Trong ngày 13/8, ASEAN ghi nhận 6.249 ca mắc tại 7 quốc gia và 91 ca tử vong tại ba quốc gia.
Nước có số ca mắc nhiều nhất trong 24 giờ qua vẫn là Philippines với 4.002 ca. Đứng thứ hai ASEAN về ca mắc mới trong ngày 13/8 là Indonesia với 2.098 ca. Tiếp đó là Singapore với 102 ca.
Trong 24 giờ qua, Indonesia ghi nhận 65 ca tử vong, còn Philippines ghi nhận 23 ca tử vong.
Philippines ghi nhận trên 4.000 ca mới
Bộ Y tế Philippines (DOH) ngày 13/8 thông báo có thêm 4.002 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 và 23 ca tử vong tại nước này.
Thông báo của DOH nêu rõ tổng số ca mắc COVID-19 tại Philippines đến nay đã lên tới 147.526 ca, trong đó 2.426 ca tử vong. Philippines hiện là quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Quan chức Carlito Galvez phụ trách thực thi chiến lược kiểm soát dịch COVID-19 của Chính phủ Philippines cho biết hầu hết các ổ dịch COVID-19 được xác định ở các cộng đồng đông dân cư - nơi nhiều bệnh nhân hiện được cách ly tại nhà. Mới đây, Bộ Giao thông và Bộ Lao động Philippines cũng đã ban hành yêu cầu bắt buộc sử dụng tấm chắn mặt tại nơi công cộng và nơi làm việc kể từ ngày 15/8.
Philippines đang lên kế hoạch tiến hành các cuộc thử nghiệm lâm sàng một vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 của Nga vào tháng 10 tới sau khi Nga trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới đăng ký vaccine phòng dịch COVID-19.
Giáo viên Indonesia cảnh báo ổ dịch mới khi mở lại trường học
Hiệp hội Giáo viên Indonesia (FSGI) ngày 13/8 cảnh báo việc mở cửa trường học tại một số địa phương có nguy cơ tạo ra các ổ dịch COVID-19 mới. Trước đó, ít nhất 180 học sinh và giáo viên đã nhiễm virus SARS-CoV-2 kể từ khi năm học mới bắt đầu hồi tháng 7.
Indonesia đã cho phép trường học mở cửa trở lại một cách hạn chế tại các vùng "xanh" và vùng "vàng", những nơi ghi nhận số ca nhiễm giảm. Tuy nhiên, các hoạt động ngoại khóa bị cấm. Các bậc phụ huynh có quyền không cho con đến trường.
Phản ứng sau quyết định nới lỏng giãn cách trên, người đứng đầu FSGI, Heru Purnomo cho biết học từ xa vẫn nên được ưu tiên. Theo ông Purnomo, giáo viên luôn lo ngại rằng trường học có thể trở thành các ổ dịch mới. Học từ xa là giải pháp an toàn hơn học trực tiếp.
Tuy nhiên, phát biểu với báo giới cùng ngày, người phát ngôn lực lượng đặc trách chống COVID-19, Wiku Adisasmito khẳng định các ổ dịch mới sẽ không bùng phát ở trường học nếu tất cả các quy định về y tế được tuân thủ. Giải thích lý do phải áp dụng chính sách mở cửa hạn chế đối với trường học, Bộ trưởng Giáo dục Nadiem Makarim cho biết gần 90% trẻ em sống ở những nơi mà "hầu hết học sinh đều rất khó tham gia học trực tuyến dựa trên bất kỳ loại công nghệ".
Trong báo cáo tình hình ngày 13/8, đại diện Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Indonesia cảnh báo việc mở lại trường học "có nguy cơ khiến tình trạng lây nhiễm tệ hơn, đặt ra một gánh nặng lớn hơn đối với các cơ sở y tế quốc gia vốn đang rất hạn chế, và về lâu dài sẽ làm chậm lại đà tăng trưởng kinh tế".
Một số tỉnh ở Indonesia đã ghi nhận số ca nhiễm tăng cao trong giới trẻ. Tại Papua, gần 300 người dưới 19 tuổi đã có xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 tính đến ngày 12/8. Một nhóm tình nguyện thu thập thông tin mang tên Lapor COVID-19 cho biết đã phát hiện 6 ổ dịch xuất phát từ các trường học mở cửa trở lại tại Tây Kalimantan, trên đảo Borneo.
Bộ Y tế Indonesia ngày 13/8 ghi nhận 2.098 ca mới, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 132.816 ca. Ngoài ra, với thêm 65 ca tử vong, tổng số ca tử vong tại Indonesia hiện tăng lên tới 5.968 ca.
Hơn 50% trường trung học Myanmar đã mở cửa trở lại
Quan chức giáo dục Myanmar cho biết hơn 50% các trường trung học tại nước này đã mở cửa trở lại kể từ tháng 7 năm nay.
Cụ thể, đã có 4.156 trường trong tổng cộng 7.173 trường trung học tại Myanmar nối lại hoạt động giảng dạy từ ngày 21/7, phù hợp với các chỉ dẫn của giới chức y tế tại thời điểm quốc gia Đông Nam Á này tiếp tục ghi nhận nỗ lực kiểm soát dịch bệnh đạt được kết quả tích cực.
Theo quy định, các trường mở cửa trở lại phải tuân thủ đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, như tuân thủ quy định về giãn cách trong lớp học, quy định khử trùng, đảm bảo vệ sinh...
Thông thường, năm học mới tại Myanmar bắt đầu vào tháng 6 hằng năm, nhưng thời gian khai giảng năm nay đã bị hoãn lại do bùng phát đại dịch COVID-19. Việc mở cửa trở lại của các trường nói trên nằm trong giai đoạn đầu nối lại hoạt động giảng dạy tại Myanmar sau 2 tháng phải tạm nghỉ do dịch bệnh.
Malaysia ghi nhận một ổ dịch mới
Bộ Y tế Malaysia đã ghi nhận 15 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 9.129 ca. Trong số này có 4 ca "nhập khẩu" và 11 ca lây truyền trong cộng đồng.
Một ổ dịch mới đã được ghi nhận tại bang Kedah liên quan đến một sự kiện tôn giáo, trong đó 9 người tham gia đã được xác định nhiễm virus SARS-CoV-2.
Campuchia hủy lễ hội té nước
Campuchia đã thông báo hủy lễ hội té nước do dịch bệnh. Trước đó, lễ hội này đã được lên kế hoạch diễn ra từ ngày 30/10 - 1/11. Chính phủ đưa ra quyết định trên theo đề nghị của Ủy ban Quốc gia về tổ chức các lễ hội quốc gia và quốc tế.
Lễ hội té nước là sự kiện thường niên lớn nhất tại Campuchia, thu hút người dân từ các tỉnh nông thôn đến thủ đô Phnom Penh.
Tính tới 13/8, Campuchia ghi nhận 272 ca mắc COVID-19.