Trong 24 giờ qua, khối ASEAN vẫn chỉ có hai quốc gia Indonesia và Philippines ghi nhận các ca tử vong vì virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19).
Indonesia tình hình tiếp tục diễn biến xấu khi số bệnh nhân mắc và số ca tử vong vẫn ở mức cao. “Quốc gia vạn đảo” đang dẫn đầu khu vực về tổng số bệnh nhân cũng như nạn nhân tử vong do đại dịch. Trong ngày, khu vực ASEAN có 6 nước phát sinh các ca mắc COVID-19.
Cụ thể, virus SARS-CoV-2 đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 5.627 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 98 trường hợp so với 1 ngày trước đó, trong khi số ca mắc bệnh tăng lên 198.855. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 115.565 trường hợp.
Trái với tình hình ở Indonesia hay Philippines, các nước khác trong khu vực đang kiểm soát tốt địch bệnh và đời sống kinh tế-xã hội bắt đầu trở lại. Nhiều nước ASEAN tiến tục xúc tiến quá trình mở cửa trở lại và khôi phục hoạt động kinh tế xã hội.
Số liệu tình hình COVID-19 tại ASEAN ngày 15/7:
Quốc gia |
Tổng số ca mắc |
Ca mắc mới |
Tổng số ca tử vong |
Ca tử vong mới |
Ca phục hồi |
Indonesia |
80.094 |
+1.522 |
3.797 |
+87 |
39.050 |
Philippines |
58.850 |
+1.392 |
1.614 |
+11 |
20.976 |
Singapore |
46.878 |
+249 |
27 |
|
42.988 |
Malaysia |
8.734 |
+5 |
122 |
|
8.526 |
Thái Lan |
3.232 |
+5 |
58 |
|
3.092 |
Việt Nam |
381 |
+8 |
|
|
353 |
Myanmar |
337 |
|
6 |
|
266 |
Campuchia |
165 |
|
|
|
133 |
Brunei |
141 |
|
3 |
|
138 |
Timor-Leste |
24 |
|
|
|
24 |
Lào |
19 |
|
|
|
19 |
Ngày 15/7, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này đã ghi nhận 87 ca tử vong do mắc bệnh COVID-19. Đây là ngày có số ca tử vong cao nhất từ trước tới nay ở quốc gia Đông Nam Á này.
Cũng trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận thêm 1.522 ca mắc COVID-19. Như vậy, tính đến nay, tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc đảo này là 80.094, trong đó có 3.797 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Indonesia hôm 14/7 thông báo một "ổ dịch" lớn đã được phát hiện tại Đài Phát thanh quốc gia Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya, tỉnh Đông Java. Chi nhánh Liên minh Các nhà báo độc lập (AIJ) ở thành phố Surabaya cho biết đã có 57 nhà báo có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó có 3 người tử vong.
54 trong tổng số 57 người mắc COVID-19 nói trên là nhân viên Đài Phát thanh quốc gia Republik Indonesia (RRI), chi nhánh Surabaya. Ngoài ra, còn có 6 người có kết quả xét nghiệm nhanh dương tính với virus SARS-CoV-2.
Từ cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh Đông Java đã trở thành tâm dịch mới của Indonesia, với 16.877 ca lây nhiễm, trong đó gần 1/2 trong số này là ở tại thành phố Surabaya.
Trước tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp tại Indonesia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề nghị lực lượng chức năng nước này tiến hành thêm các xét nghiệm PCR đối với những người nghi ngờ mắc COVID-19. Website Dentik.com dẫn tuyên bố của WHO cho biết ghi nhận việc Indonesia tăng cường các xét nghiệm.
Tuy nhiên, các xét nghiệm này hiện mới chỉ thực hiện đối với những người dương tính với virus SARS-CoV-2. Trong khi đó, có nhiều bệnh nhân tử vong khi đang được theo dõi. Do đó, các xét nghiệm PCR cần được ưu tiên cho những người này hơn là thực hiện các xét nghiệm đối với những người đã được ra viện.
Trong khi đó tại Philippines, nước này ghi nhân 1.392 ca mắc COVID-19 và 11 ca tử vong vì đại dịch trong ngày 15/7, qua đó nâng tổng số ca mắc bệnh và tử vong tại Philippines tới nay lên lần lượt 58.850 ca và 1.614 ca.
Nhằm khống chế sự lây lan của đại dịch, Philippines đang triển khai cảnh sát nhằm đảm bảo những người có kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2 và không thể tự cách ly tại nhà được đưa tới các trung tâm cách ly. Hiện nhà chức trách Philippines cũng đang tăng cường xét nghiệm, tái áp đặt các biện pháp phong tỏa, và xây dựng thêm hàng chục trung tâm cách ly phục vụ những bệnh nhân có triệu chứng nhẹ.
Để phòng ngừa tình trạng lây nhiễm trong cộng đồng, cảnh sát cùng các nhân viên y tế Philippines đã tới từng nhà những người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2. Những người này được đưa tới các cơ sở cách ly của chính phủ nếu nhà của họ không phù hợp để tự cách ly hoặc họ sống cùng với những đối tượng "dễ bị tổn thương". Nhà nước sẽ chi trả chi phí cách ly cho những người này.
Bộ trưởng Nội vụ Philippines Eduardo Ano cho biết cảnh sát sẽ xác định những người mắc COVID-19, đồng thời cảnh báo sẽ bắt giam những ai cố tình che giấu mình bị bệnh.
Hiện Philippines đã có hơn 8.300 trung tâm cách ly, với hơn 73.000 giường bệnh. Nhà chức trách Philippines lên kế hoạch xây dựng thêm 50 cơ sở cách ly.
Sau khi áp đặt lệnh phong tỏa được coi là dài nhất thế giới, trong những tuần gần đây, Philippines đang dỡ bỏ các hạn chế, kéo theo số ca mắc COVID-19 mới tăng cao.
Ngày 15/7, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) tuyên bố một chuyến bay Bangkok- Quảng Châu của hãng hàng không Thai Lion Air và một chuyến Bangkok - Thiên Tân của hãng Thai AirAsia X (đều của Thái Lan) sẽ tạm thời không được phép cất cánh sau khi một số hành khách trên những chuyến bay gần đây của hai hãng này dương tính với virus SARS-CoV-2.
Theo thông báo của CAAC, quyết định trên được đưa ra ngày 14/7 sau khi có 6 hành khách dương tính với virus SARS-CoV-2 trên chuyến bay mang số hiệu SL117 của hãng Thai Lion Air vào ngày 7/7, và 5 hành khách mắc COVID-19 trên chuyến bay XJ808 ngày 10/7 của hãng Thai AirAsia X.
Việc đình chỉ bay đối với 2 chuyến bay nói trên có hiệu lực kể từ ngày 20/7 và kéo dài trong vòng 1 tuần. Đây là lần thứ hai CAAC ra quyết định tương tự đối với các hãng hàng không nước ngoài sau khi cơ quan này ngày 6/7 thông báo đình chỉ bay đối với một chuyến bay của hãng hàng không Biman Bangladesh Airlines có hành trình từ thủ đô Dhaka của Bangladesh tới thành phố Quảng Châu.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến hết ngày 15/7, Thái Lan đã xác nhận tổng cộng 3.232 ca mắc COVID-19, trong đó có 58 ca tử vong.
Trong gần 2 tháng, Thái Lan đã không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới nào trong cộng đồng. Những ca nhiễm mới thời gian qua đều được ghi nhận trong số công dân hồi hương từ nước ngoài.
Trước tình hình dịch có dấu hiệu thuyên giảm, ngày 14/7, ban tổ chức Triển lãm ô tô quốc tế Bangkok đã quyết định mở lại sự kiện này sau 2 lần phải hoãn kể từ tháng 3 vừa qua. Như vậy, Thái Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới tổ chức một triển lãm ô tô quy mô lớn kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát.
Trước đó, các triển lãm ô tô quốc tế ở Detroit (Mỹ) và Geneva (Thụy Sĩ) đã bị hủy do tác động của đại dịch COVID-19. Triển lãm ô tô quốc tế Bangkok lần thứ 41 kéo dài từ ngày 15/7 đến hết ngày 26/7. Nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan, ban tổ chức cam kết sẽ giới hạn số người tham gia.
Trong khi đó, tại Singapore, giới chuyên gia nước này cảnh báo nguy cơ bùng phát làn sóng dịch COVID-19 thứ hai khi các hoạt động của nền kinh tế được nối lại.
Các chuyên gia cho rằng trong những tuần tới Singapore có thể sẽ chứng kiến số ca nhiễm mới trong cộng đồng gia tăng do việc tụ tập đông người, không bảo đảm giãn cách xã hội trong giai đoạn bầu cử vừa qua cũng như việc mở lại các rạp chiếu phim và các địa điểm du lịch.
Số ca lây nhiễm trong cộng đồng tại Singapore đã giảm xuống mức một chữ số khi kết thúc giai đoạn “ngắt mạch” đầu tháng 6 vừa qua. Tuy nhiên, số ca nhiễm đã tăng dần trở lại sau đó. Trong tuần qua, số ca lây nhiễm trong cộng đồng đã tăng lên mức bình quân 16 ca/ngày, so với mức bình quân 10 ca/ngày của tuần trước.
Tính tới hết ngày 14/7, Singapore ghi nhận tổng cộng 46.878 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế Singapore cho biết tới nay đã xét nghiệm gần 80% số lao động nước ngoài tại các khu nhà ở tập thể, tương đương 215.000 người.