Theo dự kiến, Séc sẽ nhận được lô hàng đầu tiên trong vòng 30 ngày.
Phóng viên TTXVN tại Praha dẫn lời Bộ trưởng Válek cho biết Séc đã đạt được thỏa thuận về cách thức phân phối thuốc cũng như cung cấp cho Pfizer các thông số và hiện đang chờ hợp đồng từ New York.
Theo các chuyên gia, việc điều trị cho những bệnh nhân bị nhiễm biến thể Omicron chủ yếu sẽ dựa vào thuốc kháng virus do các kháng thể đơn dòng hiện có không đủ tác dụng ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng và cần phát triển các kháng thể khác. Ngoài Paxlovid, Séc đã nhập thuốc Molnupiravir của hãng Merck (Đức), loại mà chính phủ nước này có thể tiếp tục đặt hàng.
Chủ tịch Hiệp hội Y học truyền nhiễm CH Séc mang tên Jan Evangelista Purkyně, ông Pavel Dlouhý cho biết việc sử dụng thuốc Remdesivir mới ở bệnh nhân ngoại trú cũng đã được chấp thuận, tương tự như các kháng thể đơn dòng ở dạng truyền 3 lần. Theo ông, thuốc Remdesivir cho thấy hiệu quả lên đến 85% đối với biến thể Omicron. Phương pháp điều trị điển hình nhất cho bệnh nhân trong bệnh viện là hỗ trợ thở oxy, đồng thời dùng thuốc chống đông máu và ức chế phản ứng miễn dịch mạnh mà virus SARS-CoV-2 gây ra.
Số lượng các ca lây nhiễm COVID-19 mới tại Séc đã tăng lên trong tuần này. Các chuyên gia cho rằng đây là kết quả sau kỳ nghỉ lễ, một phần do biến thể Omicron dễ lây nhiễm hơn, hiện tỷ lệ là 431 người nhiễm mới/100.000 dân trong 7 ngày qua. Trong số các khu vực, nơi có tỷ lệ mắc bệnh cao nhất là thủ đô Praha. Các nhân viên của Hệ thống cấp thoát nước Praha cũng đã phát hiện ra sự hiện diện của biến thể Omicron trong nước thải.
Tuy nhiên, theo Bộ Y tế Séc, số cá mắc COVID-19 phải điều trị tại các bệnh viện đã giảm dần từ tuần thứ hai của tháng 12 và hiện ở mức thấp nhất kể từ ngày 2/11/2021. So sánh giữa các tuần, số lượng nhập viện giảm gần 570 bệnh nhân vào ngày 8/1. Hiện có khoảng 2.300 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại bệnh viện, trong đó có 430 ca nặng, giảm so với 580 ca vào tuần trước.