Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.833 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 101 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 206.654. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 119.736 trường hợp.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, diễn biến đáng lo ngại là một số quốc gia ASEAN có nguy cơ đối mặt với làn sóng dịch tái bùng phát và trong vòng 24 giờ qua, toàn khối có tới 7 nước thành viên ghi nhận các ca mắc COVID-19.
Số liệu dịch COVID-19 hết ngày 17/7 tại ASEAN:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
83.130 |
+1.462 |
3.957 |
+84 |
41.834 |
Philippines |
63.001 |
+1.841 |
1.660 |
+17 |
21.748 |
Singapore |
47.453 |
+327 |
27 |
|
43.577 |
Malaysia |
8.755 |
+18 |
122 |
|
8.541 |
Thái Lan |
3.239 |
+3 |
58 |
|
3.096 |
Việt Nam |
382 |
+1 |
|
|
356 |
Myanmar |
339 |
|
6 |
|
270 |
Campuchia |
171 |
+5 |
|
|
133 |
Brunei |
141 |
|
3 |
|
138 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
19 |
Tại Indonesia, trong 24 giờ qua "quốc gia vạn đảo" ghi nhận 84 ca tử vong COVID-19 và 1.462 ca mắc bệnh, qua đó nâng tổng số người nhiễm virus SARS-CoV-2 và tử vong tại nước này lên lần lượt 83.130 ca và 3.957 ca.
Thống đốc thủ đô Jakarta, Anies Baswedan, đã quyết định kéo dài giai đoạn hạn chế xã hội quy mô lớn (PSBB) thêm 14 ngày kể từ 16/7. Phát biểu trong một video đăng trên trang Youtube tối 16/7, Thống đốc Anies cho biết giai đoạn thứ nhất của PSBB sẽ được kéo dài thêm 2 tuần.
Bên cạnh đó, ông cũng quyết định hủy bỏ kế hoạch dần mở cửa trở lại các rạp chiếu phim và các địa điểm vui chơi, giải trí trong nhà khác từ ngày 29/7. Kế hoạch này sẽ được hoãn cho tới khi tình hình được cải thiện.
Các quyết định trên được đưa ra tại thời điểm tỷ lệ lây nhiễm với virus SARS-CoV-2 ở Jakarta đã tăng 5,9% trong tuần qua từ mức 4,4%, thậm chí là 3,1% vào đầu giai đoạn PSBB. Tính đến hết ngày 16/7, Jakarta ghi nhận tổng số ca mắc COVID-19 lên 15.477 ca.
Cũng liên quan tới tình hình Indonesia, Ngân hàng Thế giới (WB) mới đây công bố báo cáo dự báo Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này sẽ không thay đổi so với năm 2019. Dự báo được đưa ra dựa trên 3 yếu tố gồm tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm khoảng 5,2% trong năm nay, Indonesia sẽ mở cửa hoàn toàn nền kinh tế vào tháng 8 tới và không xảy ra làn sóng lây nhiễm sóng thứ hai.
WB cảnh báo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể sụt giảm 2% trong năm nay nếu kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái sâu hơn và Indonesia tiếp tục kéo dài thời hạn áp đặt các hạn chế di chuyển nhằm ngăn dịch COVID-19 lây lan.
Trong ngày 17/7, Philippines ghi nhận 17 ca tử vong và 1.841 ca dương tính với virus SARS-CoV-2. Thủ đô Manila vẫn là địa phương chiếm phần lớn số ca mắc và tử vong vì COVID-19 trên cả nước.
Bộ Y tế Philippines ra thông báo xác nhận tổng số ca tử vong tại nước này hiện là 1.660, trong khi tổng số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng lên thành 63.001 ca.
Người phát ngôn của Tổng thống Philippines, Harry Roque, thông báo nước này sẽ cho phép những công dân nước ngoài có thị thực dài hạn nhập cảnh từ tháng 8 tới.
Cụ thể, cơ quan chuyên trách ứng phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp của Philippines ngày 16/7 đã đưa ra quyết định trên, theo đó cho phép người nước ngoài nhập cảnh nếu đáp ứng được các điều kiện do cơ quan này đặt ra.
Các điều kiện bao gồm người nước ngoài phải có thị thực hợp lệ và có hiệu lực tại thời điểm nhập cảnh, đồng nghĩa với việc thị thực nhập cảnh mới sẽ không được chấp nhận. Người nước ngoài cũng có thể sẽ phải chấp nhận việc phải chờ đợi tại các cảng và tại thời điểm nhập cảnh nếu số lượng hành khách Philipines trở về nước quá đông vì công dân Philippines trở về nước sẽ được ưu tiên. Hơn nữa, người nước ngoài cũng phải đặt chỗ trước tại các cơ sở cách ly được chính quyền công nhận và đặt trước với các cơ quan thực hiện xét nghiệm COVID-19.
Từ ngày 22/3, Philippines đã không tiếp nhận người nước ngoài nhập cảnh, ngoại trừ những quan chức của các chính phủ và các tổ chức quốc tế có uy tín cùng người thân. Từ giữa tháng 3, quốc gia này đã áp dụng biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Theo đó, mọi hoạt đông giao thông trên bộ, trên biển và đường hàng không đều bị giới hạn và các dịch vụ giao thông công cộng cũng bị đình chỉ.
Ở Thái Lan, Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan (CAAT) ngày 17/7 thông báo cấm tất cả các chuyến bay có hành khách mắc COVID-19 quá cảnh nước này.
Tới hết ngày, Thái Lan ghi nhận tổng cộng 3.239 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 58 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này chỉ có thêm 3 ca bệnh mới và đã nhiều ngày Thái Lan không ghi nhận ca tử vong.
Cục trưởng CAAT Chula Sukmanop ra thông báo trên sau khi Chính phủ Trung Quốc đình chỉ bay đối với 2 hãng hàng không Thai AirAsia X và Thai Lion Air vì chở một số hành khách mắc COVID-19 tới Trung Quốc.
Cục trưởng CAAT cho biết theo yêu cầu mới, các hãng hàng không chỉ được bán vé cho hành khách đi các chuyến bay quá cảnh Thái Lan khi họ có chứng nhận không mắc COVID-19. Yêu cầu này thậm chí được áp dụng cả với những hành khách không xuống máy bay ở Thái Lan.
Cùng ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Thái Lan Natapanu Nopakun cho biết Cục Di trú đang chuẩn bị đề xuất đợt tự động gia hạn thị thực mới lên Nội các nước này trong bối cảnh thời hạn tự động gia hạn visa dành cho người nước ngoài mắc kẹt ở Thái Lan sẽ kết thúc vào ngày 31/7 tới.
Trước đó, Cục Di trú Thái Lan đã mở một trung tâm xử lý hồ sơ tạm thời ở tỉnh Nonthaburi, giáp Bangkok, để giảm tải cho trụ sở chính ở thủ đô này khi người nước ngoài đổ xô tới xin gia hạn visa.
Sáng 17/7, Bộ Y tế Campuchia thông báo đã phát hiện 5 ca mắc COVID-19 từ trên 2 chuyến bay từ Mỹ về, gồm 3 công dân Campuchia và 2 công dân Mỹ, nâng số ca bệnh tại Campuchia lên 171 trường hợp.
3 công dân Campuchia mắc COVID-19 từ Mỹ trở về Campuchia quá cảnh Trung Quốc trên chuyến bay BR265 cùng 77 hành khách ngày 15/7/2020 và có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 hôm 16/7. Các hành khách còn lại trên chuyến bay BR265 đã được cách ly theo dõi theo quy định của Bộ Y tế Campuchia.
Hai trường hợp công dân Mỹ mắc COVID-19 do Đại sứ quán Mỹ tại Campuchia thông báo với Bộ Y tế Campuchia là quan chức ngoại giao được cách ly tại Đại sứ quán Mỹ. Hai quan chức ngoại giao nói trên nhập cảnh Campuchia ngày 15/7 trên chuyến bay KE689 từ Mỹ quá cảnh Hàn Quốc và có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 ngày 16/7. Chuyến bay KE689 từ Mỹ đến Campuchia có tổng cộng 91 hành khách tiếp tục hành trình đến thành phố Đài Bắc, Đài Loan.