Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á mấy ngày qua diễn biến phức tạp và có sự khác biệt lớn giữa các nước. Diễn biến dịch tại Thái Lan, Malaysia, Philippines và nhất là Việt Nam vẫn căng thẳng so với các nước khác. Số ca tử vong và nhất là số ca mắc mới tăng vọt trong khu vực.
Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 7 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Myanmar, Lào và Việt Nam.
Sự xuất hiện của biến thể siêu lây nhiễm Omicron khiến nhiều nước Đông Nam Á cấm nhập cảnh du khách nước ngoài, lùi kế hoạch mở cửa và tăng cường khẩn cấp các biện pháp phòng chống dịch. Hiện đã có ít nhất 9 quốc gia ASEAN ghi nhận các ca nhiễm Omicron.
Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á vẫn là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy tháng qua, điểm nóng này đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể.
Ngày 14/1, Philippines ghi nhận số ca bệnh mới tăng vọt và cao chưa từng thấy, dẫn đầu toàn khối với trên 37.000 ca bệnh. Việt Nam đứng thứ 2 Đông Nam Á với trên 16.000 ca mắc mới và 171 ca tử vong.
Trong khi đó, Thái Lan cũng là một điểm dịch nóng ở Đông Nam Á, số ca lây nhiễm cộng đồng vẫn ở mức cao. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 14/1 ghi nhận thêm trên 8.000 ca bệnh mới và 15 người tử vong.
Campuchia dịch tiếp tục thuyên giảm, với 10 bệnh nhân mới và không ghi nhận ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, “Xứ sở chùa tháp” đang từng bước nới lỏng giãn cách xã hội và đã mở cửa lại đất nước.
Trong khi đó, dịch bệnh tại Lào đang diễn biến khó lường, tổng số ca bệnh đã vượt 123.000, số ca mắc mới trên 1.000 ca mỗi ngày, số ca tử vong tại “xứ sở triệu voi” trong 24 giờ qua là 5 trường hợp.
Nhìn chung, toàn khối đang đối mặt với mối đe dọa Omicron, khiến số ca bệnh tăng mạnh, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 9/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới.
Lào ghi nhận ca mắc mới COVID-19 tăng trở lại mức 4 con số
Bộ Y tế Lào ngày 14/1 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.052 ca mắc mới COVID-19 và 4 ca tử vong.
Thông báo của Bộ trên nêu rõ sau một vài ngày duy trì ở mức 3 con số, số ca mắc mới COVID-19 tại Lào ngày 14/1 đã quay trở lại mức 4 con số, tăng 247 ca so với ngày 13/1. Trong đó, Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước với 400 ca, tiếp đến là tỉnh Phongsaly 102 ca. Tính tới nay, tổng số ca mắc tại Lào đã lên tới 123.293 ca, trong đó có 476 ca tử vong.
Bộ Y tế Lào kêu gọi người dân chưa tiêm vaccine hoặc muốn tiêm mũi tăng cường (mũi 3) nhanh chóng đến các bệnh viện và trung tâm được chỉ định để tiêm phòng nhằm bảo vệ bản thân và cộng đồng. Theo thống kê chính thức đến hết ngày 13/1, số người được tiêm mũi 1 tại Lào đã đạt 63,21% dân số, trong khi số người được tiêm mũi 2 đạt 51,3%.
Indonesia dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh từ 14 quốc gia, áp dụng thống nhất quy định cách ly 7 ngày
Chính phủ Indonesia đã dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân từ 14 quốc gia có nhiều ca nhiễm biến thể Omicron, viện dẫn các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt tại Indonesia và tầm quan trọng của việc cho phép các hoạt động đi lại giữa các nước nhằm phục hồi kinh tế.
Trong tuyên bố ngày 14/1, người phát ngôn Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19 thuộc Chính phủ Indonesia Wiku Adisasmito cho biết quyết định trên được đưa ra do Omicron đã lan rộng ra 150/195 quốc gia và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Theo ông, việc duy trì lệnh cấm nhập cảnh sẽ gây khó khăn cho các hoạt động đi lại xuyên quốc gia vốn rất cần thiết để duy trì sự ổn định của đất nước và phục hồi kinh tế. Chính sách mở cửa cho du lịch quốc tế được đưa ra dựa trên kết quả cuộc họp ngày 10/1 và đã được ban hành trong thông tư của Lực lượng Đặc nhiệm chống COVID-19.
Bên cạnh việc dỡ bỏ lệnh cấm nhập cảnh trên, Chính phủ Indonesia sẽ áp dụng quy định cách ly 7 ngày đối với tất cả những người nhập cảnh kể từ ngày 12/1. Theo ông Wiku, quy định cách ly nhập cảnh này được đưa ra dựa trên kết quả nghiên cứu khoa học tại nhiều quốc gia, theo đó thời gian ủ bệnh trung bình của các ca nhiễm Omicron là 3 ngày.
Philippines điều chỉnh quy định cách ly
Nhằm hạn chế các tác động do Omicron gây ra cũng như giúp người dân có thể quay trở lại làm việc nhanh hơn, Chính phủ Philippines cũng đã rút ngắn thời gian cách ly đối với những người có triệu chứng nhẹ từ 10 ngày xuống còn 7 ngày.
Trong bối cảnh số ca nhiễm mới đang ngày một gia tăng, chính quyền thủ đô Manila của Philippines đã quyết định ngừng việc dạy học trực tuyến trong vòng một tuần, cho đến ngày 22/1, nhằm giảm bớt "gánh nặng về sức khỏe" đối với giáo viên và học sinh. Thống kê cho thấy hiện hàng nghìn giáo viên và học sinh mắc COVID-19.
Quyết định tạm dừng dạy học trực tuyến được đưa ra vài ngày sau khi Bộ Giáo dục Philippines cho phép các trường trên cả nước tùy chọn tạm dừng việc dạy học trong 2 tuần trong tháng này trong bối cảnh biến thể Omicron đang lây lan mạnh mẽ.
Hiện mới chỉ có khoảng 50% dân số Philippines đã tiêm đủ liều vaccine cơ bản. Để vực dậy nền kinh tế bị dịch bệnh tàn phá, từ tháng 10/2021, chính phủ nước này đã nới lỏng các biện pháp hạn chế, sau khi làn sóng lây nhiễm COVID-19, chủ yếu do biến thể Delta đạt đỉnh. Trước dịp Giáng sinh năm ngoái, số ca nhiễm mới giảm xuống còn vài trăm ca/ngày, song sau đó đã tăng cao trở lại do người dân gặp gỡ với nhau trong ngày lễ.
Campuchia triển khai tiêm vaccine mũi thứ 4 cho nhóm ưu tiên
Ngày 14/1, Campuchia bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 cho các nhóm ưu tiên ở thủ đô Phnom Penh trong bối cảnh biến thể Omicron lan rộng trong cộng đồng.
Theo Bộ Y tế Campuchia, các nhóm được ưu tiên tiêm mũi thứ 4 vaccine ngừa COVID-19 bao gồm nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, quân đội, cảnh sát, người cao tuổi cùng các quan chức cấp cao.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cùng ngày đã tiêm mũi vaccine thứ 4 tại tư dinh ở phía Nam thành phố Takhmao và kêu gọi người dân tiêm phòng COVID-19 ngay khi đến lượt. Thủ tướng Hun Sen cho rằng không có lựa chọn nào tốt hơn là tiêm vaccine phòng bệnh và thực hiện “3 nên, 3 tránh” theo khuyến nghị của Bộ Y tế nước này. Theo đó, 3 điều nên làm là đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên và duy trì khoảng cách tối thiểu 1,5 m, trong khi 3 điều nên tránh là các không gian kín và hẹp, không gian đông người và tiếp xúc gần.
Campuchia hiện ghi nhận tổng cộng 120.728 ca mắc COVID-19, trong đó có 3.015 ca tử vong. Kể từ tháng 11/2021, nước này đã khôi phục các hoạt động kinh tế-xã hội sau khi đạt tỷ lệ tiêm chủng cao. Cho đến nay, 14,3 triệu người ở Campuchia (89,4% dân số) đã tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa COVID-19, trong đó có 13,7 triệu người (85,6%) đã tiêm 2 mũi và 4,39 triệu người (27,4%) đã tiêm mũi thứ 3.