COVID-19 tại ASEAN hết 13/10: Campuchia siết chặt phòng dịch ở thủ đô; Ca lây nhiễm cộng đồng tại Lào tăng cao

Theo thống kê của trang worldometers.info, tính tới 23 giờ 59 phút ngày 13/10, các nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) ghi nhận thêm 22.970 ca mắc bệnh COVID-19 so với 1 ngày trước; Trong khi tổng số ca tử vong tới nay tăng lên trên 270.200 người.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Bangkok, Thái Lan, ngày 8/10/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Tình hình dịch bệnh tại Đông Nam Á đang tiếp tục xu thế hạ nhiệt, số ca mắc mới và tử vong tại các nước đi ngang trong mấy ngày gần đây. Một ngày qua, hiệp hội ASEAN có 6 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong mới vì COVID-19 là Indonesia, Philippines, Thái Lan, Campuchia, Brunei, Lào và Việt Nam.

Xét về tổng số ca mắc và tử vong, ổ dịch nghiệm trọng nhất Đông Nam Á tiếp tục là Indonesia do dịch bệnh đã kéo dài nhiều tháng ở mức nghiêm trọng. Tuy nhiên, trong vòng mấy ngày qua, điểm nóng đang hạ nhiệt nhanh chóng, khi số ca mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Indonesia đã qua đỉnh dịch và tình hình đang khả quan hơn rõ rệt. Trong 1 ngày qua, “quốc gia vạn đảo” ghi nhận trên 1.000 ca bệnh mới và chỉ có 48 ca tử vong.

Diễn biến dịch cũng bớt nghiêm trọng ở Philippines mấy ngày gần đây. Ngày 13/10, Philippines chứng kiến số ca mắc mới cao thứ hai và ca tử vong cao nhất Đông Nam Á. Malaysia từng là điểm nóng song 1 ngày qua chỉ ghi nhận 4,712 ca mắc mới. Nước này hiện là điểm dịch nóng thứ hai của khu vực sau Indonesia.

Chú thích ảnh
Khách du lịch thăm quan một ngôi chùa ở Chiang Mai, Thái Lan. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang web worldometers.info, Myanmar trong 24 giờ không công bố số liệu dịch bệnh. Tình hình COVID-19 tại nước này mấy ngày trước cũng ở mức báo động.

Chỉ còn Thái Lan là vẫn đáng ngại, khi số ca lây nhiễm cộng đồng chưa có dấu hiệu thuyên giảm trong vài tuần gần đây, buộc nước này phải quyết định siết chặt các biện pháp phòng dịch tại nhiều tỉnh. “Xứ sở chùa Phật Ngọc” trong ngày 13/10 ghi nhận thêm trên 10.000 ca bệnh mới, cao nhất khu vực. Trong khi số ca tử vong là 82 người, đứng thứ ba toàn khối.

Campuchia có xu thể dịch đi ngang mấy ngày trước đây, với 272 bệnh nhân mới và 15 ca tử vong trong một ngày qua. Campuchia được đánh giá đã đi qua giai đoạn đỉnh dịch. Trước tình hình mới, Campuchia đang tính nới lỏng giãn cách xã hội.

Chú thích ảnh
Người dân chờ tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Cụ thể, virus SARS-CoV-2 tới nay đã cướp đi sinh mạng của tổng cộng 270.223 người dân ở khu vực Đông Nam Á, tăng 429 ca so với 1 ngày trước. Trong khi số ca mắc bệnh tăng lên trên 12,6 triệu ca. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là trên 11,9 triệu trường hợp.

Nhìn chung, toàn khối vẫn chứng kiến những diễn biến dịch bệnh đáng quan ngại, song hy vọng vượt qua đại dịch đã bắt đầu xuất hiện ở một số nước thành viên. Trong 24 giờ qua, 8/10 nước thành viên trong ASEAN ghi nhận ca COVID-19 mới, trong khi 3 nước không công khai số liệu.

Dịch COVID-19 tại ASEAN ngày 13/10:

Quốc gia Tổng số ca mắc Ca mắc mới Tổng số ca tử vong Ca tử vong mới Ca phục hồi
Indonesia 4,231,046 +1,233 142,811 +48 4,067,684
Philippines 2,690,455 +7,181 40,069 +173 2,567,975
Malaysia 2,353,579   27,525   2,217,057
Thái Lan 1,740,428 +10,064 17,917 +82 1,615,343
Việt Nam 849,691 +3,461 20,869 +106 787,286
Myanmar 481,230   18,188   434,080
Singapore 132,205   183   104,856
Campuchia 115,607 +272 2,559 +15 109,296
Lào 29,964 +566 35 +2 6,558
Brunei 9,665 +193 67 +3 7,315
Chú thích ảnh
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng nhằm ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 tại Viêng Chăn, Lào, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Số ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng tại Lào vẫn ở mức cao

Bộ Y tế Lào ngày 13/10 cho biết trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 566 ca mắc mới COVID-19 và 2 ca tử vong. Như vậy, tổng số ca tại Lào là 29.964 ca, trong đó có 35 người tử vong.

Theo Bộ Y tế Lào, trong số các ca mới có tới 557 ca cộng đồng, còn lại là các ca nhập cảnh được cách ly ngay. Thủ đô Viêng Chăn tiếp tục đứng đầu cả nước về số ca cộng đồng khi ghi nhận 246 ca. Đáng chú ý, tỉnh Luang Parbang có số ca cộng đồng tăng đột biến với 186 ca.

Bộ Y tế Lào cho biết, 85% ca mắc và tử vong do COVID-19 tại nước này là chưa tiêm chủng; vì vậy tiếp tục kêu gọi người dân trong nhóm có nguy cơ cao khẩn trương đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại các cơ sở y tế để bảo vệ bản thân và gia đình.

Đến nay, tỷ lệ tiêm vaccine ngừa COVID-19 mũi đầu tiên của Lào đạt trên 41% dân số, trong khi tỷ lệ tiêm đủ hai mũi là trên 30% dân số. Ngoài ra, Bộ Y tế Lào cũng tiếp tục khẳng định, các thiết bị xét nghiệm nhanh COVID-19 hiện chỉ dành cho cơ quan chức năng. Chính phủ Lào chưa cho phép nhập khẩu và sử dụng đại trà do lo ngại rủi ro khi sử dụng không đúng cách và vấn đề xử lý rác thải y tế.

Chú thích ảnh
Một điểm tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho trẻ em từ 6 đến 12 tuổi tại Phnom Penh, Campuchia. Ảnh: AFP/TTXVN

Thủ đô Phnom Penh (Campuchia) siết chặt quy định phòng dịch

Ngày 13/10, Đô trưởng Phnom Penh Khuong Sreng đã ra chỉ thị siết chặt quy định phòng dịch COVID-19, theo đó những người ốm yếu, người được miễn tiêm vaccine ngừa COVID-19 và người không có thẻ chứng nhận đã tiêm phòng COVID-19 (hay còn gọi là thẻ vaccine) đều bị cấm đến các địa điểm công cộng như trường học, chợ và cửa hàng kinh doanh tại 14 quận thuộc thành phố này.

Trước đó, Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen đã thông báo khả năng mở cửa nền kinh tế trong tất cả các lĩnh vực nếu diễn biến dịch COVID-19 ổn định ít nhất trong 10 ngày liên tiếp sau Lễ Pchum Ben.

Hiện Campuchia ghi nhận tổng cộng 115.607 ca mắc COVID-19, trong đó 109.296 người đã khỏi bệnh và 2.559 ca tử vong. Tính đến ngày 12/10, gần 12 triệu người trên tổng số dân khoảng 16 triệu người đã được tiêm phòng COVID-19 đầy đủ.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Banda Aceh, Indonesia. Ảnh: AFP/TTXVN

Indonesia nhấn mạnh vấn đề bất bình đẳng trong phân phối vaccine

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi đã nêu bật vấn đề bất bình đẳng vaccine ngừa COVID-19 tại lễ kỷ niệm 60 năm Phong trào Không liên kết (NAM) tổ chức tại thủ đô Belgrade của Serbia từ ngày 11-12/10.

Ngoại trưởng Retno cho rằng nạn phân biệt đối xử và chính trị hóa vaccine càng làm trầm trọng thêm tình trạng bất bình đẳng vaccine và khiến quá trình phục hồi diễn ra không đồng đều.

Trong một bài phát biểu trên kênh Youtube của Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 12/10, bà Retno cho rằng “công bằng và bình đẳng trong tiếp cận vaccine là “bài kiểm tra đạo đức lớn nhất” mà thế giới đang đối mặt. Bà Retno kêu gọi bình đẳng vaccine giữa tất cả các quốc gia theo “Dasasila Bandung (Mười nguyên tắc Bandung)” của NAM trong những ngày đầu thành lập, như là các nguyên tắc của các mối quan hệ và hợp tác quốc tế.

Thanh Tuấn/Báo Tin tức
COVID-19 tại ASEAN hết 12/10: Indonesia ca mắc giảm 98%; Campuchia tiêm mũi 3 đại trà
COVID-19 tại ASEAN hết 12/10: Indonesia ca mắc giảm 98%; Campuchia tiêm mũi 3 đại trà

Trong ngày 12/10, các nước ASEAN ghi nhận trên 30.000 ca nhiễm mới, 480 ca tử vong. Ca nhiễm mới tại Indonesia đã giảm trên 98% so với mức đỉnh điểm, trong khi Campuchia triển khai tiêm vaccine mũi 3 trên toàn quốc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN