Trả lời phỏng vấn hãng tin Reuters trước thông báo trên, phó đặc phái viên Mỹ về vấn đề biến đổi khí hậu, ông Rich Duke, cho biết tính đến nay, đã có 95% quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới ký cam kết cắt giảm khí methane. Tuy nhiên, Trung Quốc và Ấn Độ, 2 quốc gia phát thải lớn, vẫn chưa tham gia hiệp ước này. Ông Duke bày tỏ hy vọng Trung Quốc sẽ ký kết hiệp ước Cam kết Methane toàn cầu trước khi diễn ra Hội nghị thượng đỉnh COP28 ở Dubai vào năm tới.
Cho đến nay, 50 trong số các nước ký hiệp ước này đã công bố các chiến lược chi tiết nhằm giảm khí methane.
Dự kiến, trong ngày 17/11, tại COP27 đang diễn ra ở thành phố Sharm el Sheikh (Ai Cập), Mỹ và EU sẽ công bố các sáng kiến khác theo Cam kết Methane toàn cầu nhằm giải quyết vấn đề phát thải trong các lĩnh vực dầu mỏ, khí đốt, nông nghiệp và chất thải. Trong số các sáng kiến này có nỗ lực nhằm giúp các nông dân sản xuất nhỏ lẻ tại Việt Nam, Kenya, Rwanda, Tanzania, Uganda, Costa Rica, Uruguay, Colombia và Pakistan giảm khí thải methane trong hệ thống chăn nuôi và sản xuất sữa bò của họ. Một chương trình khác hướng đến việc hỗ trợ 70 triệu USD cho hoạt động nghiên cứu lên men ruột - quá trình tiêu hóa trong đó một số động vật tạo ra khí đốt và nguồn khí phát thải methane lớn nhất trong ngành nông nghiệp.
Mỹ và EU cũng cho biết tổ chức phi lợi nhuận Carbon Mapper chuyên theo dõi khí methane bằng vệ tinh sẽ lập một bản đánh giá cơ bản khí thải methane toàn cầu từ các bãi chôn lấp và các bãi rác.
Cam kết cắt giảm 30% khí methane gây hiệu ứng nhà kính trong thập kỷ này được xem là một tiêu chí quan trọng trong số các nỗ lực toàn cầu nhằm duy trì mức tăng nhiệt của Trái Đất không vượt quá 1,5 độ C - ngưỡng nhiệt độ mà các nhà khoa cho khuyến nghị cần phải duy trì để tránh những tác động tiêu cực nhất do biến đổi khí hậu.