Cộng đồng quốc tế phản đối Mỹ đưa Cuba trở lại 'danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố'

Theo phóng viên TTXVN tại châu Mỹ, ngay sau khi chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump ra tuyên bố đưa Cuba trở lại "danh sách các quốc gia bảo trợ khủng bố", nhiều nước và các tổ chức quốc tế đã phản đối và lên án quyết định được cho là bất công với một đất nước có uy tín quốc tế cao về tình đoàn kết như đảo quốc Caribe này. 

Chú thích ảnh
 Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP/TTXVN

Trong một tuyên bố ngày 12/1, Liên minh Bolivar cho các dân tộc châu Mỹ - Hiệp định thương mại của các dân tộc (ALBA-TCP) đã lên án quyết định “độc đoán” và không công bằng của Mỹ đối với Cuba. Thư ký điều hành của ALBA-TCP, ông Sacha Llorenti nhấn mạnh hành động này “vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, hay đúng hơn đây là một sự lăng mạ đối với các dân tộc trên thế giới”. Tổng Thư ký ALBA-TCP nhấn mạnh Cuba đã cử bác sĩ tới các quốc gia trên thế giới để cứu sống hàng nghìn sinh mạng, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 và tác động của lệnh cấm vận tài chính, kinh tế và thương mại mà Mỹ áp đặt lên hòn đảo này suốt 6 thập kỷ qua. Ông Llorenti khẳng định: “Nếu có một danh sách các quốc gia bảo trợ cho cuộc sự đoàn kết và cuộc sống, Cuba sẽ nằm ở vị trí đầu tiên”. 

Trong khi đó, Chủ tịch Nghị viện Khối Thị trường chung Nam Mỹ (Parlasur), ông Oscar Laborde cho rằng quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa Cuba vào danh sách bảo trợ khủng bố không chỉ “không khả thi và lỗi thời”, mà còn gây tổn hại cho chính quốc gia Bắc Mỹ. Theo ông, bước đi khiến mối quan hệ với Cuba của Tổng thống Mỹ thêm "thụt lùi" đã cho thấy Washington "thực thi các biện pháp cưỡng chế vũ lực tàn bạo" thông qua quân đội hoặc bằng cách áp đặt các hạn chế kinh tế, thậm chí ngay trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Chính phủ Venezuela cũng đã chỉ trích quyết định nói trên của Mỹ, khẳng định rằng quan điểm này phản ánh sự thao túng và lợi dụng chính trị và ý thức hệ đối với vấn đề chống khủng bố nhằm thúc đẩy kế hoạch của nước này trong âm mưu gây bất ổn và liên tục gây hấn chống Cuba. 

Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Venezuela chỉ rõ, hành động này của chính quyền Tổng thống Trump là bằng chứng cho thấy ý định phá hoại và cản trở khả năng xây dựng một mối quan hệ hợp tác giữa chính phủ tiếp theo của Mỹ và chính quyền đảo quốc Caribe. Venezuela cũng kêu gọi chính quyền sắp tới của Mỹ bác bỏ các biện pháp đơn phương trái với luật pháp quốc tế và mong muốn của nhân dân hai nước. 

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/1 cũng chỉ trích việc Mỹ thao túng cuộc chiến chống khủng bố như một cái cớ để duy trì sự áp bức và áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Cuba, đồng thời nhắc lại lời kêu gọi của Bắc Kinh về việc Washington và La Habana bình thường hóa quan hệ song phương trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran - ông Said Khatibzadeh nhận định Mỹ đã đưa ra "một cáo buộc vô căn cứ".

Cuba lần đầu tiên bị đưa vào danh sách các nước tài trợ khủng bố vào năm 1982 dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan. Tới năm 2015, trong một nỗ lực bình thường hóa quan hệ với “Hòn đảo tự do” của cựu Tổng thống Barack Obama, La Habana đã được đưa ra khỏi danh sách này.

Lê Hiền (TTXVN)
Chủ tịch Diaz-Canel: Cuba là nạn nhân và không bảo trợ khủng bố
Chủ tịch Diaz-Canel: Cuba là nạn nhân và không bảo trợ khủng bố

Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel đã bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ trước quyết định của Mỹ đưa đảo quốc Caribe này trở lại "danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố", hành động mà nhà lãnh đạo Cuba đánh giá là "đòn cuối cùng của một chính quyền ủng hộ mafia Cuba ở Miami”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN