ASEAN trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Trung Quốc

Trong bối cảnh cuộc thương chiến chặn đường tiếp cận vào thị trường Mỹ, Bắc Kinh đã chuyển hướng sang khu vực láng giềng như một đối tác thương mại then chốt.

Chú thích ảnh
Cảng hàng hóa tại Thâm Quyến (Trung Quốc). Ảnh: Reuters

Theo báo Nikkei Asian Review, tính từ tháng 1 đến giữa tháng 6 năm nay, khối các quốc gia Đông Nam Á đã trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung buộc Bắc Kinh phải hiệu chỉnh lại chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, Tổng cục Hải quan Trung Quốc công bố số liệu tổng kim ngạch thương mại của nước này với 10 thành viên thuộc Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tăng 2% trong năm nay, đạt 297,8 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng giá trị thương mại với nước ngoài của Trung Quốc.

Trong khi đó, tổng kim ngạch thương mại với Liên minh châu Âu (EU) - từng là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc – giảm 5%, đạt 284,1 tỷ USD. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do diễn biến Brexit (Anh rời khỏi EU). Mỹ đứng thứ 3 trong danh sách đối tác thương mại với Trung Quốc, khi kim ngạch song phương giảm tới 10% trong bối cảnh quan hệ hai nước xuống dốc.

Do xung đột mà Washington đã chặn đường Bắc Kinh tiếp cận nguồn lực khoa học kỹ thuật nước này. Để thay thế, Trung Quốc nhanh chóng xây dựng một chuỗi cung ứng mới tại các nước Đông Nam Á. Các nhà máy sản xuất đặt tại Trung Quốc cũng rục rịch chuyển dây chuyền sản xuất sang khu vực để tránh thuế nhập khẩu cao mà Mỹ đang áp dụng đối với hàng hóa nước này.

“Trung Quốc duy trì quan hệ mật thiết với các quốc gia như Việt Nam, Malaysia và Singapore do những nước này là một phần trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp điện tử”, người phát ngôn của Tổng cục Hải quan Trung Quốc Li Kuiwen trả lời phóng viên ngày 14/7.

Chất bán dẫn trở thành một mặt hàng đóng góp lớn cho mối quan hệ thương mại Trung Quốc-ASEAN. Mặc dù Mỹ đang ra sức gây sức ép việc vận chuyển chip cho Trung Quốc do mối quan hệ xấu đi và sự cạnh tranh ngày càng tăng trong lĩnh vực công nghệ, nhiều lô hàng vẫn đưa được đến Trung Quốc qua Đông Nam Á.

Chú thích ảnh
Nhà máy sản xuất mặt hàng điện tử tại đảo Penang, Malaysia. Ảnh: Cameramann International

Để tránh thuế nhập khẩu cao từ Mỹ, các công ty Trung Quốc đã xây dựng các dây chuyển sản xuất tại những nước thành viên ASEAN, sử dụng linh kiện được đưa từ Trung Quốc sang.

Theo người phát ngôn Li, hồi tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và ASEAN đã ký kết một thỏa thuận thương mại tự do được cập nhật. Thỏa thuận mới “sẽ hạ thấp rào cản các quy tắc về xuất xứ, tiền tệ, dịch vụ, đầu tư và các lĩnh vực khác, nhân đôi lợi thế của một hiệp định thương mại tự do”, ông Li nhấn mạnh.

Hiện quan hệ thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa được tháo gỡ vướng mắc, khi mới đây, Tổng thống Donald Trump tỏ ra hết hứng thú với thỏa thuận giai đoạn 2. “Tôi không nghĩ về nó ngay lúc này”, nhà lãnh đạo Mỹ cho biết ngày 10/7. Nhiều chuyên gia cho rằng phát ngôn của Tổng thống Trump làm dấy lễn nỗi lo ngại Mỹ sẽ một lần nữa cứng rắn với Trung Quốc thông qua việc áp dụng thêm thuế. 

Đầu năm 2020, Mỹ và Trung Quốc cùng nhau ký kết thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, với mục tiêu đề ra là tăng kim ngạch xuất khẩu từ Mỹ sang Trung Quốc 63,9 tỷ USD trong giai đoạn 2017-2020. Theo kế hoạch này, kin ngạch xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc dự kiến phải tăng đến 110 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nay. Tuy nhiên, con số hiện giờ chỉ đạt mức 56,4 tỷ USD. 

Bảo Hà/Báo Tin tức
Tổng thống D. Trump chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Hong Kong
Tổng thống D. Trump chấm dứt ưu đãi thương mại đối với Hong Kong

Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 14/7 thông báo ông đã ban hành một sắc lệnh hành pháp chấm dứt những ưu đãi thương mại đối với Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc), liên quan việc Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ an ninh quốc gia tại Hong Kong.        

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN