‘Hậu phương’ vững chắc của những nhà báo đưa tin về dịch COVID-19

Những nhà báo tác nghiệp ở tuyến đầu chống dịch COVID-19 luôn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Một trong những nguồn động viên to lớn giúp họ luôn vững vàng về tâm lý, chắc tay bút, tay máy tác nghiệp suốt 4 ‘làn sóng dịch trong 2 năm qua, chính là sự đồng hành, chia sẻ và hủng hộ của những người thân trong gia đình

Nỗi lo F0 thường trực

Những ngày nhà báo Tạ Nguyên (báo Tin tức, Thông tấn xã Việt Nam) lăn lộn làm thông tin dịch bệnh là những ngày khá vất vả của chồng chị và mẹ đẻ. Nhà có hai con nhỏ, vợ phải thường xuyên đi đến vùng dịch, vào bệnh viện, đến nơi có nguy cơ lây nhiễm cao nên anh Nguyễn Văn Tuyên, chồng nhà báo Tạ Nguyên có lúc thấy gia đình như đang... “sống trong tâm dịch”. Anh Tuyên không quản ngại việc đưa đón con, chăm sóc gia đình để vợ xông pha nhưng trước những hiểm nguy mà vợ đang đối mặt khiến anh đôi lúc chùng lòng.

Chú thích ảnh
Gia đình anh Nguyễn Văn Tuyên. Ảnh: NVCC. 

Anh Tuyên tâm sự: “Những ngày dịch COVID-19 mới bùng phát tại Việt Nam, tôi thực sự lo lắng cho vợ mình cũng như sự an toàn của gia đình. Dịch COVID-19 với những diễn biến quá nhanh và nguy hiểm trong khi vợ lại trực tiếp tiếp xúc với những người ở tuyến đầu chống dịch càng khiến tôi căng thẳng. Nghĩ tới cảnh ngày nào đó vợ bị nhiễm, tôi rùng mình. Trong những ngày vợ đi sớm về muộn, ngồi cập nhật tin COVID không màng tới sức khoẻ, tôi sốt ruột vô cùng”.

Cùng chung tâm trạng của anh Tuyên, chị Phạm Diễm My có chồng là phóng viên ảnh của báo Tin tức, thường trú tại TP Hồ Chí Minh cũng có lúc không yên tâm khi chồng xông pha trong dịch bệnh. Dịch COVID-19 bùng phát đúng lúc chị chuẩn bị sinh con thứ 2, anh Mạnh Linh chồng chị thường xuyên xung kích để đưa tin về dịch COVID-19.

Chú thích ảnh
Phía sau phóng viên Mạnh Linh của báo Tin tức là hậu phương vững chắc là vợ và hai con gái.

Chị Diễm My tâm sự: “Phụ nữ vác bụng bầu, thêm một con nhỏ và chồng “đi riết”, có khi vào nơi hiểm nguy, tôi không tránh khỏi lo lắng. Ai cũng biết sự nguy hiểm của bệnh dịch này. Cứ đêm nào anh tác nghiệp không về là tôi không ngủ được”.  

Còn chị Quỳnh Như, có chồng là anh Dương Giang, phóng viên ảnh của Thông tấn xã Việt Nam chia sẻ: “Công việc của phóng viên về cơ bản đã rất vất vả nhưng ở vào thời điểm dịch bệnh việc tác nghiệp lại càng trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, chồng tôi luôn lo lắng bởi đằng sau còn có cơ quan, gia đình, tập thể... Nếu mình nhiễm bệnh thì sẽ ảnh hưởng tới mọi người?”.  

Chị Quỳnh Như tâm sự: “Những ngày cả nước bắt đầu với cuộc chiến COVID-19, không riêng gì chồng mà bản thân tôi cũng lo lắng rất nhiều. Chồng lo lắng một thì mình lo lắng mười. Nếu chỉ một sơ suất nhỏ rủi ro là điều không tránh khỏi và không ai dám nói trước được điều gì. Nhưng tôi tự nhủ, chồng là người xông pha vào tâm dịch mà mình lại lo sợ và chùn bước thì không được, bản thân mình không  được gây tâm lý căng thẳng cho chồng”.

 “Tôi còn nhớ chuyến công tác của chồng tại sân bay Vân Đồn khi đón 30 công dân Việt Nam tại tâm dịch Vũ Hán về nước (2020). Anh về tới nhà sau một ngày đêm tác nghiệp vất vả, không dám tiếp xúc với vợ con ngay mà phải chờ đến khi có kết quả xét nghiệm âm tính của đoàn công dân từ Vũ Hán về nước thì mới dám lại gần. Thật sự thời điểm ấy tôi cảm thấy rất tủi thân và thương chồng bởi việc chồng làm hoàn toàn là nhiệm vụ, là trách nhiệm mà cơ quan tin tưởng, giao phó. Đó có lẽ cũng là cảm xúc chung của rất nhiều phóng viên hoặc gia đình phóng viên có vợ - chồng xông pha vào điểm nóng dịch bệnh”, chị Quỳnh Như xúc động.  

Đến những sẻ chia tình thân  

Mặc dù lo lắng, có cả khi giận dỗi vì vợ “mê việc” trong suốt những đợt dịch, nhưng anh Nguyễn Văn Tuyên cũng nhìn nhận công bằng về công việc của vợ. “Có vợ là nhà báo là xác định “sống cùng sự kiện”. Nhiều lúc tôi chỉ muốn làm thay vợ nhưng cũng chỉ chia sẻ được việc nhà với cô ấy. Thấy những vất vả mà cô ấy đang phải trải qua nên tôi nghĩ mình không nên gây thêm áp lực, lo lắng cho vợ nữa”.  

Nói là làm, anh Nguyễn Văn Tuyên tự tay chuẩn bị các loại khẩu trang từ chuyên dụng trong y tế đến bằng vải để vừa sử dụng trong gia đình, vừa “cấp phát” cho vợ mang theo người khi đi tác nghiệp. Anh còn mua tới... 20 lít cồn để phun sát khuẩn nhà cửa.

“Rất lo lắng cho vợ vì thường phải đến ở những nơi nhiều nguy cơ, thương vợ vất vả với công việc, nên tôi ủng hộ bằng những công việc thiết thực như vậy”, anh Tuyên tâm sự.  

Khi dịch bùng phát, các con lại nghỉ học nên áp lực tăng lên gấp nhiều lần. Có những lần không thu xếp nổi, phóng viên Tạ Nguyên đành gửi con về quê nhờ bà ngoại trông, có khi tới cả tháng chị mới về với con vì có lúc công việc cuốn vào, trực tin liên tục hay có khi Hà Nội trở thành tâm dịch cũng không dám vềvìlochobọntrẻ,nhấtlàbà ngoại lại có bệnh nền tiểu đường, huyết áp. Những khoảng thời gian ấy, gánh nặng chăm nuôi các con, chị lại giao hết cho bà ngoại.  

Bà Đinh Thị Vẹn, mẹ nhà báo Tạ Nguyên cho biết: “Cứ mỗi đợt dịch là tôi lại phải “ôm” đàn cháu nhỏ. Tôi vẫn nhớ đợt dịch năm 2020, khi mẹ cháu bận công tác phải gửi con về cho tôi. Vừa gửi được mấy hôm thì tôi cũng ốm, phải nằm điều trị tại bệnh viện tỉnh. Thương con đang phải công tác vất vả nhưng lúc đó không biết làm thế nào, tôi đành gọi điện thông báo. Ngay trong đêm hôm ấy Nguyên lại phải thu xếp về trông con để tôi yên tâm chữa bệnh. Tôi ốm, mẹ cháu lại phải vừa ôm máy làm việc vừa cơm nước, lo lắng cho bọn trẻ; chủ yếu phải làm việc từ xa, qua điện thoại. Tôi vừa sốt ruột, vừa lo cho con, cho cháu nên bệnh thuyên giảm là tôi xin ra viện sớm. Dù sao ở nhà tôi vẫn chơi được với bọn trẻ cho mẹ cháu làm việc. Nhưng khó khăn nào cũng phải quen dần. Biết Nguyên phải làm việc rất vất vả vào đợt dịch bệnh này nên gia đình luôn cố gắng hỗ trợ tối đa”.

Qua 4 làn sóng COVID-19, bà Vẹn vẫn âm thầm hỗ trợ, động viên con gái hoàn thành nhiệm vụ.  

Chú thích ảnh
"Tôi luôn tự chăm sóc sức khoẻ cho mình, cho các con. Đây chính là cách tôi động viên chồng hoàn  thành xuất sắc nhiệm vụ được giao", chị Diễm My tâm sự.

Còn chị Diễm My (vợ nhà báo Mạnh Linh) cho biết: “Anh Linh đi làm vất vả như vậy nhưng mỗi lần trở về tôi luôn thấy anh quan tâm, động viên vợ. Có những lo lắng mà chỉ có vợ chồng mới hiểu được. Đôi lúc, tôi thấy được sự hoang mang trong ánh mắt của anh vì lo ảnh hưởng đến vợ con. Có những lần một mình vượt qua những cơn đau mỏi của thai kỳ, thay vì tủi thân, tôi lại gạt đi để không ảnh hưởng tới con. Tôi luôn tự chăm sóc sức khoẻ cho mình, cho các con. Đây chính là cách tôi động viên chồng hoàn  thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.  

Và đúng như vậy, chị Diễm My vượt cạn thành công trong lúc dịch COVID-19 có diễn biến phức tạp tại TP Hồ Chí Minh. Gia đình anh chị Diễm My, Mạnh Linh có hai con nhỏ, chồng thường xuyên đi thực tế, chị Diễm My quyết định trở về nhà mẹ đẻ ở An Giang để tiện chăm sóc hai con. “Đây là quyết định khó khăn vì tôi lo anh Linh không được chăm sóc hàng ngày, từ bữa cơm đến bộ quần áo được giặt cẩn thận. Tuy nhiên, trong lúc dịch phức tạp, vợ chồng tôi ưu tiên chăm sóc các con. Nếu bố Linh rảnh là về với mấy mẹ con”, chị Diễm My tâm sự.

Còn chị Quỳnh Như cho biết: “Chồng tôi có thói quen không bao giờ kể khổ, than vất vả với vợ. Trước mỗi chuyến đi, dù biết có khó khăn hoặc rủi ro nhưng để tránh tâm lý căng thẳng cho vợ con, anh thường tránh chia sẻ, chỉ sau khi hoàn thành nhiệm vụ anh mới nói. Hiểu được tính cách của chồng và xác định tâm lý, tư tưởng là điều quan trọng nhất nên tôi luôn bên cạnh quan tâm, an ủi, động viên chồng để anh yên tâm công tác và hoàn thành tốt nhiệm vụ”.  

Chị Quỳnh Như cho biết: “Cho đến hiện tại, nhiều khi đồng nghiệp của hai vợ chồng trêu đùa bảo “vợ chồng cũng phải tự cách ly”, nhưng tôi luôn động viên chồng: “Anh hoàn thành nhiệm vụ xong cứ về nhà, không phải đi đâu, em không sợ gì cả, bản thân anh có ý thức tự  bảo vệ là được, nếu chẳng may rủi ro, anh phải cách ly thì mẹ con em cùng cách ly với anh”.  

Nghề báo được xem là nghề nguy hiểm, đã làm báo nhiều phóng viên xác định ưu tiên thông tin. Tuy nhiên, không thể phủ nhận nếu có được hậu phương vững chãi, được sự chia sẻ, đồng lòng thì họ sẽ yên tâm tác nghiệp, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. 

Chú thích ảnh
Lê Vân/Báo Tin tức
Chủ tịch nước thăm một số nhà báo, gia đình nhà báo lão thành
Chủ tịch nước thăm một số nhà báo, gia đình nhà báo lão thành

Nhân kỷ niệm 96 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2021), Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm và tặng quà một số nhà báo và gia đình nhà báo lão thành tiêu biểu.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN