COVID-19 tại ASEAN hết 20/10: Myanmar, Malaysia ngày càng căng thẳng, Philippines 'giảm nhiệt'

Tính tới 23 giờ 59 phút ngày 20/10, các nước ASEAN ghi nhận thêm 7.419 ca mắc COVID-19 so với 1 ngày trước, trong khi tổng số ca tử vong đã lên tới trên 20.600 người.

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Kuala Lumpur, Malaysia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến hết ngày 20/10, các nước ASEAN ghi nhận tổng cộng 853.590 ca mắc COVID-19 trong đó có 20.687 ca tử vong và 700.349 bệnh nhân đã bình phục.

Indonesia tiếp tục dẫn đầu khu vực về số ca nhiễm mới, với trên 3.600 ca/ngày. Trong khi đó, hai "điểm nóng" mới tại khu vực là Myanmar và Malaysia đều ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức cao. Myanmar hiện đã vượt 37.000 ca nhiễm và trên 900 ca tử vong.

Các quốc gia còn lại trong khối như Singapore, Thái Lan, Campuchia chỉ ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 1 con số, trong khi Việt Nam, Brunei, Timor Leste và Lào không có ca nhiễm mới nào trong ngày 20/10.

Chú thích ảnh
 Biểu đồ tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại các nước ASEAN đến hết ngày 20/10/2020 (Theo số liệu của worldometers.info).  
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại Malaysia. Ảnh: Straits Times

Philippines cắt bớt giờ giới nghiêm, mở cửa hơn nền kinh tế

Chính phủ Philippines đã cắt ngắn giờ giới nghiêm tại thủ đô Manila và nới lỏng lệnh ở yên tại nhà nhằm mở cửa hơn nữa nền kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh tại nước này đang có xu hướng giảm nhiệt.

Lệnh giới nghiêm tại hầu hết các vùng của thủ đô từ nay sẽ chỉ từ 0h00 đến 4h00, so với trước là từ 22h00 đến 5h00 sáng hôm sau. Theo công bố của Bộ trưởng Nội vụ Eduardo Ano, người dân từ 15-65 tuổi sẽ được phép ra khỏi nhà tại các khu vực đang thực hiện cách ly cộng đồng sửa đổi, phần lớn đã được nới lỏng khỏi các hạn chế di chuyển. Trước đó, độ tuổi được phép nới lỏng là 21-60 tuổi. Ở vùng thủ đô, khung độ tuổi ban đầu được điều chỉnh xuống 18-65, và hiện tại tiếp tục được mở rộng hơn.

Chú thích ảnh
Philippines giảm giờ giới nghiêm, cho phép nhiều người tự do ra khỏi nhà hơn nhằm mở cửa thêm nền kinh tế. Ảnh: AFP

Những thay đổi trên là nhằm đáp lại yêu cầu từ Nội các Philippines về việc mở cửa hơn nữa cho các hoạt động kinh tế.

Trong ngày 20/10, Philippines ghi nhận 1.640 ca nhiễm mới, chưa bằng một nửa so với Indonesia, trong đó có 17 ca tử vong. Tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 360.775 trường hợp, với 310.642 ca đã hồi phục.

Chỉ số chứng khoán Philippines ngày 20/10 đã tăng 1,2%, trong khi đồng peso tăng nhẹ lên 47,580 / 1 USD. Các thị trường địa phương cũng phản ứng tích cực với những biện pháp mới. "Nó mở đường cho động cơ kinh tế tăng ga trở lại", ông Jonathan Ravelas, nhà chiến lược thị trường tại Ngân hàng BDO Unibank ở Manila nhận xét. 

Myanmar và Malaysia diễn biến căng thẳng

Ngày 20/10, Myanmar ghi nhận 1.297 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca bệnh lên 38.502 người, trong đó có 945 ca tử vong. Quốc gia đã điều trị thành công cho 18.863 ca bệnh.

Trong khi đó, Malaysia tiếp tục chuỗi ngày liên tiếp ghi nhận ca mắc mới ở mức 800-900 trường hợp. Trong ngày 20/10 nước này báo cáo có 862 ca nhiễm mới và tổng ca bệnh hiện là 22.225, bao gồm 14.531 ca bình phục.

Chú thích ảnh
Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Yangon, Myanmar ngày 16/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Thái Lan dự kiến tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 vào giữa năm 2021

Ngày 20/10, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) của Thái Lan cho biết nước này có thể nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sớm nhất là vào tháng 6/2021, nếu loại vaccine do AstraZeneca phát triển được phê duyệt để triển khai hàng loạt.

Viện trưởng NVI Nakorn Premsri cho biết Tập đoàn Siam Bioscience của Thái Lan đã được hãng dược phẩm AstraZeneca lựa chọn làm đối tác khu vực để sản xuất vaccine cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Thái Lan có khả năng sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 6 nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ. Tuy nhiên, điều này không bao gồm tất cả lượng vaccine mà Thái Lan cần, nên Bangkok có thể thỏa thuận với các công ty dược phẩm khác để cung cấp vaccine cho ít nhất một nửa dân số.

Chú thích ảnh
Một điểm xét nghiệm COVID-19 trên đường Khao San ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Tập đoàn Siam Bioscience và AstraZeneca dự kiến sẽ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ vào cuối tháng tới. Để việc tiêm chủng hàng loạt có hiệu quả, Thái Lan sẽ cần tới 66 triệu liều vaccine cho 33 triệu người. Siam Bioscience cho biết tập đoàn này có khả năng đáp ứng 20% nhu cầu vaccine nói trên.

 Singapore xét nghiệm nhanh COVID-19 trong các lễ cưới và hội nghị

Singapore có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp, trong bối cảnh nước này đang tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Indonesia, ngày 22/9/2020. Ảnh: THX/ TTXVN

Các nước trên thế giới đang hướng đến hình thức xét nghiệm kháng thể, vốn có thể cho kết quả trong vài phút, nhưng không chính xác bằng các xét nghiệm PCR. Tuy nhiên, hiện không có đủ các bộ xét nghiệm PCR để tiến hành xét nghiệm trên diện rộng. Khi bùng phát dịch đầu năm nay, Singapore là một trong những nước ghi nhận số ca nhiễm cao nhất tại châu Á. Sua nhiều nỗ lực, trong những tuần gần đây, tỷ lệ nhiễm mới hằng ngày ở nước này đã giảm đáng kể, ở mức một con số.

Ngày 20/10, Bộ Y tế Singapore cho biết từ nay đến hết năm, bộ sẽ xác định các sự kiện cần phải tiến hành các xét nghiệm nhanh đối với những người tham dự, như các sự kiện thể thao, hội nghị doanh nghiệp, lễ cưới hoặc các cuộc biểu diễn... Theo bộ trên, người dân phải chấp nhận "sự bất tiện này vì sự cần thiết phải nối lại các hoạt động kinh tế và xã hội".

Chú thích ảnh
Đo thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID1-19 tại sân bay Don Mueang ở thủ đô Bangkok, Thái Lan, ngày 12/10/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Hiện Singapore đang siết chặt các quy định giãn cách xã hội. Các cuộc gặp mặt nơi công cộng được giới hạn ở mức 5 người. Nhà chức trách hy vọng nâng mức giới hạn này lên 8 người trong thời gian tới nếu số ca nhiễm mới không tăng. Hiện các lễ cưới và sự kiện tôn giáo được phép có 100 người tham dự. Singapore cũng thông báo kế hoạch sử dụng ứng dụng truy vết tiếp xúc và khai báo sức khỏe bắt buộc tại nhiều địa điểm tổ chức sự kiện trong thời gian tới, đồng thời tìm cách sử dụng rộng rãi hơn một công nghệ khác nhằm tăng cường phòng dịch.

Thu Hằng/Báo Tin tức
Singapore áp dụng xét nghiệm nhanh COVID-19 trong các lễ cưới và hội nghị
Singapore áp dụng xét nghiệm nhanh COVID-19 trong các lễ cưới và hội nghị

Singapore có kế hoạch áp dụng xét nghiệm nhanh virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại các lễ cưới và các hội nghị doanh nghiệp, trong bối cảnh nước này đang tìm cách nhanh chóng mở cửa trở lại nền kinh tế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN