thể, "giai đoạn bình ổn" tại Singapore sẽ kết thúc vào ngày 21/11 và giai đoạn 2 - được gọi là "giai đoạn chuyển tiếp", trong đó nới lỏng một số biện pháp giãn cách xã hội - sẽ bắt đầu tiếp ngay sau đó.
Singapore bắt đầu mở cửa nền kinh tế theo “4 giai đoạn” từ ngày 10/8 vừa qua, trong đó giai đoạn 1 là giai đoạn chuẩn bị, kế tiếp là giai đoạn 2 còn được gọi là "Giai đoạn chuyển tiếp A", với việc tăng số người tham gia các sự kiện, mở cửa đường biên giới hơn nữa. Nếu thuận lợi, Singapore sẽ bước vào giai đoạn 3 là "Giai đoạn chuyển tiếp B" và giai đoạn cuối cùng là trở thành “Quốc gia kiên cường trước dịch COVID-19”.
Số ca nhiễm mới theo ngày có chiều hướng giảm trong những ngày qua và bình ổn ở mức dưới 3.000 ca/ngày. Số liệu theo dõi 28 ngày qua cho thấy 99% số ca nhiễm chỉ có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng và phần lớn hồi phục tại nhà. Số ca phải điều trị tại viện chỉ chiếm 0,8%, trong khi số ca phải điều trị tích cực (ICU) chiếm 0,2%.
Đáng chú ý, số trẻ em dưới 12 tuổi (chưa được tiêm vaccine) mắc COVID-19 có chiều hướng gia tăng, chiếm 11,2% số ca nhiễm mới tại thời điểm ngày 19/11. Trước đó 1 tháng, tỷ lệ số ca nhiễm mới dưới 12 tuổi chỉ chiếm 6,7%. Giám đốc Dịch vụ Y tế - Phó Giáo sư Kenneth Mak cho biết Singapore có thể sẽ triển khai tiêm chủng cho trẻ dưới 12 tuổi vào tháng 1/2022.
Singapore hiện đạt tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19 là 85% tổng dân số. Nếu tính trên số người đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, tỷ lệ này là 94%. Ngày 19/11, Singapore ghi nhận 1.734 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 248.587 ca và số ca tử vong kể từ khi dịch bùng phát đầu năm 2020 tới nay là 641 ca
Lào tiêm vaccine cho thanh thiếu niên
Chính phủ Lào mới đây đã cho phép tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho thanh thiếu niên từ 12-17 tuổi để có thể sớm mở cửa trở lại các trường học trên cả nước sau thời gian dài đóng cửa do đại dịch COVID-19.
Bên cạnh việc đẩy nhanh tiến trình tiêm vaccine cho thanh thiếu niên, Bộ Giáo dục và Thể thao Lào hiện cũng đang gấp rút soạn thảo 10 điều kiện và các biện pháp liên quan đến kiểm soát COVID-19 trong trường học để có thể sớm mở lại các trường trên cả nước sau thời gian dài phải đóng cửa do đại dịch.
Bộ Y tế Lào ngày 20/11 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.344 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 61.239 trường hợp. Trong 24 giờ qua có thêm 7 trường hợp tử vong do COVID-19, nâng tổng số ca tử vong từ đầu dịch đến nay lên 126 người.
Lào liên tiếp ghi nhận số ca mắc mới ở mức 4 con số trong 5 ngày qua. Riêng ngày 20/11, số ca mắc mới đã tăng 247 ca so với ngày trước đó, trong đó chỉ có 3 trường hợp nhập cảnh được cách ly ngay, còn lại là các ca lây nhiễm trong cộng đồng ghi nhận tại tất cả 18 tỉnh, thành. Tại thủ đô Viêng Chăn, số ca cộng đồng cũng tiếp tục tăng cao với 636 trường hợp, đứng đầu cả nước, và tăng 176 ca so với ngày 19/11. Đáng chú ý, tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại một số tỉnh, trong đó có Luang Prabang, Viêng Chăn...
Trước tình hình trên, Bộ Y tế Lào đã cho phép tiêm kết hợp vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh nguồn cung một số loại vaccine không còn để tiếp tục tiêm mũi thứ 2.
Thái Lan chuẩn bị vaccine cho năm 2022
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết nước này sẽ có ít nhất 90 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 vào năm tới. Phát biểu ngày 19/11 sau một hội nghị về cách thức Thái Lan xử lý tình hình dịch bệnh trong năm tài chính 2022, ông Anutin cho rằng tình hình dịch COVID-19 ở quốc gia Đông Nam Á này đã cải thiện và Thái Lan có đủ vaccine cho năm nay. Theo ông Anutin, chính phủ vẫn đang đặt mục tiêu đạt được mốc 100 triệu liều trong tháng này.
Dự kiến, vào năm tới, Thái Lan sẽ có ít nhất 90 triệu liều vaccine, gồm 60 triệu liều của hãng AstraZeneca và 30 triệu liều của hãng Pfizer. Ngoài ra, Thái Lan cũng sẽ có thêm vaccine của hãng Novavax và các loại vaccine được sản xuất trong nước do Đại học Chulalongkorn, Tổ chức dược phẩm chính phủ (GPO) và Công ty Baiya Phytopharm phát triển.
Thủ tướng Prayut Chan-o-cha đã bày tỏ lo ngại rằng còn có hơn 11 triệu người, chiếm 17% dân số, ở Thái Lan vẫn chưa tiêm chủng. Ông Anutin cho biết Cục Kiểm soát dịch bệnh, sở y tế các tỉnh và các tỉnh trưởng sẽ xúc tiến việc tiêm chủng để đảm bảo những người này đi tiêm chủng muộn nhất vào tháng tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Thanakorn Wangboonkongchana cho rằng tỷ lệ tiêm chủng ở Thái Lan đã chậm lại do một số người đang chờ đợi những loại vaccine thay thế.
Trung tâm xử lý tình hình COVID-19 của Chính phủ Thái Lan (CCSA) đã đặt mục tiêu mới phải đạt được trước cuối năm nay là 80% dân số được tiêm ít nhất 1 mũi và 70% dân số được tiêm đủ 2 mũi.
Tính đến ngày 19/11, Thái Lan đã tiêm được tổng cộng 88,33 triệu liều vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 46,47 triệu liều là mũi đầu tiên (chiếm 64,5% dân số), 38,83 triệu liều là mũi thứ hai (53,9% dân số) và 3,03 triệu liều là mũi tiêm tăng cường (4,2% dân số).
Campuchia: Tình hình dịch bệnh ổn định
Tại Campuchia, đã 9 tháng trôi qua kể từ “sự cố cộng đồng ngày 20/2” làm bùng phát làn sóng dịch bệnh thứ 3 khiến gần 3.000 người thiệt mạng và nền kinh tế lao đao, tình hình dịch COVID-19 ở nước này hiện nay về cơ bản đã ổn định, với số ca mắc mới ở mức 2 con số mỗi ngày.
Theo phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, dựa vào tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến theo chiều hướng khả quan, Chính phủ Campuchia đã mở cửa trở lại du lịch và kinh doanh, đồng thời quản lý điều trị các ca bệnh có triệu chứng nhẹ tại nhà.
Trong thông cáo ngày 20/11, Bộ Y tế Campuchia xác nhận có 40 ca mắc mới trong 24 giờ qua và có thêm 5 ca tử vong, trong đó có 3 ca chưa tiêm phòng.
Tính đến ngày 19/11, Campuchia đã tiêm vaccine phòng COVID-19 cho 14.089.134 người thuộc 4 nhóm tuổi (từ 18 tuổi trở lên, 12-17 tuổi, 6-12 tuổi và 5 tuổi), tương đương 88,06% tổng số dân khoảng 16 triệu người, trong đó trên 13,2 triệu người đã tiêm 2 mũi và hơn 2,1 triệu người đã được tiêm mũi tăng cường.
Campuchia đặt mục tiêu tiêm phòng COVID-19 cho 91% dân số (tương đương 14,5 triệu người), đạt tỷ lệ bao phủ vaccine cao nhất thế giới, đồng thời thực hiện mở cửa hoàn toàn các lĩnh vực kinh tế vào cuối tháng 11 này.