Theo kênh truyền hình RT, bản kiến nghị đã được hai đảng viên cấp cao, là cựu nghị sĩ David Campbell-Bannerman và nhà tỷ phú Lord Peter Cruddas, trình lên chủ tịch đảng Bảo thủ.
Bản kiến nghị cho rằng các đảng viên “trung thành và nỗ lực” đã bầu cho ông Johnson trong năm 2019 và những cử tri trung thành này không nên bị tước quyền lên tiếng. Văn bản cho hay một số thành viên của đảng rất khó chịu và tức giận đối với các nghị sĩ của đảng.
“Tôi yêu cầu tên ông Boris Johnson phải được thêm vào danh sách ứng cử cho các nghị sĩ bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sắp tới”, bản kiến nghị với hơn 4.000 người ký tên nêu rõ.
Những người đứng đằng sau bản kiến nghị cho rằng toàn bộ quá trình bầu nhà lãnh đạo mới của đảng đã mở đường cho các nghị sĩ có thể viện lý do lợi ích để dàn xếp chống lại Thủ tướng Johnson.
Campbell-Bannerman, người đứng đầu hai hiệp hội đảng Bảo thủ, chỉ ra hành động loại bỏ một nhà lãnh đạo đã từng được bầu chọn sẽ là hành động tự sát đối với những người trong đảng. Trong khi đó, nhà tỷ phú Cruddas đe dọa rút khoản đóng góp 500.000 bảng Anh nếu như tên ông Johnson không xuất hiện trên lá phiếu.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của đảng Bảo thủ giải thích: “Quy định bầu cử nêu rõ một khi một nhà lãnh đạo đã từ chức, họ sẽ không đủ điều kiện để tham gia lại trong một cuộc tranh cử tiếp theo”.
Một kiến nghị khác nêu ý kiến tương tự đã bị Quốc hội bác bỏ vào ngày 21/7. Đơn kiến nghị được đệ trình vào ngày 8/7 kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra khẩn cấp về toàn bộ quá trình buộc Thủ tướng phải từ chức.
Hiện cuộc đua kế nhiệm Thủ tướng Boris Johnson đã rút xuống còn 2 ứng viên, là cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak và Bộ trưởng Ngoại giao Liz Truss. Người chiến thắng sẽ được công bố vào ngày 5/9 sau khi khoảng 150.000 thành viên đảng Bảo thủ bỏ phiếu qua thư.
Nhà lãnh đạo mới của đảng nghiễm nhiên trở thành thủ tướng Anh. Cho đến khi chính quyền mới thành lập, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Johnson vẫn sẽ tiếp tục giữ chức và điều hành đất nước. Cuộc bầu nhà lãnh đạo mới của đảng được thông báo sau khi ông Johnson quyết định từ chức sau một loạt bê bối châm ngòi làn sóng từ chức của các thành viên nội các.