Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 25/10 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 42.906.084 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.154.210 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 31.650.029 người, 10.101.845 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 77.138 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (74.940 ca), Ấn Độ (50.224 ca) và Pháp (45.422 ca); Mỹ dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 744 ca), tiếp theo là Ấn Độ (575 ca) và Mexico (418 ca).
Mỹ: Ca nhiễm mới có thể lên tới mức 6 con số
Nước Mỹ đã trải qua một mốc đáng ngại mới: Nước này ghi nhận số ca lây nhiễm mới trong ngày cao nhất vào ngày 23/10, với trên 83.000 ca nhiễm, cao hơn 6.000 ca so với kỷ lục trước đó vào tháng 7. Giới chuyên gia cảnh báo, Mỹ có thể sẽ chứng kiến số ca lây nhiễm mới ở mức 6 con số. Ông Michael Osterholm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách bệnh truyền nhiễm tại trường Đại học Minnesota cho rằng: "Chúng ta sẽ dễ dàng chạm mức 6 con số về số ca bệnh mới. Và số ca tử vong sẽ tăng mạnh trong vòng 3-4 tuần tới, thường là sau đọt tăng ca nhiễm mới khoảng 2-3 tuần".
Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận74.840 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm lên 8.822.223, bao gồm 230.028 ca tử vong, tiếp tục đứng đầu thế giới.
Tình hình dịch diễn biến nghiêm trọng nhất ở khu vực Bắc và Trung Tây. Hiện 35/50 bang của Mỹ chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng từng ngày. Trong tuần qua, ít nhất 34 tiểu bang của Mỹ đã thông báo số ca nhiễm mới COVID-19 tăng hơn tuần trước đó. Số ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày ở Mỹ tăng ổn định ở mức 700-800 ca kể từ đầu mùa Thu. Hiện có đến 14 bang của Mỹ ghi nhận số ca tử vong cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát.
Châu Âu: Nhiều nước lây nhiễm mới kỷ lục
Tại châu Âu, dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp khi nhiều nước tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm mới trong ngày cao nhất.
Séc ghi nhận thêm 15.252 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua. Đây là số ca nhiễm trong ngày cao nhất ở Séc kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này. Như vậy, tính đến thời điểm hiện nay, Séc có tổng cộng 238.323 bệnh nhân COVID-19 trong tổng số 10,7 triệu dân, trong đó có 1.971 ca tử vong (sau khi có thêm 126 ca tử vong mới).
Trong khi đó, Slovakia có thêm 2.890 ca nhiễm (mức cao nhất từ trước đến nay) và 25 ca tử vong mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 40.801 ca và 159 ca tử vong.
Nga thông báo 16.521 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua sau khi ghi nhận số ca nhiễm kỷ lục trên 17.300 ca một ngày trước đó, nâng tổng số ca mắc COVID-19 ở nước này lên 1.497.167 ca. Tổng số ca tử vong ở nước này đến nay là 25.821 ca.
Cùng ngày, Chính phủ Slovenia ra lệnh đóng cửa biên giới với Italy trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang tiếp diễn phức tạp tại Italy. Theo thông báo, công dân Italy chỉ được phép quá cảnh tại Slovenia tối đa 12 tiếng để tới các điểm đến khác và không loại trừ việc tiến hành kiểm tra sức khỏe.
Trước đó, ngày 23/10, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) - cơ quan kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Âu (EU), cảnh báo mức độ lây lan virus SARS-CoV-2 tại Anh và 23 nước thành viên của liên minh này vẫn rất "đáng quan ngại". Theo đánh giá mới nhất của ECDC, toàn bộ các nước thành viên EU, ngoại trừ Cyprus, Estonia, Phần Lan và Hy Lạp, đều có mức độ lây lan dịch bệnh ở mức đáng báo động. Trước đó 1 tháng, danh sách này chỉ có 7 nước.
Còn tại Đức, giới chức nước này đã hối thúc người dân hạn chế tối đa tiếp xúc xã hội cũng như các hoạt động đi lại không cần thiết để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm. Giới chức cũng khuyến cáo người dân không đi nghỉ Đông tại các khu nghỉ dưỡng trượt tuyết ở Áo, Italy và Thụy Sĩ.
Mặc dù nước Đức không bị đại dịch COVID-19 hoành hành nghiêm trọng như nhiều nước châu Âu khác, nhưng hiện số ca nhiễm mới mỗi ngày tại nước này đã vượt quá con số 10.000 người. Trong 24 giờ qua, Đức ghi nhận 10.499 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca lên 427.799, bao gồm 10.111 ca tử vong.
Tại Bulgaria, từ ngày 25/10, thủ đô Sofia của nước này sẽ chính thức đóng cửa các hộp đêm và vũ trường trong hai tuần nhằm ngăn chặn dịch bệnh. Thị trưởng Sofia, bà Yordanka Fankakova cũng kêu gọi các trường đại học tại thủ đô có khoảng 2 triệu dân này chuyển sang hình thức học trực tuyến, các chủ doanh nghiệp tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà. Bà nhấn mạnh tình hình lây nhiễm bệnh COVID-19 tại Sofia là rất đáng báo động, số người nhiễm mới tăng lên mỗi ngày, tỷ lệ thuận với số bệnh nhân nhập viện điều trị. Điều này khiến hệ thống y tế của thủ đô bị quá tải.
Châu Á: Các nước Đông Nam Á vẫn "nóng"
Trong khi đó, tại châu Á, số ca mắc COVID-19 "nhập cảnh" tại Trung Quốc đang tăng cao. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết Trung Quốc đại lục có thêm 28 ca mắc COVID-19, đều là ca trở về từ nước ngoài. Ngoài ra, nước này phát hiện thêm 27 ca mắc COVID-19 không triệu chứng, cũng đều là ca "nhập cảnh".Tính đến ngày 23/10, Trung Quốc đại lục có tổng cộng 85.775 ca mắc COVID-19, trong đó có 80.876 ca đã được chữa khỏi và 4.634 ca tử vong.
Malaysia lần đầu ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số
Ngày 24/10, Malaysia ghi nhận thêm 1.228 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, mức cao nhất từ trước đến nay và cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm mới trong một ngày tăng ở mức bốn con số. Số ca tử vong cũng tăng thêm 129, lên 13.205 trường hợp không qua khỏi.
Cùng ngày, Bộ trưởng cao cấp phụ trách lĩnh vực an ninh Ismail Sabri Yaakob thông báo, Lệnh Kiểm soát di chuyển có điều kiện (CMCO) được áp đặt tại bang Sabah từ ngày 13/10 sẽ được kéo dài đến ngày 9/11 thay vì kết thúc vào ngày 26/10 theo dự kiến ban đầu. Nguyên nhân là do số ca mắc COVID-19 mới tại bang này không giảm xuống, ngược lại còn tăng cao hơn trong những ngày qua, buộc Hội đồng An ninh quốc gia phải đưa ra quyết định nói trên.
Malaysia đang trong làn sóng COVID-19 thứ ba, bắt nguồn từ bang Sabah sau khi bang này tổ chức bầu cử Hội đồng bang hồi cuối tháng 9 vừa qua.
Philippines: Thêm trên 2.000 ca nhiễm, ca tử vong xuống thấp
Sau khi ghi nhận thêm 2.057 ca nhiễm mới trong ngày 24/10, Bộ Y tế Philippines thông báo tổng số ca bệnh tại nước này hiện là 367.819 người, trong đó có 313.112 người đã hồi phục. Số ca tử vong tại Philippines hiện là 6.934 ca, chỉ tăng 19 ca trong ngày 24/10.
Trong tuần này, số ca lây nhiễm hàng ngày đã được duy trì ở mức dưới 2.000 trong 4 ngày liên tiếp, trước khi bị phá vỡ vào ngày 24/10. Tuy nhiên hiện chưa rõ đây là dấu hiệu tiến triển hay là kết quả của việc năng lượng xét nghiệm giảm xuống.
Indonesia: Tình hình lây nhiễm chưa có dấu hiệu giảm nhiệt
Ngày 24/10, Indonesia ghi nhận 4.070 ca COVID-19 mới, nâng tổng số ca bệnh tại nước này lên 385.980 trường hợp. Cùng ngày, Indonesia cũng ghi nhận thêm 129 ca tử vong, nâng tổng ca tử vong lên 13.205 trường hợp không qua khỏi. Riêng thủ đô Jakarta ghi nhận tới 1.062 ca nhiễm mới.
Số ca hồi phục tại Indonesia đã lên tới 313.112 trường hợp. Cùng ngày, Indonesia thực hiện xét nghiệm cho 31.465 người, khiến số người được xét nghiệm đã lên tới 2.711.239.
Myanmar: Tiếp tục chuỗi ngày lây nhiễm "4 con số"
Myanmar ghi nhận 1.423 ca nhiễm mới trong ngày 24/10. Do đó con số ca mắc COVID-19 tại nước này đã lên tới 43.788 người, trong đó có 1.066 ca tử vong và 23.708 người đã khỏi bệnh.
Australia: Lây nhiễm tại trường học gia tăng
Còn tại Australia, bang tâm dịch Victoria đang chứng kiến số ca mắc COVID-10 tại trường học gia tăng, trong bối cảnh bang này chuẩn bị nới lỏng các hạn chế phòng dịch. Theo đó, trong ngày 24/10, Victoria ghi nhận thêm 7 ca mắc COVID-19, trong đó có 4 ca liên quan tới các ổ dịch bùng phát tại 2 trường học ở thành phố Melbourne. Hơn 800 người liên quan đã được yêu cầu thực hiện cách ly tại nhà.
Thủ hiến bang Victoria, Daniel Andrews, cho biết các biện pháp nới lỏng dự kiến công bố vào ngày 25/10 sẽ phụ thuộc vào kết quả xét nghiệm COVID-19 của hàng nghìn người tiến hành trong vài ngày qua. Tính đến thời điểm này, trên toàn Australia có hơn 27.400 ca mắc COVID-19 và 905 ca tử vong.
Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo các nước ở Bắc bán cầu đang trong giai đoạn dịch COVID-19 nguy cấp khi mà đại dịch đã cướp đi sinh mạng của 1,1 triệu người và làm gần 42 triệu người mắc bệnh trên toàn cầu.
Theo ông, có quá nhiều nước đang chứng kiến số ca nhiễm tăng theo cấp số nhân, khiến các bệnh viện và cơ sở chăm sóc sức khỏe hoạt động quá tải hoặc gần hết công suất.