COVID-19 hết 16/7 tại ASEAN: Toàn khối vượt mốc 200.000 ca mắc; số ca bệnh ở Philippines tăng vọt

Theo trang thống kê worldometers.info, tính tới hết ngày 16/7, số người mắc COVID-19 tại Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã vượt mốc 200.000, trong đó 5.732 người tử vong.

Trong ngày 16/7, ASEAN ghi nhận 4.328 ca mắc tại sáu quốc gia và 105 ca tử vong ở hai quốc gia.

Biểu đồ so sánh ca mắc và tử vong ở ASEAN (số liệu ngày 16/7):

Chú thích ảnh

Nước có số ca mắc nhiều nhất là Philippines với 2.498 ca, tiếp đó là Indonesia với 1.574 ca. Số ca mắc ở Singapore vẫn duy trì ở mức ba con số (238 ca). Các nước còn lại có số ca mắc trong ngày 16/7 là Thái Lan (4 ca), Malaysia (3 ca) và Campuchia (1 ca).

Hai quốc gia có ca tử vong là Indonesia (76 ca) và Philippines (29 ca).

Số ca mắc ở Philippines tăng vọt

Chú thích ảnh
Các phương tiện xếp hàng trước một điểm xét nghiệm COVID-19 tại Manila, Philippines ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN 

Với 2.498 ca mắc trong ngày 16/7, Philippines chứng kiến số ca mắc tăng vọt so với các ngày trước đó. Đây là ngày có số ca mắc cao nhất trong hơn một tuần qua.

Trước tình hình dịch bệnh ngày càng nghiêm trọng, người phát ngôn của Tổng thống Philippines cho biết Tổng thống Rodrigo Duterte đã kéo dài một phần các biện pháp hạn chế tại thủ đô Manila thêm hai tuần nữa, đồng thời cảnh báo sẽ tái áp đặt các biện pháp phòng dịch siết chặt hơn nếu số ca nhiễm và tử vong mới không giảm.  

Cụ thể, tại Manila, các trường học sẽ tiếp tục bị đóng cửa, các trung tâm thương mại hoạt động ở mức giới hạn, các cuộc tụ tập đông người bị cấm, các biện pháp giãn cách xã hội được thực hiện trên các phương tiện giao thông công cộng, trẻ em và người già được khuyến cáo không đi ra ngoài...  

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu dịch xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Manila, Philippines ngày 15/7. Ảnh: THX/TTXVN

Hiện số ca mắc COVID-19 tại vùng thủ đô Manila tăng hơn gấp đôi lên tới 29.015 ca kể từ tháng 6.

Trong tuần này, Philippines đã ghi nhận có số ca tử vong do COVID-19 trong ngày cao nhất tại khu vực Đông Nam Á. Số bệnh nhân nhập viện tăng mạnh sau khi số ca nhiễm tăng gấp 3 lần kể từ khi nước này lới lỏng lệnh phong tỏa vào ngày 1/6 nhằm tạo thuận lợi hơn cho việc đi lại và hoạt động thương mại. 

Trong khi đó, Tổng thống Duterte  đã quyết định nới lỏng lệnh phong tỏa ở thành phố Cebu, miền Trung nước này, từ ngày 16/7 sau khi số ca nhiễm ở thành phố này giảm song vẫn chiếm 10% trong tổng số ca nhiễm ở Philippines.

Indonesia đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Jakarta, Indonesia ngày 15/7. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Indonesia ngày 16/7 ghi nhận 1.574 ca COVID-19 (cao thứ hai ASEAN chỉ sau Philippines), nâng tổng số ca nhiễm lên 81.668 ca. Ngoài ra còn có 76 ca tử vong mới, nâng tổng số ca tử vong lên 3.873 ca. Trong ngày này cũng đã có thêm 1.295 bệnh nhân được xuất viện, nâng tổng số người bình phục lên 40.345 người. 

Theo Bộ trưởng Y tế Achmad Yurianto, 6 tỉnh gồm Nam Kalimanta, Jakarta, Trung Java, Đông Java, Bali và Nam Sulawesi cũng ghi nhận số ca mắc cao kỷ lục. Quan chức này kêu gọi người dân tuân thủ các quy định y tế nhằm tránh bị lây nhiễm.

Campuchia thêm 1 ca mắc COVID-19 từ Saudi Arabia

Chú thích ảnh
Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia ngày 10/4. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng 16/7, Bộ Y tế Campuchia ra thông báo cho biết bộ này đã phát hiện 1 ca mắc COVID-19 mới, nâng số ca nhiễm tại Campuchia lên 166 trường hợp.

Trường hợp mắc COVID-19 được phát hiện là một nam công dân Campuchia nhập cảnh nước này ngày 10/7 trên chuyến bay từ Saudi Arabia đến Campuchia quá cảnh qua Malaysia cùng với 24 trường hợp dương tính trước đó. Trường hợp mắc COVID-19 thứ 166 của Campuchia đã được điều trị tại Trung tâm Y tế Chak Angre Phnom Penh. 69 hành khách khác trên chuyến bay có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 tiếp tục được cách ly 14 ngày tại một trung tâm kiểm dịch ở thủ đô Phnom Penh.

Trong tổng số bệnh nhân dương tính với COVID-19, có 133 trường hơp (tương đương 80,12%) đã hồi phục. Kể từ khi trường hợp nhiễm COVID-19 đầu tiên được phát hiện tại tỉnh Preah Sihanouk vào cuối tháng 1/2020, đại dịch COVID-19 đã xuất hiện tại 13 tỉnh và thủ đô của Campuchia.

Thái Lan bắt đầu cho hàng hóa Campuchia vào chợ Rong Kluea 

Chú thích ảnh
Cửa khẩu quốc tế Poipet giữa Banteay Meanchey của Campuchia và Sa Kaeo của Thái Lan. Ảnh: Khmer Times

Lần đầu tiên kể từ khi đại dịch COVID-19 buộc Thái Lan và Campuchia phải đóng cửa biên giới hồi tháng 3, nhà chức trách Thái Lan đã cho phép mỗi ngày 50 xe ô tô và xe tải chở hàng được di chuyển từ thành phố Poipet thuộc tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia) vào chợ Rong Kluea (Thái Lan) để buôn bán và vận chuyển hàng hóa.

Tỉnh trưởng tỉnh Banteay Meanchey, Ngor Meng Chroun đã khẳng định chỉ 50 xe được phép qua lại biên giới mỗi ngày, trên mỗi xe chỉ có hai người và hàng hóa phải được kiểm tra như cam kết mua bán. Người buôn bán không nên hiểu nhầm rằng Thái Lan mở cửa biên giới để có thể đi lại đông người.

Tuần trước, văn bản do Thị trưởng thành phố Poipet Keat Hul ký đã cho biết chính quyền tỉnh Banteay Meanchey (Campuchia) và tỉnh Sa Kaeo (Thái Lan) đã đồng ý mở lại cửa khẩu Klong Luek để thương nhân Campuchia qua mua hàng tại chợ Rong Kluea từ ngày 15/7.

Cửa khẩu này được phép mở cửa 5 giờ mỗi ngày từ 8 giờ sáng với lượng xe qua lại được cho phép là 50 chiếc mỗi ngày. Người qua lại biên giới phải tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Bộ trưởng Nội vụ Campuchia Sar Kheng ngày 15/7 cũng kêu gọi công dân nước này tuân thủ các quy định qua lại cửa khẩu ở Poipet theo yêu cầu của nhà chức trách Thái Lan.

Thùy Dương/Báo Tin tức
Dịch COVID-19: Iran vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới
Dịch COVID-19: Iran vẫn ghi nhận hàng nghìn ca nhiễm mới

Ngày 16/7, Iran thông báo số ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 tại quốc gia này tăng lên 267.061 ca sau khi ghi nhận thêm 2.500 ca mắc mới trong 24 giờ qua.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN