Trước khi trở thành thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã đảm nhiệm vị trí trong nhiều ngành nghề, từ phóng viên nhật báo Times đến cây bút phụ trách chuyên mục bình luận của tờ Daily Telegraph, phụ trách biên tập của tờ The Spectator và sau đó vào Quốc hội với tư cách là nghị sĩ đại diện cho Henley và trở thành thị trưởng London.
Vậy sau khi rời khỏi văn phòng Phố Downing, cơ hội việc làm nào sẽ mở ra cho vị cựu thủ tướng này?
Vai trò mới trong Nội các
Trong chiến dịch vận động tranh vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ, tân Thủ tướng Anh Liz Truss thể hiện mình là một ứng viên kế thừa chính quyền của Thủ tướng Johnson.
Bà cam kết thực hiện một loạt chính sách của người tiền nhiệm, từ việc tiếp tục tranh đấu với Brussels về Brexit đến ủng hộ Kiev trong bối cảnh Nga tiến hành hoạt động quân sự đặc biệt ở Ukraine.
Trong bài phát biểu chiến thắng, bà Truss đã gọi Johnson là bạn. Tuy nhiên, bà cũng loại trừ khả năng ông này quay trở lại với một vị trí trong chính phủ - ít nhất là trong ngắn hạn.
"Ngồi thảo luận với ông ấy về các vấn đề đối ngoại, tôi ngờ rằng ông ấy sẽ không muốn đảm nhiệm bất kỳ vị trí nào trong chính phủ sắp tới. Tôi nghĩ ông ấy cần được nghỉ ngơi sau khi trải qua một vài năm khó khăn”, bà Truss tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 7.
Yên vị ghế quốc hội
Dù đã thôi chức vụ song ông Johnson vẫn là nghị sĩ đại diện cho Uxbridge và South Ruislip, một vùng ngoại ô phía Tây Bắc London. Nếu không đảm nhiệm một vị trí ở cấp nội các, đương nhiên ông sẽ trở thành một nghị sĩ bình thường tại quốc hội, ngồi cùng với những thành viên khác đã bỏ phiếu chống lại ông trong một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm hồi tháng 6. Ông Johnson sẽ trở thành một thành viên trong quốc hội tương tự như người tiền nhiệm Theresa May và cựu lãnh đạo phe đối lập Duncan Smith.
Quay trở lại với nghề báo
Nếu như ông Johnson lựa chọn hoặc bị ép rời khỏi quốc hội, ông vẫn luôn có thể quay trở lại công việc làm báo trước đây. Không giống như hầu hết các nhà báo, ông Johnson có nguồn thu thoải mái khi là cây bút chuyên viết cho Telegraph.
Tổng Thư ký NATO
Ý tưởng về việc ông Johnson kế nhiệm cựu Thủ tướng Na Uy Jens Stoltenberg làm tổng thư ký NATO đã được một số nghị sĩ Đảng Bảo thủ và những người đồng cấp Ukraine đưa ra hồi tháng Bảy.
Tổng Thư ký Stoltenberg từng là nhân vật thể hiện quan điểm cứng rắn nhất về việc đối đầu với Nga kể từ khi ông chính thức nhậm chức vào tháng 10/2014. Nhiệm kỳ 4 năm lần thứ hai của ông sẽ kết thúc vào tháng 9 năm nay. Tuy nhiên, vị trí này được gia hạn thêm năm như một phần phản ứng trước chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng Johnson cũng là người đi đầu trong việc khiến xung đột leo thang khi gửi một phần đáng kể thiết bị của quân đội Anh tới Kiev và thúc giục Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ne tránh đàm phán hòa bình với Moskva.