Trung tâm phòng chống khủng hoảng
Với các chức năng gồm camera giám sát khủng hoảng, kho dự trữ lương thực trong trường hợp khẩn cấp và các bể chứa nước khổng lồ, Skytree được xem là một trung tâm phòng chống khủng hoảng của khu vực. Trước tiên, đó là camera giám sát phòng chống khủng hoảng. Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Kanbara Masanao, phụ trách công tác quản lý thảm họa-khủng hoảng của quận Sumida cho biết năm 2012, hai camera giám sát của quận được lắp đặt phía Đông và phía Tây tháp Skytree ở độ cao 260 m so với mặt đất, cung cấp góc nhìn toàn cảnh toàn quận. Khi xảy ra thảm họa, các thông tin thu được thông qua hình ảnh đóng vai trò rất quan trọng. Căn cứ vào dữ liệu có được từ những hình ảnh do camera thu thập, quận Sumida sẽ quyết định các giải pháp, chủ trương để ứng phó với tình hình. Không chỉ thảm họa thiên tai, camera giám sát cũng đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện hỏa hoạn để thông báo kịp thời cho lực lượng cứu hỏa đến hiện trường dập tắt đám cháy.
Vì tính hữu ích cho công tác phòng chống thiên tai, khi Tháp Tokyo Skytree đang được xây dựng, quận Sumida đã đề nghị lắp đặt camera giám sát này. Đề xuất đã được công ty quản lý tháp đồng ý và cho quận sử dụng miễn phí vị trí lắp đặt như một đóng góp dành cho cộng đồng.
Thứ hai, đó là Kho dự trữ phòng ngừa thảm họa. Bên trong tháp, còn có một không gian cho các hoạt động phòng ngừa thảm họa và một kho dự trữ phòng ngừa thảm họa. Giới thiệu về kho dự trữ phòng chống thiên tai, ông Kanbara Masanao cho biết quận Sumida dự trữ với các mặt hàng thiết yếu gồm nước, thực phẩm, chăn, toilet di động… cho những người mắc kẹt tại tháp trong trường hợp xảy ra động đất. Tháp Tokyo Skytree rất gần ga Oshiage và đồ tiếp tế chủ yếu cho những người không thể trở về nhà do tàu ngừng chạy sau động đất. Vì vậy quận đã dự phòng thức ăn và nước uống cho 3.000 người. Thực phẩm là các loại thức ăn đơn giản không gây dị ứng, hầu hết là bánh gạo.
Tiếp đến là Hệ thống lưu trữ nước. Tokyo Skytree Town và khu vực xung quanh được lắp đặt hệ thống sưởi ấm và làm mát khu vực (DHC). Hệ thống DHC sử dụng máy bơm nhiệt nguồn nước địa nhiệt sản xuất nước nóng và nước mát, cung cấp năng lượng nhiệt và làm mát cho hệ thống điều hòa không khí và một số tòa nhà trong khu vực, giúp sử dụng năng lượng hiệu quả. Vì nhiệt độ đất khá ổn định quanh năm nên vào mùa Hè, dưới lòng đất mát hơn trên mặt đất và ấm hơn vào mùa Đông. Máy bơm nhiệt khai thác hiệu quả sự chênh lệch giữa nhiệt độ không khí và nhiệt độ dưới lòng đất để làm nóng hoặc làm mát nước. Sau đó, nước này được lưu trữ trong các bể chứa nhiệt. Hệ thống này không chỉ giúp điều hòa không khí hiệu quả hơn mà còn giảm nhiệt do các thiết bị ngoài trời tỏa ra khí quyển, nhờ đó giúp giảm thiểu hiệu ứng đảo nhiệt. Việc đưa hệ thống DHC này vào sử dụng có thể cắt giảm 48% mức tiêu thụ năng lượng hằng năm tại khu vực.
Nước lưu trữ trong bể chứa nước nhiệt dung tích lớn cũng có thể được sử dụng để chữa cháy hoặc nước sinh hoạt trong trường hợp xảy ra thảm họa trên diện rộng. Bể chứa được 7.000 tấn, tương đương với 35.000 thùng nước, đủ cung cấp nhu cầu sinh hoạt cho khoảng 230.000 người. Ngoài ra, còn có 60 bể chứa nước mưa ngầm có sức chứa 2.635 tấn, trong đó 800 tấn cung cấp đủ nước để sử dụng trong phòng vệ sinh và tưới cây trên mái nhà. 1.835 tấn nước còn lại được dùng làm bể kiểm soát nước mưa để điều chỉnh lượng nước xả ra các khu vực xung quanh trong trường hợp mưa lớn.
Tháp Tokyo Skytree còn là điểm chính để nghiên cứu sét. Với độ cao lên tới 643 m, tháp như nam châm thu hút một thứ khá nguy hiểm, đó là tia sét. Tần suất sét đánh cho phép thu thập dữ liệu ở mức độ chưa từng có trên toàn cầu. Nhiều viện nghiên cứu tận dụng chiều cao của tháp để tiến hành quan sát và thí nghiệm khí tượng.
Thiết bị để quan sát sét được lắp đặt ở độ cao gần 500 m trên không, được tiếp cận thông qua cầu thang xoắn ốc và các thang sắt trên đài quan sát Tembo Galleria - nằm ở độ cao 450 m. Việc leo lên không dành cho những người sợ độ cao và trong mọi trường hợp, khu vực này không dành cho người dân.
Nghiên cứu viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu giám sát sét thuộc Viện nghiên cứu Trung ương Điện lực, ông Saito Mikihisa tiết lộ xung quanh các trụ ở trung tâm của tòa tháp là các ống nhựa, dài khoảng 30 m. Bên trong những ống này là các cuộn dây đồng. Khi sét đánh, điện truyền từ khung thép xuống đất và điện chạy trong các cuộn dây nhờ vào là cảm ứng điện từ. Dữ liệu về dòng điện và các yếu tố khác được truyền đến máy tính trong phòng thí nghiệm bên dưới tòa tháp, nằm ở độ cao 350 m. Thông tin này được phân tích, có tính đến điều kiện thời tiết và hình ảnh sét đánh.
Tháp phát sóng truyền hình và phát thanh
Kể từ khi mở cửa, Tokyo Skytree đã trở thành tâm điểm chú ý như một điểm đến du lịch hấp dẫn hàng đầu của Nhật Bản. Nhưng vai trò ban đầu của tòa tháp này lại là trung tâm truyền phát sóng kỹ thuật số mặt đất.
Hoạt động truyền phát kỹ thuật số mặt đất bắt đầu từ tháng 12/2003 tại khu vực Kanto, với việc sử dụng Tháp Tokyo. Tuy nhiên, những người xây dựng Tháp Tokyo không thực sự lường trước được Tokyo sẽ phát triển mạnh mẽ như thế nào. Khi ngày càng có nhiều tòa nhà chọc trời được xây dựng xung quanh, Tháp Tokyo quá thấp để có thể hoạt động hiệu quả như một công trình phát sóng truyền hình và phát thanh.
Vì lý do này, quyết định xây dựng một tòa tháp khác cao hơn nhiều đã được đưa ra, theo đó Tokyo Skytree cao gần gấp đôi so với Tháp Tokyo.
Là một tháp truyền phát sóng tích hợp trong khu vực đô thị Tokyo, Skytree đảm bảo khả năng tiếp tục truyền thông tin đến các khu vực bị ảnh hưởng ngay cả trong trường hợp xảy ra thảm họa lớn như động đất.
Khi vai trò truyền phát sóng được chuyển giao hoàn toàn cho tòa tháp mới ở độ cao 600 m, khối lượng truyền phát sóng kỹ thuật số mặt đất tăng gấp đôi, do đó giảm thiểu tác động của số lượng tòa nhà cao tầng ngày càng tăng.
Ngày nay, Tháp Tokyo Skytree đóng vai trò rất quan trọng là tháp phát sóng truyền hình và phát thanh chính ở Vùng Kanto. Phạm vi không chỉ bao gồm vùng đô thị Tokyo mà còn bao gồm nhiều vùng xung quanh khác trong khu vực.
Điểm đến chính trong hành trình du lịch Nhật Bản
Tokyo Skytree có một con số ấn tượng, đặc biệt là vào ban đêm, khi tòa nhà được thắp sáng bằng 2.075 bóng đèn LED, xứng đáng có một vị trí trong 100 cảnh quan của Tokyo mới.
Hệ thống chiếu sáng hoàn toàn bằng đèn LED được thiết kế theo hai kiểu chính, màu xanh nhạt lấy cảm hứng từ sông Sumida và màu tím lấy cảm hứng từ sắc tím truyền thống đã phổ biến từ Thời kỳ Edo (1603-1867).
Với hai đài quan sát, Tháp Tokyo Skytree cung cấp tầm nhìn bao quát toàn bộ thủ đô Tokyo. Từ đài quan sát cao 450 m, du khách có thể ngắm toàn cảnh thành phố trải rộng trước mắt cũng như những ngọn núi hùng vĩ xung quanh Tokyo, đặc biệt là núi Phú Sĩ, cách đó 100 km.
Theo ông Masayuki Yamamoto, ngoại trừ vào thời điểm phong tỏa do dịch COVID-19, Tháp Tokyo Skytree luôn hoạt động có lợi nhuận nhờ vào lượng khách tham quan đông đảo. Trung bình một ngày có thể có tới 11.000 đến 12.000 lượt khách và số lượng có thể lên tới 15.000 đến 16.000 lượt vào dịp cuối tuần hoặc những ngày nghỉ. Ông cũng xác nhận rằng Tokyo Skytree được hưởng lợi nhờ vào việc khách du lịch nước ngoài đổ xô đến Nhật Bản trong thời gian gần đây, chiếm tới hơn 30% lượng khách tham quan địa điểm này. Thậm chí lượng khách du lịch nước ngoài có thể chiếm tới 40-50% vào thời điểm chiều tà do muốn được ngắm cảnh hoàng hôn từ đây.
Với các thiết kế và giải pháp tiên tiến, Tokyo Skytree không chỉ là điểm đến nổi bật, mà còn là đỉnh cao công nghệ, biểu tượng cho một Nhật Bản độc đáo, hiện đại và an toàn.