Trong một tuyên bố, ông Maza cho biết các công tố viên đã gửi yêu cầu lên Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha truy tố các cựu lãnh đạo Catalonia, vốn bị chính quyền trung ương Madrid cách chức hôm 27/10 vừa qua, tội “xúi giục chống đối và tham ô". Tội chống đối tại Tây Ban Nha sẽ bị phạt 30 năm tù.
Cựu Thủ hiến vùng Catalunya Carles Puigdemont (phải) gặp gỡ người dân vùng tự trị tại Girona ngày 28/10. Ảnh: AFP/TTXVN |
Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Tây Ban Nha Alfonso Dastis cùng ngày bày tỏ hy vọng và tin tưởng rằng một cuộc bầu cử địa phương tại Catalonia sẽ kết thúc bằng việc vùng lãnh thổ này vẫn là một phần của Tây Ban Nha. Phát biểu tại Kiev (Ukraine), Ngoại trưởng Tây Ban Nha nhấn mạnh nước này hy vọng cuộc bầu cử khu vực vào tháng 12 tới sẽ giúp Tây Ban Nha khôi phục quyền quản lý và nền pháp quyền tại Catalonia. Tây Ban Nha tin tưởng rằng sau cuộc bầu cử, Catalonia sẽ trở lại xã hội giống như trước đây, cởi mở và hợp nhất.
Cũng trong ngày 30/10, đảng PDeCAT của cựu Thủ hiến Puigdemont tuyên bố sẽ tham gia cuộc bầu cử sớm tại Catalonia do chính quyền trung ương Tây Ban Nha tiến hành vào ngày 21/12 tới. Trong khi đó, nguồn tin từ Chính phủ Tây Ban Nha cho biết ông Puigdemont hiện đang ở Bỉ. Nhật báo La Vanguardia của Catalonia đưa tin ông Puigdemont đi cùng một số cựu quan chức trong bộ máy lãnh đạo dưới thời ông.
Cơ quan lập pháp Catalonia cùng ngày cũng đã hủy cuộc họp vào ngày 31/10 như dự kiến sau khi Chính phủ Tây Ban Nha tiếp quản quyền quản lý vùng. Một nguồn tin từ cơ quan lập pháp Catalonia đã thừa nhận cơ quan này đã chấp thuận yêu cầu giải tán từ chính quyền trung ương Madrid.
Trước đó, Chính phủ Tây Ban Nha hôm 28/10 đã chính thức kiểm soát chính quyền vùng Catalunya. Động thái trên diễn ra một ngày sau khi cơ quan lập pháp Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, buộc Thủ tướng Mariano Rajoy quyết định giải tán cơ quan này, cách chức Thủ hiến Puigdemont cùng ban lãnh đạo chính quyền tự trị, đồng thời ra lệnh tiến hành bầu cử sớm tại vùng này vào tháng sau.