"Lớp áo bảo vệ" chống đại dịch COVID-19
Trong bối cảnh vaccine đang sản xuất và nhập khẩu với số lượng hạn chế, việc Chính phủ Việt Nam quan tâm, chọn phóng viên báo chí là 1 trong 11 nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 khiến nhiều nhà báo cảm động và bày tỏ sự biết ơn.
Cầm trên tay hồ sơ, lịch hẹn tiêm vaccine AstraZeneca mũi 1 tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) ngày 17/5, phóng viên ảnh Phạm Quang Vinh (Báo Đại Đoàn Kết) cho biết: “Khi chưa được tiêm vaccine, tôi khá lo. Là phóng viên ảnh luôn phải lao vào tâm dịch để ghi lại những hình ảnh nơi tuyến đầu, tôi xác định, nguy cơ lây nhiễm COVID-19 luôn hiện hữu. Khi Việt Nam thông báo có vaccine, tôi ngóng trông từng ngày để được tiêm. Sau 1 tháng tiêm mũi 1, tôi thấy tự tin rất nhiều mỗi khi tác nghiệp ở vùng tâm dịch, hiện chỉ chờ lịch tiêm mũi 2”.
Theo phóng viên Phạm Quang Vinh, trước khi quyết định tiêm, anh cũng nghe thấy ý kiến và sự e ngại của nhiều người. Họ lo lắng sự phản ứng của tiêm vaccine dẫn tới hệ lụy. Thực tế, phản ứng xấu có thể xảy ra nhưng tỷ lệ rất nhỏ, so với tỷ lệ người chết vì dịch COVID-19 thì không thấm tháp gì. Theo đánh giá của Bộ Y tế, phản ứng sau tiêm vaccine COVID-19 tại Việt Nam “thấp tương đương” khuyến cáo. Ngược lại, vaccine là “vũ khí” giảm số ca tử vong và mắc COVID-19 nghiêm trọng, mang đến niềm vui, sự an toàn cho người dân trên toàn thế giới.
Có vaccine, hiệu quả miễn dịch cộng đồng được nâng cao, cuộc chiến chống COVID-19 sẽ chấm dứt. Theo tìm hiểu của phóng viên báo Tin tức, một số nhà báo tiêm vaccine phòng dịch đợt đầu ngày 17/5 có biểu hiện như sốt, mệt mỏi. Theo các bác sỹ, đây là phản ứng bình thường đối với việc tiêm vaccine; cũng có nhiều người không có triệu chứng, phản ứng phụ sau tiêm, chỉ nhức vết tiêm, cơ thể hoàn toàn khỏe mạnh.
Thêm ý thức và trách nhiệm
Theo dõi mảng y tế nhiều năm, ngay sau khi nhận thông báo của Bộ Y tế về lịch tiêm vaccine ngừa COVID-19 đầu tháng 5/2021, phóng viên Quốc Khánh (Báo Sài Gòn giải phóng) cảm thấy rất vui. Bản thân anh hay đi thực tế nhiều, tiếp xúc nhiều người, đặc biệt ở vùng tâm dịch nên Khánh đăng ký tiêm vaccine ngay không một chút đắn đo sau khi được Chính phủ, Bộ Y tế tạo điều kiện.
“Khi được biết bản thân và các đồng nghiệp được tiêm vaccine tại Bệnh viện Bạch Mai, tôi càng tin tưởng vào chất lượng của vaccine cũng như độ an toàn tiêm chủng vì đây là bệnh viện đặc biệt của cả nước”, Quốc Khánh cho biết.
Cùng chung cảm giác hạnh phúc khi được ưu tiên tiêm, nhà báo Phạm Kiều Oanh (Đài Phát thanh Truyền hình Hà Nội) chia sẻ: “Tiêm vaccine không chỉ giúp phóng viên ngừa virus mà còn tạo tâm lý an tâm hơn trong tác nghiệp. Nguồn cung vaccine đang hiếm, phóng viên thuộc danh sách ưu tiên nên rất đỗi tự hào. Song tôi cũng nhận thấy, bản thân càng phải có trách nhiệm hơn với cộng đồng xã hội, trách nhiệm hơn trong việc thực hiện phòng chống dịch, không vì tiêm rồi mà chủ quan”.
Công tác tại Truyền hình Nhân dân, nhà báo Vũ Duy Hưng không gặp bất cứ phản ứng phụ nào sau tiêm. Theo anh, tiêm phòng là việc làm bình thường và rất cần thiết. Tỷ lệ phản ứng phụ đáng lo ngại rất ít. Ở Việt Nam, nhiều người vẫn có tâm lý e ngại phản ứng phụ sau khi tiêm vì đây là vaccine mới; băn khoăn thể trạng đáp ứng như thế nào?
“Tiêm vaccine vẫn là giải pháp căn cơ, lâu dài. Không chỉ cho cá nhân tôi mà còn có ý nghĩa đối với phạm vi rộng hơn như gia đình, nơi làm việc và cộng đồng… Sử dụng khẩu trang, giãn cách xã hội, hạn chế tiếp xúc rất quan trọng nhưng cũng là giải pháp tức thời, trong một giai đoạn nhất định”, nhà báo Vũ Duy Hưng cho biết.
Đối với nhóm người có nguy cơ cao, tiếp xúc rộng, mức độ có thể lây lan rộng hoặc nhóm người đặc thù công việc ở những nơi trọng yếu, theo anh Hưng, nên tiêm vaccine sớm. Trong đó có những người hoạt động trong lĩnh vực báo chí, trước hết, những người làm lãnh đạo, quản lý đơn vị cần là người đi đầu vì bản thân là người có tiếp xúc nhiều trong và ngoài nơi làm việc.
Theo nhà báo Vũ Duy Hưng, hiện nay, một số nước đã hoàn thành tiêm vaccine trong nước, chuẩn bị các thủ tục pháp lý cho công nhận “Hộ chiếu vaccine”, cho phép công dân đi nước ngoài…Ở những nước này, người dân đi các phương tiện công cộng, vào một số địa điểm cộng đồng phải có chứng nhận tiêm vaccine. Điều đó chứng tỏ Việt Nam cũng sẽ dần dần phải tiếp cận được tỷ lệ được tiêm vaccine cao cho 75 triệu người trong độ tuổi. Thậm chí, độ tuổi cũng phải nới rộng theo hướng trẻ hơn cùng với loại vaccine phù hợp.
“Xây dựng Quỹ vaccine phòng COVID-19, tăng cường hợp tác quốc tế và sớm hoàn thành thử nghiệm lâm sàng để sử dụng vaccine sản xuất trong nước sẽ góp phần giúp cho nhiều người được tiếp cận với vaccine. Câu chuyện là thời gian”, anh Hưng chia sẻ.