Chính phủ Anh cho biết sẽ đầu tư 33,6 triệu bảng (43,5 triệu USD) cho các nghiên cứu có sự phối hợp với trường Imperial College London, cùng công ty hVIVO chuyên cung cấp các dịch vụ phòng thí nghiệm - thử nghiệm, và Quỹ Royal Free London NHS Foundation Trust.
Nếu được các cơ quan chức năng phê chuẩn, các nghiên cứu trên sẽ được tiến hành vào tháng 1/2021 và các kết quả thử nghiệm dự kiến được công bố sau đó 4 tháng.
Cùng ngày, phòng thí nghiệm thứ hai tại Anh đã gia nhập mạng lưới phòng thí nghiệm toàn cầu đánh giá dữ liệu các loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 do Liên minh Đổi mới sáng tạo sẵn sàng cho dịch bệnh (CEPI) tạo lập nhằm xác định tính hiệu quả của các "ứng cử viên" vaccine.
Đầu tháng 10 này, CEPI đã thiết lập mạng lưới phòng thí nghiệm nói trên, qua đó cho phép các nhà khoa học và các nhà sản xuất dược phẩm so sánh các loại vaccine và đẩy nhanh tốc độ lựa chọn những vaccine hiệu quả nhất.
Cơ quan Quản lý Dược phẩm của Anh (MHRA) cho biết Viện Quốc gia về tiêu chuẩn và kiểm định sinh học Anh (NIBSC) đang tham gia cơ chế này và đã tiếp nhận tài trợ từ CEPI để phát triển một tiêu chuẩn quốc tế đối với kháng thể COVID-19. Điều này đồng nghĩa NIBSC sẽ sản xuất một mẫu kháng thể với một lượng hoạt tính sinh học xác định có thể được nhà chức trách và các nhà sản xuất vaccine sử dụng để đánh giá tính chính xác các xét nghiệm của họ.
Tiến sĩ Mark Page tại NIBSC nhấn mạnh đây là một sáng kiến quan trọng giúp ích cho các nhà phát triển vaccine toàn cầu và cho phép đánh giá chính xác các "ứng cử viên" vaccine trong nỗ lực ngăn chặn đại dịch COVID-19.
Hàng trăm loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19 đang trong các giai đoạn phát triển khác nhau trên toàn thế giới. Nhiều vaccine do Nga và Trung Quốc phát triển đang được triển khai trước khi hoàn tất các cuộc thử nghiệm toàn diện xác định tính hiệu quả của chúng. Những vaccine đầy triển vọng của các hãng dược phẩm Pfizer, Moderna và AstraZeneca có thể có kết quả thử nghiệm giai đoạn cuối trước cuối năm nay.
Hiện CEPI đang đồng tài trợ phát triển 9 loại vaccine, trong đó có các "ứng cử viên" vaccine của 4 hãng Moderna, AstraZeneca, Novavax và CureVac.
Thái Lan dự kiến tiếp nhận vaccine ngừa COVID-19 vào giữa năm 2021
Cũng trong ngày 20/10, Viện Vaccine Quốc gia (NVI) của Thái Lan cho biết nước này có thể nhận được lô vaccine ngừa COVID-19 đầu tiên sớm nhất là vào tháng 6/2021, nếu loại vaccine do AstraZeneca phát triển được phê duyệt để triển khai hàng loạt.
Phóng viên TTXVN tại Bangkok dẫn lời Viện trưởng NVI Nakorn Premsri cho biết Tập đoàn Siam Bioscience của Thái Lan đã được hãng dược phẩm AstraZeneca lựa chọn làm đối tác khu vực để sản xuất vaccine cho khu vực Đông Nam Á. Theo đó, Thái Lan có khả năng sẽ nhận được lô vaccine đầu tiên vào tháng 6 nếu mọi việc diễn ra đúng tiến độ. Tuy nhiên, điều này không bao gồm tất cả lượng vaccine mà Thái Lan cần, nên Bangkok có thể thỏa thuận với các công ty dược phẩm khác để cung cấp vaccine cho ít nhất một nửa dân số.
Tập đoàn Siam Bioscience và AstraZeneca dự kiến sẽ ký thỏa thuận chuyển giao công nghệ vào cuối tháng tới. Để việc tiêm chủng hàng loạt có hiệu quả, Thái Lan sẽ cần tới 66 triệu liều vaccine cho 33 triệu người. Siam Bioscience cho biết tập đoàn này có khả năng đáp ứng 20% nhu cầu vaccine nói trên.