Công ty lớn ở Trung Quốc cho nhân viên nghỉ phép khi 'không vui'

Ông chủ của chuỗi bán lẻ lớn tại Trung Quốc đã đặt ra ngày “nghỉ phép khi không vui” để giúp nhân viên của mình đạt được sự cân bằng tốt hơn giữa công việc và cuộc sống.

Chú thích ảnh
Yu Donglai nói rằng ông muốn nhân viên của mình được nghỉ làm nếu họ cảm thấy không vui. Ảnh: Weibo

Trong tuần lễ siêu thị Trung Quốc năm 2024 vào cuối tháng 3 vừa qua, Yu Donglai, người sáng lập kiêm Chủ tịch của chuỗi bán lẻ Pang Dong Lai ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, đã thông báo rằng các nhân viên sẽ có thể yêu cầu thêm 10 ngày nghỉ phép theo quyết định riêng của họ.

"Tôi muốn mọi nhân viên đều có quyền tự do. Mọi người đều có những lúc không vui, vì vậy nếu không vui thì đừng đến làm việc", ông Yu nói.

Ông muốn nhân viên tự do quyết định thời gian nghỉ ngơi của mình và để tất cả họ đều có đủ thời gian thư giãn ngoài giờ làm việc. Ngoài ra ông cũng nói rằng ban quản lý không được từ chối yêu cầu nghỉ phép này.

Ý tưởng "nghỉ phép khi không vui" ngay lập tức nhận nhận được sự ủng hộ trên các nền tảng mạng xã hội Trung Quốc. Có ý kiến cho rằng: "Đây là một ông chủ tốt và văn hóa công ty này nên được quảng bá trên toàn quốc".

"Tôi muốn chuyển sang Pang Dong Lai. Tôi cảm thấy mình sẽ có được hạnh phúc và sự tôn trọng ở đó", một người khác nêu ý kiến.

Theo một cuộc khảo sát năm 2021 về sự lo lắng tại nơi làm việc ở Trung Quốc, hơn 65% nhân viên cảm thấy mệt mỏi và không vui tại nơi làm việc.

Mức lương thấp, mối quan hệ phức tạp giữa các cá nhân và văn hóa làm thêm giờ được cho là những nguyên nhân chính gây ra cảm xúc tiêu cực ở nơi làm việc tại đất nước tỷ dân này.

Vào tháng 3/2023, Yu Donglai đã có một bài phát biểu, trong đó lên án văn hóa với chủ trương làm việc nhiều giờ của các ông chủ Trung Quốc. Theo ông: "Bắt nhân viên làm thêm giờ là phi đạo đức và tước đoạt cơ hội phát triển của người khác".

Chính sách việc làm của công ty ông Yu quy định nhân viên chỉ làm việc 7 giờ một ngày, nghỉ cuối tuần, được nghỉ phép hàng năm từ 30 - 40 ngày và 5 ngày nghỉ trong dịp Tết Nguyên đán.

Nói về tương lai của công ty mình, ông Yu cho biết: "Chúng tôi không muốn trở nên quá lớn mạnh. Chúng tôi muốn nhân viên của mình có một cuộc sống khỏe mạnh và thoải mái hơn, công ty cũng vậy", và cho rằng triết lý của Pang Dong Lai đề cao sự tự do và tình yêu.

Được biết, mức lương trung bình hàng tháng của nhân viên tại công ty là 7.000 nhân dân tệ (hơn 24 triệu đồng).

Theo một trang tin bán lẻ, mức lương trung bình của công nhân bán lẻ ở Trung Quốc vào năm 2019 là 3.566 nhân dân tệ (hơn 12 triệu đồng).

Năm 2024, Pang Dong Lai cũng giới thiệu hệ thống chứng nhận cấp bậc công việc tại công ty. Ông Yu cho biết, một người lao công cũng có có thể kiếm tới 500.000 nhân dân tệ (hơn 1,7 tỷ đồng) mỗi năm, miễn là khả năng chuyên môn của họ đạt đến một mức độ nhất định.

Mặc dù chỉ có 13 cửa hàng ở Hứa Xương và Tân Hương, hai thành phố hạng ba ở tỉnh Hà Nam, Pang Dong Lai đã được cả nước Trung Quốc công nhận là đạt "tiêu chuẩn cao nhất của ngành công nghiệp Trung Quốc" nhờ đạt được tiêu chuẩn cao về dịch vụ khách hàng trong 29 năm.

Siêu thị Pang Dong Lai còn được trang bị tủ gửi thú cưng cho khách hàng ở lối vào cùng với các thiết bị làm mát và nước uống dành riêng cho thú cưng. Nơi đây cũng cung cấp khoảng 100 dịch vụ miễn phí, bao gồm đo huyết áp miễn phí, vệ sinh máy điều hòa và bảo trì túi xách.

Trần Trang/Báo Tin tức (Theo SCMP)
Trung Quốc cân nhắc trả thêm lương cho nhân viên 'tăng ca vô hình'
Trung Quốc cân nhắc trả thêm lương cho nhân viên 'tăng ca vô hình'

Trung Quốc sẽ xem xét bảo vệ pháp lý đối với những nhân viên phải làm việc trên mạng sau giờ làm, một hình thức “làm thêm giờ vô hình” mà tòa án tối cao nước này cho rằng cần phải được trả tiền.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN