Thu hoạch lúa mì trên cánh đồng ở Khmelnytskyi, Ukraine. Ảnh minh họa: AFP/TTXVN
Theo đó, EU sẽ áp đặt hạn ngạch với hàng nông sản Ukraine ở mức thấp hơn và điều chỉnh theo tỷ lệ trong thời gian 7 tháng, kéo dài đến tháng 12/2025. Biện pháp tạm thời này, đã được các quốc gia thành viên EU chấp thuận, sẽ được áp dụng từ ngày 6/6 cho đến khi Ukraine và EU đạt được thỏa thuận mới.
EU đã đưa ra các biện pháp này trong bối cảnh thỏa thuận ban đầu với Ukraine sắp hết hạn vào ngày 5/6 và cả hai bên dường như không thể đạt được thỏa thuận trước thời hạn trên.
Ukraine muốn tiếp tục gia hạn thỏa thuận theo các điều khoản hiện có, trong khi EU ủng hộ việc giảm hạn ngạch và một thỏa thuận dài hạn hơn.
Phản ứng trước quyết định này, Ukraine cảnh báo biện pháp mới có thể gây ra nhiều hậu quả kinh tế đối với nước này.
EU đã miễn thuế cho hầu hết hàng nông sản của Ukraine để hỗ trợ nền kinh tế nước này bị ảnh hưởng trầm trọng do cuộc xung đột với Nga. Tuy nhiên, biện pháp hỗ trợ trên đã vấp phải sự phản đối của nông dân tại nhiều nước thành viên EU, cho rằng nông sản của họ bị cạnh tranh không công bằng với hàng hóa Ukraine.
Để xoa dịu sự phản đối của nông dân, năm 2024, khi gia hạn thỏa thuận thêm 1 năm, EU đã bổ sung một số hạn chế nhất định về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm miễn thuế như thịt gia cầm, trứng, đường và ngô.
Việc EU mở cửa thương mại với Ukraine kể từ năm 2022 đã thúc đẩy đáng kể xuất khẩu của nước này, chẳng hạn như đường. Theo số liệu từ Ủy ban châu Âu, giai đoạn 2023-2024, EU đã nhập khẩu hơn 500.000 tấn đường của Ukraine, tăng mạnh so với 40.000 tấn trong giai đoạn 2021-2022.