COVID-19 – Phóng sự chưa từng có tiền lệ của phóng viên quốc tế

Đối với các phóng viên, nhà báo trên khắp thế giới, đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 là một phóng sự chưa từng có tiền lệ. 

Dòng tin diễn biến không ngừng, vấn nạn thông tin giả, chưa kể đến những rủi ro riêng mà COVID-19 gây ra cho mỗi cá nhân… đã khiến căn bệnh này trở thành một trong những câu chuyện chưa từng có tiền lệ, khiến người làm báo khắp thế giới không thể quên được. 

Trung tâm Thông tin Khu vực của Liên hợp quốc (UNRIC) tại Brussels đã tập hợp lại những lời sẻ chia của các nhà báo, phóng viên trên toàn cầu về căn bệnh lây nhiễm đã cướp đi sinh mạng của hơn 3,73 triệu người này. 

Chú thích ảnh
Phóng viên Kysia Hekster. Ảnh: NOS

“Từ góc nhìn báo chí, COVID-19 chắc chắn là một trong những sự kiện lớn nhất mà tôi đưa tin”, cô Kysia Hekster, phóng viên truyền hình tại kênh NOS của Hà Lan chia sẻ. 

Trong khi người khác làm việc tại nhà vào thời dịch bệnh, nhiều nhà báo vẫn tiếp tục đến phòng thu, phòng biên tập hay ra hiện trường. Cô Leslie Rijmenams, phát thanh viên tại đài tiếng Pháp Nostalgie ở Bỉ nói: “Tôi không hề dừng làm việc kể từ đợt phong tỏa. Nhiệm vụ của một phóng viên tất nhiên là đưa tin về vấn đề đang được quan tâm, và để được như vậy, bạn cần phải làm việc”. 

Yves Herman, trưởng nhóm phóng viên ảnh của hãng Reuters tại khu vực Benelux (gồm Bỉ, Hà Lan và Luxemberg), đã bám sát mọi khía cạnh liên quan đến đại dịch gần như mỗi ngày trong nhiều tháng liền. Ông đưa tin từ bệnh viện, nhà dưỡng lão, nhà tang lễ và cả nhà xác trong bộ trang phục bảo hộ kín từ đầu đến chân. 

Tâm sự với UNRIC, ông Herman nói: “Bất chấp những rủi ro, tôi cảm thấy đó là một chủ đề thực sự quan trọng để đưa tin. Theo hiểu biết của tôi, nó là một trong những sự kiện ít ỏi trên thế giới, có lẽ ngoại trừ Chiến tranh Thế giới thứ hai, gây ảnh hưởng đến tất cả mọi người”. 

Chú thích ảnh
Phóng viên ảnh Yves Herman. Ảnh: Photo News

“Dịch bệnh” tin giả và nguy cơ bị tấn công 

Ngoài sức nặng thông tin về COVID-19, các nhà báo còn phải chiến đấu với vấn nạn mà Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) gọi là “dịch bệnh tin giả”. Sự xuất hiện của COVID-19 đã kéo theo trận “sóng thần” tin giả với khả năng lan truyền còn nhanh hơn cả virus. Tin giả tấn công thẳng vào những cộng đồng dễ bị tổn thương, cản trở các nỗ lực chống dịch bệnh bằng lời bịa đặt về đủ thứ, từ việc đeo khẩu trang cho đến tiêm vaccine, hay nguồn gốc của virus gây bệnh.  

“Bạn có thể tìm thấy bất cứ thứ gì trên internet. Trên mạng xã hội, mọi người chia sẻ những điều mà bản thân họ chưa đọc hết. Tìm đọc một nguồn đáng tin cậy hay tờ báo chính thống là điều nên làm”, Cordula Schnuer, phóng viên tại tạp chí tiếng Anh Delano ở Luxembourg, nhấn mạnh.  

Một nhóm phóng viên Libya đã chung tay đối phó với những thông tin sai lệch về COVID-19 trên mạng xã hội. 12 phóng viên này đã lập trang Facebook có tên Sabr, nghĩa là “điều tra” hoặc “khám phá” trong tiếng Arab. Sabr chuyên đăng những bài báo, thường gắn kèm đồ họa, vạch trần từng trường hợp hoang tin đang lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội. 

Dự án Sabr thành hình khi mạng xã hội ngày càng trở thành nguồn tin tức quan trọng đối với người dân Libya. Nhà báo Kholoud Alfalah nói: “Facebook có ảnh hưởng mạnh mẽ đến dư luận. Tài khoản giả mạo chiếm 70% người xem, trong khi các hãng tin tức chỉ chiếm 30%”. 

Bằng các công cụ kiểm tra sự thật cũng như phát hiện luận điệu thù hận trong tin giả về COVID-19, trang Sabr phân loại thông tin thành nhiều nhóm khác nhau, từ “gây hiểu lầm và thiếu thông tin quan trọng”, “sai một phần” cho đến “hoàn toàn giả” và cuối cùng là "chứa ngôn từ kích động thù hận và phân biệt đối xử".

Đối với một số hãng truyền thông, COVID-19 thậm chí còn làm gia tăng các hành vi bạo lực nhằm vào những người đi tác nghiệp. NOS đã buộc phải xóa logo của đài trên các xe tải vệ tinh do có thể bị một nhóm đối tượng – vốn cho rằng virus SARS-CoV-2 là trò lừa bịp và NOS phát tán tin giả - tấn công.

“Nó đe dọa tự do truyền thông, tự do báo chí độc lập và cả nền dân chủ. Đó là điều không thể chấp nhận được”, cô Hekster nói.

Truyền niềm hy vọng

Chú thích ảnh
Bà cụ tận hưởng cái ôm của người thân qua tấm màn nhựa bên ngoài nhà dưỡng lão.  Ảnh: Yves Herman

Vào năm đầu xảy ra đại dịch, việc ngày càng nhiều người tìm kiếm thông tin về virus SARS-CoV-2 đã giúp các hãng truyền thông như NOS nhận được lượng khán giả tăng kỷ lục. Tuy nhiên, công chúng cũng có nguy cơ bị bão hõa thông tin. Nữ phóng viên Hekster cho hay cô từng nghe vài người xung quanh chia sẻ rằng không muốn xem thời sự vì họ cảm thấy bất lực trước tình hình dịch bệnh. 
Trước bối cảnh như vậy, những câu chuyện nêu bật các giải pháp tiềm năng hoặc mang lại tia hy vọng sẽ giúp củng cố niềm tin cho cộng đồng. 

Ông Herman đã chụp ảnh một cựu bác sĩ 103 tuổi, người đi bộ quanh vườn nhà với cự ly chạy marathon để gây quỹ phục vụ nghiên cứu COVID-19. Ông cũng lan truyền cách thức sáng tạo mà những người cao tuổi sống trong một viện dưỡng lão ở Bỉ có thể xoa dịu nỗi thương nhớ người thân do phải giãn cách xã hội, bằng cách ôm người thân của họ qua một “bức rèm ôm”. Tấm nhựa trong suốt chính là vị cứu tinh để các thành viên trong gia đình lại được ôm lấy nhau sau nhiều tháng xa cách. 

“Cảm giác lúc đó thật phi thường. Tôi thấy mọi người xúc động rơi nước mắt. Đó là cách duy nhất để họ tiếp xúc với nhau”, phóng viên ảnh của hãng Reuters bộc bạch. 

Hoàng Trang/Báo Tin tức
Video độc giả tự tạo - Cú hích phát triển nền tảng số của báo chí
Video độc giả tự tạo - Cú hích phát triển nền tảng số của báo chí

Mang lợi thế nhanh chóng và đáng tin cậy, video UCG – video với nội dung do người dùng tự tạo đã trở thành một công cụ đắc lực cho các hãng truyền thông trong việc đưa những dòng sự kiện tin tức nóng hổi mà chưa thể tiếp cận ngay với hiện trường.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN