Trong thông cáo chung được đưa ra sau cuộc họp của Hội đồng Ngoại giao và cộng đồng lần thứ 22 giữa các Ngoại trưởng của CARICOM diễn ra tại Grenada, các nước bày tỏ quan ngại về quyết định của Washington, đồng thời cho rằng việc áp dụng những biện pháp này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội cũng như cuộc sống của người dân Cuba.
CARICOM cũng nhấn mạnh sự ủng hộ của khu vực đối với các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, khẳng định quan điểm phát triển kinh tế và ổn định của khu vực đóng góp cho hòa bình và an ninh quốc tế. Ngoài ra, các nước thành viên CARICOM cũng bày tỏ lập trường phản đối lệnh cấm vận của Mỹ chống Cuba và các chính sách thù địch mà Washington áp dụng đối với La Habana.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Canada Chrystia Freeland cho biết trong chuyến thăm Cuba từ ngày 16/5, bà sẽ thảo luận với người đồng cấp nước chủ nhà Bruno Rodríguez về tình hình hiện nay tại Venezuela và việc Mỹ mới siết chặt luật Helms-Burton chống Cuba.
Luật Helms-Burton được ban hành năm 1996 và là một trong những nền tảng pháp lý cho cuộc bao vây cấm vận của Mỹ chống Cuba. Trong đó, Điều 3 cho phép các công dân Cuba có tài sản bị tịch thu, sau khi nhập quốc tịch Mỹ, được quyền khởi kiện tại các tòa án Mỹ để đòi lại số tài sản đó hoặc đòi bồi thường. Dù vậy, kể từ khi Luật Helms-Burton ra đời, tất cả các tổng thống Mỹ mỗi khi ký gia hạn đạo luật này đều miễn áp dụng Điều 3 theo thời hạn 6 tháng/lần.
Tuy nhiên, ngày 17/1 vừa qua, Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ ký miễn áp dụng đề mục này trong thời hạn 45 ngày. Từ ngày 4/3, áp dụng một phần và chỉ hoãn thi hành thêm 30 ngày. Tiếp đó, ngày 17/4, Mỹ tuyên bố Điều 3 của Luật Helms-Burton bắt đầu có hiệu lực từ ngày 2/5. Liên minh châu Âu (EU) cam kết áp dụng "các biện pháp thích hợp", bao gồm cả thông qua Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay sử dụng các trừng phạt trả đũa, chống lại việc Mỹ thực thi đầy đủ Luật Helms-Burton nhằm thắt chặt lệnh bao vây cấm vận kinh tế chống Cuba.